(HNM) - So với trước đây, học sinh (HS) ngày nay có điều kiện học hành tốt hơn từ việc được cha mẹ đầu tư mua sắm máy tính, công cụ học tập đến việc đưa, đón khi đi học, không phải làm việc nhà… để dành tất cả thời gian cho học hành. Thế nhưng, cũng vì thế đã làm nảy sinh nhiều vấn đề tâm lý tiêu cực trong HS.
Nhà trường và gia đình cần có biện pháp quản lý chặt chẽ với con, em để tránh tình trạng tâm lý tiêu cực. |
Nghiện internet, game
Internet chỉ mới được phát triển rộng rãi ở Việt Nam trong 10 năm nay nhưng ngày càng thông dụng và là phương tiện tra cứu thông tin không thể thiếu cho mọi người. Học sinh có thể mở rộng, làm phong phú thêm những kiến thức đã được học ở trường bằng cách tìm kiếm trên internet. Tuy nhiên, theo TS Đỗ Hạnh Nga, Trường Đại học KHXH&NV TP Hồ Chí Minh, mặt trái của việc sử dụng internet cũng rất nhiều. Cụ thể là HS dành quá nhiều thì giờ lên mạng để tán gẫu, gửi và nhận thư điện tử, vào những trang web cấm, bỏ bê học hành. Kết quả cuộc điều tra "Tìm hiểu ảnh hưởng của internet đối với HS, sinh viên Việt Nam hiện nay" trên 647 học sinh do Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam tổ chức cho thấy nhiều điều bất ngờ. Số sử dụng internet để gửi và nhận thư điện tử là 87,8%, tán gẫu là 80,7%. Số người sử dụng internet để tìm những thông tin liên quan đến công việc chỉ chiếm 1,4%.
Bên cạnh đó, HS vào mạng để tìm các thông tin về sex cũng ngày càng nhiều. Thống kê của Google Trends (trang thống kê thói quen tìm kiếm của người sử dụng công cụ Google Search trên toàn thế giới) cho thấy, trong tháng 9 và tháng 10-2008, số câu lệnh tìm kiếm chứa từ "sex" xuất phát từ các địa chỉ IP Việt Nam nhiều nhất thế giới. Những thống kê này đã chứng minh rằng đang có bộ phận những người dùng internet, trong đó có HS sử dụng công cụ này để thỏa mãn cơn nghiện sex chứ không phải là để phục vụ cho việc học tập, nghiên cứu. Đặc biệt báo động là HS, sinh viên thừa nhận bị ảnh hưởng tiêu cực từ mặt trái của internet rất cao, với tỷ lệ tương ứng 75,5% và 77,1%
Cùng với internet, trò chơi trực tuyến du nhập vào Việt Nam khoảng gần chục năm nay, tới thời điểm này số lượng người chơi game đã tăng lên chóng mặt. Nếu năm 2008, Việt Nam chỉ có khoảng 1,5 triệu người chơi game thì đến năm 2011, có 11 triệu người chơi. Nhiều game thủ từ chỗ thích chơi game trở thành chơi game chuyên nghiệp, kiếm sống bằng game và cá độ ăn tiền. Phiêu lưu trong thế giới ảo của game một cách quá đà, nhiều trẻ vị thành niên đã bị cuốn đi, tự biến thành những con nghiện. Ở những thành phố lớn, các quán kinh doanh trò chơi trực tuyến mọc khắp nơi, tại đây người chơi bất kể ngày đêm, chủ yếu là HS, sinh viên trốn học để chơi. Cũng từ đây đã xuất hiện hàng loạt các vụ án giết người, cướp của, cố ý gây thương tích để lấy tiền chơi game
Lạm dụng chất gây nghiện
Theo số liệu điều tra năm 2000 của Chương trình kiểm soát ma túy Liên hợp quốc, trên 20 nghìn HS đang học tại 100 trường THCS, THPT, trung học dạy nghề ở một số thành phố, thị xã đại diện cho các vùng đô thị trong cả nước cho thấy khoảng 2/3 số HS được hỏi biết ít nhất một loại ma túy nào đó, đặc biệt là thuốc phiện và hêrôin, gần 10% HS biết đến amphetamin, thứ hồng phiến đang ngày càng phổ biến ở các nước trong khu vực.
Hiện nay trong giới HS, sinh viên đang lan truyền hình thức mới của việc lạm dụng chất gây nghiện. Trào lưu hút "pin" (còn gọi là hút thuốc lào Canada đang lan rộng ở một số địa phương, đặc biệt ở Hà Nội, Hải Phòng và TP Hồ Chí Minh. "Pin" được chế biến dưới dạng sợi thuốc, gói trong túi nilông hoặc ép thành bánh để dân chơi xắt ra, bóp vụn rồi quấn vào giấy để hút và thường ngụy trang như thuốc lá nên có thể "sạc pin" ở bất cứ đâu. Bên cạnh đó là lạm dụng ma túy khi hút shisha (còn gọi là hút thuốc lào Ả rập.) Biểu hiện cụ thể việc này ở một bộ phận thanh, thiếu niên tại các thành phố lớn thường tồn tại dưới hai hình thức: một là "dân chơi" thay loại nước hoa quả chuyên dụng để hút shisha bằng rượu mạnh nhằm tạo cảm giác mạnh hơn, "bay hơn". Hai là, một số đối tượng nghiện ma túy thường rủ nhau tụ tập ở quán bar, café có bộ hút shisha và bí mật trộn cần sa hoặc "cỏ Malay" vào thuốc shisha để hút, thậm chí hút trực tiếp cần sa thông qua "điếu cày shisha".
Trước tình trạng trên, theo TS Đỗ Hạnh Nga, cần triển khai công tác tuyên truyền tới từng gia đình, cụm dân cư, trường học để mọi người thấy rõ hình thức, tác hại và hậu quả pháp lý của việc lạm dụng chất gây nghiện, nghiện game, sex của thanh, thiếu niên. Đối với mỗi nhà trường cần có biện pháp quản lý chặt chẽ HS, khi phát hiện những em có biểu hiện lạm dụng chất gây nghiện phải kịp thời thông báo cho cơ quan công an và gia đình các em biết để có biện pháp phối hợp giáo dục kịp thời. Một giải pháp vô cùng quan trọng và cấp bách nhất hiện nay là nhà trường cần có biên chế cho các nhà tư vấn tâm lý chuyên nghiệp. Những người này sẽ chẩn đoán tâm lý trẻ vị thành niên, thiết lập các biện pháp can thiệp sớm cho tình trạng tâm lý của HS để đưa ra những lời khuyên và tư vấn đúng đắn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.