Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 423/QĐ-TTg (ngày 20-4-2023) phê duyệt đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030.
Đây là cơ sở quan trọng để sớm triển khai đồng bộ việc di dời trụ sở bộ, ngành ra khỏi khu vực nội đô lịch sử theo Quyết định số 130/QĐ-TTg ngày 23-1-2015 của Thủ tướng Chính phủ - nhiệm vụ nhiều năm qua chưa thực hiện được.
Điểm nhấn về hệ thống cảnh quan
Theo đồ án, hệ thống trụ sở mới sẽ là nơi làm việc của 18 bộ, 4 cơ quan ngang bộ, 8 cơ quan trực thuộc Chính phủ và 6 cơ quan trung ương của các đoàn thể. Đồ án quy hoạch này gồm hai bản quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tập trung tại khu vực Tây Hồ Tây, với diện tích khoảng 35ha (trong đó tại phường Xuân La, quận Tây Hồ gần 21ha và phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm hơn 14ha) và ở Mễ Trì (quận Nam Từ Liêm) với diện tích khoảng 55ha.
Tổ hợp cụm các trụ sở ở khu vực Tây Hồ Tây tạo nên trục công trình kết nối với Hồ Tây và tổ hợp không gian điểm nhấn, ấn tượng cho không gian đô thị. Các công trình trụ sở được xây dựng thống nhất chiều cao 12-25 tầng. Các khối công cộng phụ trợ, dịch vụ thương mại cao 6-24 tầng. Chỉ giới xây dựng lùi so với mặt đường chính 20m. Kiến trúc công trình hiện đại, ứng dụng khoa học công nghệ, giải pháp xanh tạo hiệu quả môi trường và bảo đảm bền vững trong tương lai.
Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trụ sở bộ, ngành trung ương tại khu Mễ Trì thuộc địa giới hành chính phường Mễ Trì và phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm. Tại đây dự kiến sẽ là trụ sở làm việc của 23 cơ quan. Không gian tổng thể của khu quy hoạch là các cụm công trình kiến trúc có chiều cao tương đối thống nhất, 17-25 tầng, bố trí bao quanh chu vi khu đất. Trung tâm của khu quy hoạch là công viên hồ cảnh quan gắn với các công trình công cộng, trung tâm hội nghị, tạo nên không gian mở. Mạng lưới cây xanh sân vườn được tăng cường gắn với hồ trung tâm…
Về lộ trình, từ năm 2023 đến 2025, các cơ quan sẽ chuẩn bị đầu tư xây dựng hạ tầng, trụ sở; từ năm 2026 đến 2030 sẽ xây dựng, hoàn thành trụ sở của một số cơ quan có nhu cầu cấp thiết di dời; từ năm 2031 đến 2035 xây dựng trụ sở của các bộ, ngành còn lại và công trình công cộng. Trước mắt, trong giai đoạn 2023-2025, trụ sở Bộ NN&PTNT sẽ được chuẩn bị đầu tư xây dựng. Giai đoạn sau sẽ xây dựng các trụ sở còn lại của hơn 20 bộ, ngành.
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Tường Văn cho biết, việc tổ chức lại hệ thống các cơ quan quản lý hành chính nhà nước, đồng hành với cải cách phương pháp làm việc, thủ tục hành chính là yêu cầu cấp thiết. Mặt khác, việc quy hoạch, xây dựng hệ thống trụ sở bộ, ngành góp phần sắp xếp lại đô thị và giảm tải cho khu vực nội thành Hà Nội...
Theo Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội Nguyễn Đức Hùng, việc di dời trụ sở các bộ, ngành và một số đơn vị khác ra khỏi nội đô sẽ tạo ra quỹ đất khoảng 176ha để xây dựng các công trình công cộng và không gian xanh, vốn đang rất thiếu ở Hà Nội.
Có mới mà không chịu… “nới” cũ
Các quyết định của Thủ tướng Chính phủ cũng nêu rõ, đối với cơ sở không có nhu cầu sử dụng làm cơ quan hành chính, việc chuyển đổi phải bảo đảm nguyên tắc đã được định hướng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội là ưu tiên tái cấu trúc đô thị, sử dụng cho mục đích công cộng, trường học, vườn hoa, bãi đỗ xe, hạn chế việc chất tải thêm vào hạ tầng tại khu vực. Việc định giá, đấu giá cơ sở nhà đất hiện có sau khi di dời phải được thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, trong nhiều năm qua, một số bộ, ngành đã không thực hiện nghiêm các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Các đơn vị này đã xây trụ sở mới theo quy hoạch nhưng không bàn giao trụ sở cũ cho thành phố Hà Nội. Đây là những nút thắt cần tháo gỡ để việc thực hiện Quyết định số 423/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ đạt được kết quả tốt nhất.
Bộ Tài nguyên và Môi trường đã xây dựng trụ sở mới tại Khu đô thị mới Cầu Giấy, với diện tích 1,38ha (gấp gần 4 lần so với trụ sở cũ ở số 83 đường Nguyễn Chí Thanh, quận Đống Đa). Thế nhưng, bộ này vẫn giữ trụ sở cũ với lý do bộ được giao quản lý thêm 3 lĩnh vực, công năng trụ sở mới không đáp ứng. Bộ Khoa học và Công nghệ có trụ sở mới tại địa chỉ số 113 đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy) là một tòa nhà cao 13 tầng, được xây dựng trên khu đất có diện tích 1,8ha (gấp 4 lần trụ sở cũ tại số 39 phố Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm). Tuy nhiên, bộ này lý giải do nhân sự phát triển thêm nên trụ sở mới chưa đáp ứng được nhu cầu làm việc.
Trụ sở làm việc mới của Thanh tra Chính phủ tại Khu đô thị mới Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy) đưa vào sử dụng tháng 12-2010. Tuy nhiên, trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ tại địa chỉ số 220 phố Đội Cấn (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) có diện tích khoảng 7.016m2 được duyệt xây dựng tổ hợp công trình hỗn hợp, trong đó có cao ốc 17 tầng. Đến nay đã gần 13 năm, trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ vẫn bỏ hoang.
Chủ tịch UBND phường Liễu Giai Nguyễn Hữu Chung cho biết, số lượng học sinh tiểu học, trung học cơ sở mỗi năm trên địa bàn phường đều tăng nhưng phường hiện chưa có trường tiểu học, trung học cơ sở. Trước thực trạng này, UBND phường Liễu Giai đề nghị lãnh đạo thành phố Hà Nội và các bộ, ngành có thẩm quyền xem xét, ưu tiên dành một phần diện tích hoặc sàn xây dựng của các dự án tại khu đất là trụ sở cũ của Thanh tra Chính phủ ở địa chỉ số 220 phố Đội Cấn; hoặc một phần đất trụ sở cũ của Tòa án nhân dân Tối cao ở số 262 phố Đội Cấn để bố trí làm trường học các cấp phục vụ cho dân cư tại dự án và khu vực phường Liễu Giai.
Cần chế tài xử lý mạnh mẽ
Tình trạng các bộ, ngành có trụ sở làm việc mới nhưng vẫn không chịu bàn giao trụ sở cũ cho Nhà nước, địa phương quản lý được Quốc hội, đại biểu Quốc hội nêu ra trong nhiều năm qua nhưng chưa có dấu hiệu chuyển biến. Thực trạng nêu trên cho thấy, rất cần thiết phải đẩy mạnh hoạt động giám sát, phản biện của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, bởi lẽ, đất đai là tài sản đặc biệt và có ý nghĩa rất lớn trong phát triển kinh tế, xã hội. Đây cũng là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao và nghiêm trọng nhất.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Reenco Sông Hồng Nguyễn Thế Điệp cho rằng, Hà Nội đã làm tốt việc bố trí đất để phục vụ cho việc di dời trụ sở của các bộ, ngành. Song mỗi bộ, ngành đều có đặc quyền rất lớn, Hà Nội không thể tự giải quyết vì sẽ dẫn đến nguy cơ xung đột. Do đó cần có sự quyết liệt từ Chính phủ và phải có chế tài đủ mạnh.
Hiện nay, Bộ Xây dựng đã bàn giao đồ án Quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan trung ương của các đoàn thể tại Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 cho UBND thành phố Hà Nội. Đây có thể coi là dấu mốc để Hà Nội triển khai trên thực tế.
Chỉ thị số 23-CT/TƯ ngày 25-5-2023 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình mới cũng nhấn mạnh đến việc cần thực hiện nghiêm lộ trình di dời trụ sở cơ quan hành chính nhà nước, học viện, trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, bệnh viện lớn, khu sản xuất công nghiệp... ra ngoài khu vực trung tâm thành phố. Trong bối cảnh hiện nay, sự chỉ đạo của Ban Bí thư có ý nghĩa vô cùng quan trọng, quyết định đến tiến độ cũng như sự thành công của lộ trình di dời trụ sở các bộ, ngành. Từ chỉ thị này, tin tưởng việc triển khai thực hiện đồ án quy hoạch xây dựng hệ thống trụ sở làm việc của các bộ, ngành sẽ được thực hiện đúng kế hoạch và đạt kết quả tốt nhất.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.