Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực phẩm chức năng càng “phát”, càng loạn

Theo Phan Sơn| 23/08/2011 09:58

Nếu thống kê những ngành sản xuất phát triển trong những năm gần đây, có lẽ thực phẩm chức năng (TPCN) phải đứng đầu nhưng những quảng cáo phóng đại, không đúng sự thật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo khiến nhiều người lầm tưởng đó là thần dược hay sản phẩm trị bách bệnh.

Rất nhiều biển quảng cáo các loại thực phẩm chức năng có khả năng chữa ung thư tại khu vực cổng cơ sở 2 bệnh viện K


Theo ông Trần Đáng - Chủ tịch hiệp hội TPCN Việt Nam - nếu năm 2000 chỉ có 60 sản phẩm TPCN do 15 cơ sở nhập khẩu, thì đến hết năm 2010 có đến 3.700 sản phẩm TPCN trên thị trường do 1.626 cơ sở nhập khẩu hay sản xuất. Năm 2007: tỷ lệ TPCN nhập khẩu chiếm 65% sản phẩm lưu hành nhưng ba năm sau tỷ lệ này đảo ngược hoàn toàn: 65% TPCN sản xuất trong nước!

Nở rộ do lợi nhuận cao


Vì sao TPCN nở rộ? Trước tiên là lợi nhuận. Dược sĩ Nguyễn Văn Vĩnh, Trưởng phòng Quản lý dược sở Y tế TPHCM cho biết: “So với một dây chuyền sản xuất thuốc, đầu tư một dây chuyền sản xuất TPCN thấp hơn nhiều lần, tiêu chuẩn sản xuất không nghiêm ngặt mà lợi nhuận lại cao”. Chẳng những thế, vì đăng ký là TPCN, nên các sản phẩm này chỉ cần nộp hồ sơ xin cấp phép ở cục An toàn vệ sinh thực phẩm (bộ Y tế) với những tiêu chuẩn cấp phép đơn giản và dễ dàng, tự chịu trách nhiệm trước sản phẩm của mình là xong. Trong khi đó, nếu đăng ký là thuốc, cơ sở sản xuất phải có hồ sơ đăng ký và thời gian để có được số đăng ký khá lâu, thủ tục khá phức tạp. Vì những lý do này nên thời gian qua, ngay cả những công ty dược phẩm chính thống… cũng nhập khẩu hoặc sản xuất TPCN.

Phong trào “người người làm TPCN, nhà nhà làm TPCN” còn xuất phát từ nhu cầu chăm sóc sức khoẻ của người dân ngày một nhiều, từ làm ốm, làm đẹp, chống lão hoá cho đến phòng ngừa hoặc điều trị các vấn đề sức khoẻ thời thượng như stress, ung thư, bệnh tim mạch, tiểu đường, gút, mãn dục nam. Có cầu ắt phải có cung.

Tuy nhiên, chẳng có gì đáng nói về TPCN nếu như thời gian qua không ít loại TPCN đã lợi dụng lòng tin người tiêu dùng bằng những quảng cáo phóng đại, không đúng sự thật, thậm chí có dấu hiệu lừa đảo khiến nhiều người lầm tưởng đó là thần dược hay sản phẩm trị bách bệnh, dẫn đến “tiền mất” mà “tật vẫn mang”. Sau năm tháng sử dụng một loại TPCN làm tăng sinh sụn khớp, giúp khớp mạnh như trai trẻ với chi phí gần 8 triệu đồng, vừa qua ông T.T.H. 73 tuổi, phải nhập viện chờ thay khớp vì bác sĩ cho biết khớp của ông đã hư hoàn toàn vì tuổi tác và không có một loại thuốc nào, chứ đừng nói TPCN, có thể phục hồi lại khớp. TS.BS Nguyễn Thành Như, chuyên gia nam khoa, cho biết ông đã gặp khá nhiều quý ông sử dụng một loại TPCN có tác dụng hỗ trợ điều trị vô sinh nam, rối loạn cương hay xuất tinh sớm. Tuy nhiên sau một thời gian dài sử dụng sản phẩm, cuối cùng họ cũng phải “cầu cứu” bác sĩ chuyên khoa.

Quảng cáo tuỳ tiện

Theo ông Huỳnh Lê Thái Hoà, chi cục Trưởng chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP.HCM, việc TPCN “làm mưa làm gió” có ba nguyên nhân: cơ quan chức năng cấp phép không đúng, cơ quan truyền thông không thẩm định chặt nội dung khi cho đăng quảng cáo và người tiêu dùng thiếu kiến thức. Điều này có lẽ đúng, nhưng nếu cân phân tất cả thì cơ quan quản lý TPCN - thực hiện vai trò “gác cổng” - phải chịu trách nhiệm lớn nhất khi để lọt những sản phẩm kém chất lượng và thiếu chặt chẽ trong việc hậu kiểm những sản phẩm đã được cấp phép.

Sau khi cục An toàn vệ sinh thực phẩm “cấp nhầm” giấy chứng nhận TPCN cho Khang Mỹ Đơn, một sản phẩm đặt âm đạo, tháng 10/2007 bộ Y tế đã cho thanh tra cơ quan này nhằm chấn chỉnh công tác quản lý TPCN. Thời điểm đó, mỗi tuần chỉ có khoảng 20 hồ sơ đề nghị công bố tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm chứ không nhiều như hiện nay. Sau sự việc trên, liệu đến nay công tác quản lý đã đi vào nề nếp? Thật khó nói.

Mới đây một dược sĩ cung cấp cho người viết mẩu quảng cáo về một loại dung dịch lăn trên da có thành phần thảo dược là các kháng sinh, kháng viêm từ thực vật có tác dụng chống sưng ngứa và làm xẹp các vết muỗi đốt. Anh hỏi tôi quảng cáo có gì lạ? Tôi thực tình không biết. Anh chỉ xuống dòng tiếp nhận hồ sơ đăng ký quảng cáo với số cấp của an toàn thực phẩm, nghĩa là do cục An toàn vệ sinh thực phẩm cấp. Theo dược sĩ này, thật lạ khi một sản phẩm bôi ngoài da (chứ không phải để uống), với thành phần kháng sinh, kháng viêm gây ngộ nhận là thuốc lại được cấp số quảng cáo như một loại TPCN! Khi được hỏi ý kiến về mẩu quảng cáo, ông Huỳnh Lê Thái Hoà khá dè dặt: “Tôi không muốn nói cụ thể về trường hợp này vì tuỳ nhận xét của từng người, nhưng theo tôi khái niệm về thuốc và TPCN ở nước ta đang lộn tùng phèo. Cùng một công thức, nhưng chỉ cần điều chỉnh vài ba từ là có thể “chuyển” một sản phẩm từ thuốc thành TPCN. Cơ quan duyệt quảng cáo cần phải chắc tay để không gây ngộ nhận cho người tiêu dùng”.

Tuần qua, trả lời báo chí về “nghi án” một sản phẩm TPCN có chứa chất cấm (tân dược), ông Nguyễn Công Khẩn, cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm, cho biết cục cũng đã phát hiện nhiều TPCN không đủ tiêu chuẩn chất lượng như đã đăng ký và sắp tới cục sẽ công bố kết quả kiểm tra một số loại TPCN có dược chất, không bảo đảm chất lượng cho người tiêu dùng biết. Tại sao sau sự kiện này cục mới nghĩ đến chuyện công bố mà không phải là trước đó? Phải chăng bấy lâu nay cơ quan chức năng chưa đặt quyền lợi của người tiêu dùng lên cao nhất?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm chức năng càng “phát”, càng loạn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.