(HNM) - Đối mặt nỗi lo thực phẩm “bẩn” bủa vây, người tiêu dùng đã tìm đến rau xanh, củ, quả tươi sạch như cách phòng tránh một số bệnh nguy hiểm.
Đủ loại thực phẩm chay
Tại các khu chợ, cửa hàng, siêu thị, các bà nội trợ dễ dàng mua được các món ăn chay như: Mề chay, nem chay, ruốc chay, mực chay, tôm chay, lợn sữa quay, chả lụa, chả quế, chả cá… với giá bán khá bình dân, thậm chí rẻ hơn nhiều so với các sản phẩm mặn cùng loại. Chẳng hạn, ruốc chay khoảng 150-170 nghìn đồng/kg; giò chay 60-80 nghìn đồng/kg; một số thực phẩm chay đóng hộp như thịt hầm, bò hầm, nấm, patê… giá chỉ từ 15 đến 35 nghìn đồng/hộp.
Thực phẩm chay được bày bán nhiều tại các siêu thị. Ảnh: Quang Định |
Trong vai một chủ nhà hàng ăn chay, phóng viên đã tìm đến chợ đầu mối Đồng Xuân. Tại đây, đồ ăn chay đóng gói sẵn vô cùng phong phú. Dù giới thiệu với chúng tôi nhiều gói thực phẩm chay toàn chữ Trung Quốc, tiếng Anh, không có tem nhãn phụ tiếng Việt nhưng một chủ hàng vẫn khẳng định chắc nịch, tất cả các thực phẩm chay đóng gói bày bán đều có chứng nhận tiêu chuẩn chất lượng và đã được kiểm nghiệm về an toàn thực phẩm. Tất cả đều được làm từ những loại nguyên liệu có nguồn gốc thực vật như đỗ xanh, đậu, bột mì, khoai..., nhất là không sử dụng phẩm màu, phụ gia, hương liệu hay chất bảo quản độc hại.
Đa phần mọi người nghĩ rằng, thực phẩm chay là an toàn nhưng trên thực tế, nhiều vụ thực phẩm chay “có vấn đề” về an toàn vệ sinh thực phẩm đã được các cơ quan chức năng "vạch mặt, chỉ tên". Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh Quảng Ngãi đã từng tiến hành kiểm tra 23 mẫu thực phẩm chay, có 3 mẫu dương tính với hàn the (đặc biệt loại đồ ăn phù trúc), 4 mẫu nhiễm vi sinh (trong đó có 2 mẫu nhiễm tụ cầu vàng - loại độc tố có nguy cơ dẫn đến tử vong). Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm TP Hồ Chí Minh cũng đã công bố một kết quả khiến những người ăn chay trường phải giật mình, đó là hàm lượng acid oxalic, chất gây sỏi thận có trong thực phẩm chay khá cao. Kết quả được đưa ra sau khi kiểm tra 4 mẫu mì thường được dùng trong các mẫu đồ ăn chay là hủ tiếu khô, mì sợi khô...
Dùng thực phẩm chay có nguồn gốc tự nhiên
Hiện Việt Nam cũng như một số nước Châu Á đang có trào lưu ăn chay vì mục đích tín ngưỡng, tôn giáo; ăn chay để thanh lọc cơ thể, phòng tránh bệnh tật; ăn chay để giảm cân. Song có một điều chắc chắn rằng, các món chay giả mặn chủ yếu phải sử dụng đến các chất phụ gia, phẩm màu và chất bảo quản độc hại.
Chị Bùi Mai, chủ nhà hàng đồ ăn chay tại Hà Nội cho biết, đồ ăn chay ngon phải bảo đảm sạch, đủ chất dinh dưỡng. Điều dễ nhận thấy, các món chay sử dụng rau củ, khoai, đậu đỗ… để chế biến thì không thể nào có độ giòn dai. Tuy nhiên, khi ăn những thực phẩm chay đóng gói sẵn, thực khách dễ dàng thấy độ giòn, dai trong mỗi món chay. Một số món chay giả mặn như xúc xích, thịt gà, ốc… nhìn bằng mắt thường cũng thấy nhà sản xuất phải sử dụng phẩm màu, phụ gia để những sản phẩm này trông bắt mắt, có hình dáng giống thực phẩm mặn. Ở nhà hàng chay, các đầu bếp không sử dụng thực phẩm chay đóng gói sẵn, mà thường mua thực phẩm có nguồn gốc tự nhiên ở chợ, rồi tự chế biến các món.
Ông Nguyễn Trọng An, chuyên gia dinh dưỡng bà mẹ - trẻ em, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng (RTCCD) cho rằng, thực phẩm chay chủ yếu làm từ đậu nành, rau, củ, quả. Để bảo đảm độ dai, bảo quản được lâu và có mùi cũng như hình thù giống với các loại thực phẩm mặn, các nhà sản xuất, chế biến phải cho thêm hóa chất tạo mùi, màu, chất định hình, phụ gia và chất chống ẩm mốc vào các thành phẩm. Những cơ sở sản xuất vì chạy theo lợi nhuận, họ sử dụng các loại phụ gia không được phép dùng trong thực phẩm, có giá thành thấp để chế biến đồ ăn chay, hoặc nhập khẩu những sản phẩm chay không nhãn mác, không thời hạn sử dụng để bán… gây tác hại cho sức khỏe con người. Chính vì vậy, để bảo đảm an toàn cho sức khỏe, khi chọn thực phẩm chay khô hoặc đã chế biến sẵn ăn liền, người tiêu dùng nên tìm mua những thương hiệu có uy tín, lâu năm, đặc biệt là có giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Ngoài ra, người tiêu dùng cần chú ý màu sắc của sản phẩm, tránh mua thực phẩm đã bị mốc, bị biến đổi màu, hình dáng...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.