(HNM) - Quy định về cấm bán hàng rong trên vỉa hè, lòng đường đã có, tuy nhiên thực trạng này vẫn diễn ra, đặc biệt ở khu vực cổng các trường học. Đáng nói hơn, hầu hết đồ ăn vặt được người bán hàng rong bán trước cổng trường đều không rõ nguồn gốc...
Nhiều học sinh tỏ ra thích thú với những món ăn bán rong trước cổng trường. |
Thực phẩm không rõ nguồn gốc
Trước cổng Trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy), hầu như ngày nào cũng xuất hiện những chiếc xe di động bán cá viên, xúc xích, chả mực… với giá 2.000 đồng/xiên vào các khoảng thời gian: 7h, 11h, 16h. Bao bì của đồ ăn phần lớn không có nhãn phụ tiếng Việt, không nguồn gốc... nhưng vẫn được học sinh ăn ngon lành. Mặc khói, bụi, hằng ngày những chiếc xe đẩy bên lề đường vẫn bán ra hàng nghìn xiên chả rán từ những lít dầu ăn không rõ xuất xứ để phục vụ học sinh.
Tại cổng Trường Tiểu học Dịch Vọng A (quận Cầu Giấy), Trường Tiểu học Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) đồ ăn vặt như kẹo nổ, kẹo son môi, kẹo ngón tay, thạch dừa, thịt hổ… có giá từ 5.000 đồng đến 20.000 đồng.
Chị Trần Tuệ Liên, phụ huynh học sinh Trường Tiểu học Thanh Liệt (huyện Thanh Trì) cho biết, có lần con gái chị khoe gói thịt hổ có giá 1.000 đồng được bạn cho. Chị ăn thử thì sặc mùi của hương vị tẩm ướp. Thử ngâm miếng thịt hổ vào cốc nước ấm thì một lúc sau thịt rã ra, trơ lại miếng xốp màu trắng. Chị Liên lo ngại, nếu lơ là một chút thì con chị tiếp tục ăn độc vào người mà không biết.
Còn rất nhiều học sinh khác tại các quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoàng Mai, Hoàn Kiếm… vẫn vô tư mua đồ ăn vặt trước cổng trường, điển hình là kẹo cao su cuộn Hubba Bubba. Trong khi tại các siêu thị, cửa hàng bánh kẹo nhập khẩu bán giá 65.000-75.000 đồng/cuộn thì tại các cổng trường chỉ bán với giá 5.000-20.000 đồng/cuộn. Nắm bắt thị hiếu, nhiều sản phẩm giả, nhái xuất hiện trên thị trường với giá chỉ bằng 1/3, thậm chí là 1/10.
Việc bán hàng rong với các loại hàng hóa không rõ nguồn gốc đã bị cấm, nhưng hiện tượng này vẫn diễn ra thường xuyên, án ngữ ở rất nhiều cổng trường, đe dọa đến sức khỏe của học sinh. Theo ông Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm, trách nhiệm quản lý việc bán hàng rong thuộc về UBND cấp phường, xã; còn trách nhiệm của nhà trường là nâng cao năng lực giám sát, kịp thời báo cho chính quyền sở tại để kiểm tra, dẹp bỏ hàng rong.
Cũng về vấn đề này, bà Hoàng Thị Minh Thu, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội (Sở Y tế) cho biết, trong năm 2018, đoàn liên ngành đã thanh tra đột xuất các trường học ở 10 quận, huyện về vấn đề bán hàng rong trước cổng trường. Tuy nhiên, nhà trường báo cáo không còn hàng rong nào và tại thời điểm kiểm tra cũng không phát hiện hàng rong (!?).
Rõ ràng, những báo cáo trên còn chưa phản ánh đúng tình hình thực tế. Lý giải điều này, ông Trần Toàn Thương, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) nêu, do đặc thù dân số đông nên khi tan trường lực lượng công an phường chỉ đủ sức phân luồng giao thông, bảo đảm an ninh trật tự, còn việc dẹp bỏ hàng rong là điều rất khó. Một lý do khác được không ít phụ huynh thừa nhận, là vì nhận thức chưa rõ ràng về thực phẩm bẩn nên khi con xin tiền mua đồ ăn vặt thì sẵn sàng cho.
Cần sự hợp tác của phụ huynh, học sinh
Nguy cơ mất vệ sinh an toàn thực phẩm vẫn hiện hữu hằng ngày khi hàng rong bủa vây các cổng trường học. Ảnh: Tuyết Khoa |
Bà Hoàng Thị Minh Thu cho biết, trên địa bàn thành phố hiện có gần 3.000 hàng rong đang hoạt động, thường tập trung ở các trường học, nhà ga. Ngoài việc phân cấp cho các phường, xã kiểm soát, hằng năm, chi cục phối hợp 30 trung tâm y tế quận, huyện, thị xã triển khai rà soát, quản lý chặt chẽ các cơ sở kinh doanh ăn uống, thức ăn đường phố, trong đó có hàng rong. Chi cục sẽ tiếp tục tăng cường thanh, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm, phát hiện kịp thời các sản phẩm chứa phụ gia, không rõ nguồn gốc.
Tuy nhiên, theo bà Hoàng Thị Minh Thu, việc cấm hoạt động đối với hàng rong cần sự vào cuộc quyết liệt hơn nữa của chính quyền địa phương, sự giám sát của nhà trường với học sinh và mấu chốt là sự hợp tác của phụ huynh.
Bà Nguyễn Thị Phương Lan, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (quận Cầu Giấy) cho biết, nhà trường thường xuyên nhắc nhở học sinh không tụ tập, mua đồ ăn không rõ nguồn gốc xuất xứ... trước cổng trường.
Còn Trung tá Phan An, Phó Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo (quận Hoàn Kiếm) cho rằng, rất khó xử lý triệt để vì học sinh vẫn “tiếp tay” cho người bán. Lực lượng Công an phường thường xuyên phân luồng giao thông giờ tan học ở các cổng trường và xử lý dẹp bỏ hàng rong. Từ đầu năm 2019 đến nay, Công an phường đã xử phạt 38 người bán hàng rong trước cổng trường (150.000 đồng/trường hợp).
Từ ngày 20-10-2018, Nghị định 115/2018/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm có hiệu lực. Đề nghị các cơ quan chức năng, đặc biệt là chính quyền sở tại nơi có các trường học cần thực hiện nghiêm các quy định trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, mỗi phụ huynh, học sinh cũng cần nâng cao ý thức, tẩy chay việc ăn quà vặt không rõ nguồn gốc trước cổng trường để góp phần đẩy lùi thực trạng bán hàng rong nêu trên.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.