Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng

Anh Thư - Quốc Bảo| 19/12/2015 07:53

(HNM) - Hàng chục mẫu rau có chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt mức cho phép; hàng trăm mẫu thịt lợn, thịt gà chứa chất gây ung thư hoặc gây ngộ độc thực phẩm; hàng tấn thịt thối bị bắt giữ… liên tục được báo chí đăng tải những ngày gần đây.

Người dân rất khó biết thịt nào nhiễm khuẩn hoặc có chất tạo nạc.


Năm nào cũng vậy, cứ cận tết Nguyên đán, số vụ kinh doanh, buôn bán thực phẩm bẩn bị phát hiện lại gia tăng khiến người tiêu dùng hoang mang.

Nhan nhản "thực phẩm bẩn"

Theo Bộ NN&PTNT, kết quả giám sát các mẫu thực phẩm từ tháng 8 đến tháng 11-2015 tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh cho thấy, có 37 mẫu rau bẩn (có hoạt chất cấm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt ngưỡng cho phép) trong tổng số 353 mẫu, chiếm hơn 10%. Trong tổng số 158 mẫu thịt lợn có 52 mẫu thịt bẩn (nhiễm chất cấm hoặc có dư lượng chất kháng sinh vượt mức cho phép), chiếm 33%.

Qua kiểm tra 153 mẫu thịt gà có tới 26 mẫu nhiễm khuẩn Salmonella (gây ngộ độc thực phẩm). Trong khi đó, tính riêng trong tháng 10 và tháng 11-2015, Cục Thú y cũng đã lấy 134 mẫu giám sát và phát hiện 5 mẫu nước tiểu ở các cơ sở chăn nuôi dương tính với chất cấm (tỷ lệ 3,73%). Tuy nhiên, tỷ lệ nước tiểu có chất cấm ở các khu vực giết mổ cao hơn nhiều (chiếm 9,72%). Còn kết quả giám sát an toàn thực phẩm nông, thủy sản 9 tháng năm 2015 cho thấy, 6% mẫu thịt phát hiện có vi khuẩn Salmonella; 7,6% mẫu thịt có dư lượng hóa chất, kháng sinh vượt ngưỡng; 10,3% mẫu rau có dư lượng hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật vượt mức; 1,01% mẫu thủy sản nhiễm dư lượng hóa chất, kháng sinh cấm sử dụng, vượt ngưỡng cho phép.

Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, Viện Công nghệ sinh học - Công nghệ thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội), chất Sabutamol mà nhiều người cho vào thức ăn nhằm tăng độ nạc cho thịt lợn sẽ gây hại trực tiếp đến sức khỏe con người. Nếu ăn nhiều thịt có dư lượng Sabutamol thì người dùng có thể bị nhiễm độc, nhịp tim nhanh, rối loạn tiêu hóa, suy giảm hệ miễn dịch. Trường hợp ngộ độc nặng có thể nguy hiểm đến tính mạng. Chính vì thế nhóm chất độc hại này đã bị cấm sử dụng nhiều năm nay. TS Trần Đáng - nguyên Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, nếu ăn phải rau củ, hải sản có chứa kim loại nặng như chì, thủy ngân, asen đều gây hiệu quả nghiêm trọng đối với sức khỏe con người.

Hoang mang bởi "ăn gì cũng chết"!


Hiện nay, vấn đề an toàn thực phẩm được cả 3 bộ quản lý (Bộ Y tế, Bộ NN&PTNT, Bộ Công thương). Rất nhiều vụ việc thực phẩm bẩn đã được phát hiện và xử phạt. Theo kết quả giám sát của các cơ quan chức năng, trên thị trường vẫn còn khoảng 90% thực phẩm sạch. Tuy nhiên, thực phẩm bẩn - sạch vẫn lẫn lộn, người dân không biết làm cách nào để phân biệt.

Mỗi ngày thức dậy với thông tin vi phạm an toàn thực phẩm, gia đình chị Nguyễn Thị Lịch (Cầu Giấy, Hà Nội) vô cùng hoang mang: "Đại gia đình tôi đông người, có đến 4 đứa trẻ đều đang tuổi ăn, tuổi lớn. Hằng ngày chúng tôi thường đi chợ dân sinh, cũng có lúc vào siêu thị. Tuy nhiên, bằng mắt thường không thể phân biệt được đâu là thịt có chất tạo nạc, rau có nhiễm kim loại nặng hay hải sản ướp phân đạm...

Ngay cả trong siêu thị, người tiêu dùng cũng chỉ biết đặt niềm tin vào nơi cung cấp, vào các chỉ số do nơi bán hàng tự công bố, không có gì bảo đảm thực phẩm đó có thực sự sạch hay không?". Chị Lịch cho biết thêm, nhà có bố chồng bị ung thư đại tràng, tuy đã điều trị ổn định nhưng vẫn chưa biết bệnh sẽ tái phát lúc nào. Còn bản thân chị tháng trước phát hiện bị ung thư tuyến giáp. "Gia đình tôi không ai hút thuốc, tiền sử gia đình cũng không ai bị ung thư. Chỉ còn có một nguyên nhân là do ăn phải thực phẩm bẩn" - chị Lịch buồn rầu.

Để đối phó với tình hình thực phẩm bẩn, bà Trần Thu Lan (Đống Đa) mua hẳn một trang trại, thuê người trồng rau, nuôi gà để phục vụ nhu cầu của gia đình. Còn anh Đinh Văn Định (Ba Đình) nhờ người dưới quê gửi thực phẩm sạch để dùng. "Cũng chỉ lo được một phần thôi, còn bình thường cũng vẫn ăn thực phẩm mua ở chợ. Đành đánh cược sức khỏe, tính mạng với trời chứ nếu kiêng ăn thì lại chết đói" - anh Định cho biết.

Theo PGS.TS Trần Văn Thuấn - Viện trưởng Viện Nghiên cứu ung thư Việt Nam, số ca ung thư sẽ tăng mạnh trong thời gian tới. Cách đây 5 năm, số ca ung thư mới khoảng 75.000 - 100.000 ca/năm thì hiện nay đã lên tới 130.000 - 160.000 ca/năm, trong đó khoảng 85.000 - 115.000 ca tử vong. Ước tính đến năm 2020, Việt Nam sẽ có khoảng 200.000 ca ung thư/năm. "Nguyên nhân khiến số người bị ung thư được phát hiện gia tăng là do việc tầm soát ung thư tốt hơn. Tuy nhiên, có rất nhiều nguyên nhân khiến ung thư tăng do lối sống và ăn uống" - PGS.TS Thuấn cho biết. Các nghiên cứu cho thấy 30% các ca ung thư liên quan đến hút thuốc lá; 30% do thực phẩm ô nhiễm các chất bảo quản, hóa chất cấm, chỉ 5-10% là do yếu tố di truyền…

"Mê cung" thực phẩm bẩn khiến người dân không thể phân biệt bẩn - sạch. Dường như càng thực phẩm bắt mắt, ngon miệng lại càng độc hại, trong khi hệ thống kiểm nghiệm thực phẩm mới chỉ phát hiện được khoảng 30% các hóa chất nguy hại có trong thực phẩm, trong tổng số hơn 2.000 hóa chất bảo vệ thực vật các loại. Do đó, để bảo vệ chính mình, người dân không có cách nào khác là trang bị các kiến thức về thực phẩm an toàn, mua thực phẩm có nhãn mác, có nguồn gốc rõ ràng, hoặc chí ít cũng nên mua thực phẩm ở hàng quen. Phân biệt thực phẩm có màu sắc, mùi bất thường, không mua thực phẩm quá rẻ...

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực phẩm bẩn “bủa vây” người tiêu dùng

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.