Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện việc cưới văn minh: Kinh nghiệm từ quận Hà Đông

Lê Hoàn| 06/10/2012 06:30

(HNM) - Lấy "xây" để "chống", vận động, thuyết phục, nêu gương cán bộ, đảng viên gắn với xử lý vi phạm, việc cưới ở Hà Đông đã xóa bỏ được những hủ tục, tổ chức trang trọng, tiết kiệm và lành mạnh.

Một việc dù khó, nhưng có quyết tâm và biện pháp thực hiện hợp lý sẽ thành công. Cách làm của Hà Đông gợi mở và tăng thêm quyết tâm cho các đảng bộ trong thực hiện Chỉ thị số 11-CT/TU ngày 3-10-2012 của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn TP Hà Nội.

Một đám cưới được tổ chức đơn giản nhưng trang trọng, tiết kiệm. Ảnh: Huyền Linh

"Xây" để "chống"

Xóa bỏ những hủ tục, hiện tượng tiêu cực để xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang là mục tiêu của Quận ủy Hà Đông đặt ra trong Chương trình 06-CTr/QU về tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa mới. Căn cứ theo chỉ đạo của Quận ủy, Chi bộ tổ dân phố 9, phường Phú Lương đã ban hành nghị quyết chuyên đề, yêu cầu đảng viên cam kết thực hiện việc cưới, việc tang, mừng thọ theo quy định, thống nhất khi gia đình đảng viên có việc cưới phải tổ chức tiết kiệm, phù hợp với hoàn cảnh gia đình, không thách cưới bằng tiền mặt, lễ vật không cầu kỳ. Đám cưới chỉ diễn ra trong một ngày, không mời tràn lan, làm không quá 40 mâm cỗ, không hút thuốc lá, không chơi cờ bạc, không mở loa đài công suất lớn trước 5h sáng và sau 22h… Tiếp đó, Chi bộ tổ dân phố 9 giao nhiệm vụ cho chính những đảng viên đã chấp hành tốt việc tổ chức đám cưới theo nếp sống mới phối hợp với trưởng ban công tác mặt trận, tổ trưởng dân phố, chi hội trưởng hội phụ nữ xuống từng hộ dân vận động, yêu cầu cam kết thực hiện.

Ông Đỗ Đức Phương, Bí thư Đảng ủy phường Phú Lãm cho biết, ngoài việc triển khai các văn bản xuống từng hộ, Đảng ủy rất coi trọng công tác kiểm tra. Khi nắm bắt thông tin có một cán bộ phường cưới con chuẩn bị số mâm cỗ trên 40 mâm, Đảng ủy liền triệu tập đến quán triệt tinh thần chỉ đạo của Quận ủy và cử một đoàn cán bộ đến vận động gia đình, kết quả đám cưới chưa đến 40 mâm cỗ.

Tại phường Nguyễn Trãi, cán bộ Mặt trận cùng đảng viên đến gia đình trước 5-7 ngày diễn ra đám cưới vận động tổ chức tại hội trường của tổ dân phố, mời anh em họ hàng, bà con khối phố đến chia vui. Do vậy, các đám cưới trên địa bàn phường cơ bản đều tổ chức trang trọng, lành mạnh, tiết kiệm.

Chín tháng năm 2012, gần 85% số đám cưới trên địa bàn quận Hà Đông được tổ chức tuân thủ theo Chương trình 06. Đáng nói, Hà Đông cơ bản ngăn chặn được tệ nạn chơi cờ bạc tại đám cưới. Ở 7 xã mới chuyển lên phường đã chấm dứt tục lệ mời cả làng, cả thôn đến ăn cỗ đám cưới để "trả nợ miệng". 100% cán bộ, công chức, viên chức của quận không đi ăn cưới trong giờ hành chính, không sử dụng xe công vào việc hiếu, hỷ. Ngày càng có nhiều đám cưới dùng thiếp báo hỷ, tổ chức liên hoan bánh kẹo, tiệc trà.

Kiên quyết xử lý trường hợp vi phạm

Trưởng ban Dân vận Quận ủy Hà Đông Phạm Phú Lịch cho biết, để có được kết quả trên, cấp ủy các cấp đã dành tâm huyết và sự quyết tâm rất cao. Từ việc xây dựng nghị quyết, văn bản chỉ đạo cụ thể, sát với tình hình địa phương, đến việc triển khai tuyên truyền tới từng hộ dân... cấp ủy, ngành đoàn thể đều xắn tay vào cuộc. Ông Phạm Phú Lịch chia sẻ, lấy "xây" để "chống" trở thành phương châm hành động của toàn quận. Gia đình nào chấp hành tốt được tổ dân phố, phường trực tiếp biểu dương, khen thưởng, nhân rộng. Ngược lại, gia đình nào, đặc biệt là cán bộ, đảng viên không chấp hành đều bị xử lý. Quận ủy, các đảng ủy đã xử lý 20 cán bộ, đảng viên vi phạm, hình thức cao nhất là cách chức, miễn nhiệm, chuyển công tác (đối với 4 đảng viên) nhẹ là khiển trách, cảnh cáo, nhắc nhở, gửi thông báo đến cơ quan quản lý... Đáng chú ý là đã có sự phối hợp chặt chẽ giữa chi bộ nơi cư trú với tổ chức Đảng cơ quan đơn vị đang làm việc. Còn đối với một số cán bộ, đảng viên thuộc các cơ quan TƯ, TP đang sinh sống tại địa bàn nhưng không chấp hành quy định, các phường đã gửi văn bản thông báo tới cơ quan, đơn vị của cán bộ yêu cầu xử lý sau đó thông báo kết quả cho địa phương.

Còn nhớ, khi Quận ủy ban hành Chương trình 06, nhiều lãnh đạo và nhân dân nghi ngờ về tính khả thi của nó, khó chiến thắng được những quan niệm, hủ tục lạc hậu ăn sâu, bám rễ trong đời sống từ bao đời nay. Nhưng chính sự đồng lòng, quyết tâm của cấp ủy các cấp, cả hệ thống chính trị và sự ủng hộ của người dân đã mang lại kết quả như mong đợi. Năm thứ nhất (2009) thực hiện Chương trình 06 đã có 60,8% đám cưới chấp hành tốt quy định, đến năm 2010 tỷ lệ này tăng lên 74,3% và 9 tháng đầu năm 2012 là gần 85%. Rõ ràng, ý thức của người dân đã được nâng lên - đồng nghĩa chương trình có tính khả thi cao. Từ kinh nghiệm và những thành công trong triển khai Chương trình 06 của Quận ủy Hà Đông, ông Phạm Phú Lịch tin tưởng, Chỉ thị số 11-CT/TU của Thành ủy về việc tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới sẽ được triển khai nghiêm túc, thành công. Bởi hơn hết, xuất phát từ chính mục đích xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, hiện tượng lãng phí, lợi dụng việc cưới để trục lợi, "thương mại hóa", Chỉ thị của Thành ủy đã nhận được sự đồng tình, hoan nghênh của cán bộ, đảng viên và nhân dân Thủ đô.

Ông Trần Lộc (phường Kim Mã, quận Ba Đình):
Mong muốn Chỉ thị đi vào cuộc sống

Cách đây hơn 10 năm, Bộ Chính trị đã có Chỉ thị về "Thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội", "Toàn dân xây dựng đời sống văn hóa"… Tuy nhiên, sau một thời gian thực hiện nghiêm túc, lại đã có không ít đám cưới tổ chức một cách xa hoa, thậm chí có những thiệp cưới còn ghi cả chức danh hiện đang công tác của phụ huynh cô dâu, chú rể. Những đám cưới kiểu như vậy nhằm mục đích vụ lợi, cần lên án. Tôi rất ủng hộ việc Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11-CT/TU, ủng hộ chủ trương tổ chức cưới vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm, dù chắc chắn sẽ cần nhiều nỗ lực trong việc vận động, tuyên truyền để đạt hiệu quả như mong muốn.

Ông Vũ Đắc (xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh):
Liệu "phép vua" có thua "lệ làng"?

Phong tục, tập quán của ông cha ta về cưới hỏi từ xưa đến nay đã trở thành gốc rễ, khó lòng có thể thay đổi. Hơn nữa, quy định về việc tổ chức cưới hỏi mỗi địa phương có một phong tục riêng. Cách đây hơn 30 năm, việc quy định cưới hỏi chỉ tổ chức hạn hẹp vài mâm cơm hoặc chỉ tổ chức ở hội trường chung. Sau đó quy định này đã không được người dân thực hiện và ngày càng bị biến tướng. Tại nhiều vùng quê, lớp thanh niên trẻ luôn có ý nghĩ, một đám cưới sẽ tẻ nhạt như thế nào nếu không có tiệc tùng, cỗ bàn. Nếu quy định này được áp dụng sẽ được nhiều người dân đồng tình ủng hộ. Quy định là vậy, liệu các vùng quê có thực hiện triệt để được hay không hay vẫn "phép vua thua lệ làng"? Chỉ cần một gia đình không thực hiện nghiêm sẽ kéo theo nhiều người khác không tuân thủ quy định.

Ông Nguyễn Công Đáng (phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông):
Tạo lập một nếp cưới lành mạnh, văn minh

Cuối năm 2009, Quận ủy Hà Đông đã đề ra Chương trình 06 về "Tiếp tục thực hiện việc cưới, việc tang theo nếp sống văn hóa" và Chương trình này đã được nhiều người hưởng ứng. Các đoàn thể, tổ chức của địa phương đều vào cuộc, khi có gia đình chuẩn bị tổ chức đám cưới, các thành viên đến tận gia đình vận động, tuyên truyền. Bên cạnh đó, thành viên các đoàn thể và người dân chính là những người giám sát, những người vi phạm tùy theo mức độ mà bị nhắc nhở hay xử lý kỷ luật. Thực tế này đã giúp không chỉ cán bộ, đảng viên có ý thức thực hành tiết kiệm, mà người dân cũng đồng tình hưởng ứng. Lấy thực tế ở địa phương của chúng tôi để muốn nói rằng, Chỉ thị của Thành ủy Hà Nội là rất đúng đắn, cần thiết và nếu tất cả cán bộ, đảng viên gương mẫu thực hiện, chắc chắn chúng ta sẽ tạo được một nếp cưới lành mạnh, văn minh.

Nhóm PV Bạn đọc
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện việc cưới văn minh: Kinh nghiệm từ quận Hà Đông

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.