(HNM) - Sau 4 năm ban hành nghị quyết chuyên đề về xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp (DN) ngoài khu vực nhà nước, TP Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng, đặc biệt là thành lập mới hàng trăm tổ chức Đảng, tổ chức đoàn thể, kết nạp hàng nghìn đảng viên, đoàn viên, hội viên mới.
Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn. |
Sự lựa chọn của tinh thần trách nhiệm
- Hà Nội là một trong số không nhiều địa phương quan tâm công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước một cách bài bản và hiệu quả. Nhiều ý kiến nhận định Nghị quyết 09-NQ/TU là sự sáng tạo, đổi mới của Hà Nội. Xin đồng chí cho biết suy nghĩ của mình?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Ngay từ những năm đầu của công cuộc đổi mới đất nước, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị đã nhận thấy sự cần thiết và vai trò, vị trí của công tác xây dựng Đảng, đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân. Tháng 11-1996, Bộ Chính trị (khóa VIII) đã ban hành Chỉ thị số 07-CT/TƯ về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài”. Tiếp đó, tháng 7-2010, Ban Bí thư (khóa X) đã ban hành Kết luận số 80-KL/TƯ về “Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị 07-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa VIII) trong tình hình mới”. Thực hiện các chỉ thị, kết luận của Trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành nhiều văn bản và triển khai thực hiện, nhưng kết quả còn khiêm tốn. Tính đến năm 2011, trên địa bàn thành phố mới có 751 tổ chức Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Phần lớn là các tổ chức Đảng trong các DN nhà nước được cổ phần hóa.
Trong bối cảnh như vậy, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đã ban hành Nghị quyết 09-NQ/TU ngày 27-2-2012 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội về “Tăng cường công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các doanh nghiệp ngoài khu vực nhà nước trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn từ nay đến năm 2020”. Đây là một trong hai nghị quyết chuyên đề trong cả khóa XV của Đảng bộ thành phố, đã nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện các chỉ thị, kết luận của Trung ương; đem lại hiệu quả rõ nét trong lĩnh vực xây dựng Đảng. Có thể nói Nghị quyết 09 vừa có sự sáng tạo, đổi mới vừa thể hiện tinh thần trách nhiệm với mong muốn làm tốt hơn một công việc khó khăn, phức tạp của Ban Thường vụ Thành ủy.
- Nghị quyết 09 được ban hành cũng rất đúng và trúng nữa phải không thưa đồng chí?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Nghị quyết 09 ra đời trong bối cảnh kinh tế khó khăn đã kịp thời góp phần thực hiện chủ trương của Đảng, Nhà nước về đẩy mạnh hỗ trợ DN vượt khó để phát triển. Nghị quyết 09 ra đời còn giúp các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp nâng cao nhận thức về vai trò, vị trí của DN khu vực ngoài nhà nước trong nền kinh tế; thôi thúc các cấp ủy, chính quyền nâng cao trách nhiệm, hành động cụ thể nhằm hỗ trợ DN tháo gỡ khó khăn, phát triển. Đồng thời, đội ngũ DN Hà Nội ngày càng hiểu rõ hơn đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; thấy rõ vị trí, vai trò và lợi ích thiết thực của tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân đối với sự ổn định, phát triển bền vững của DN, từ đó ủng hộ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể.
Cách làm bài bản, đồng bộ
- Sự ra đời của Nghị quyết 09 đã làm thay đổi phương thức thực hiện công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Xin đồng chí cho biết thêm về điều này?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Ban Thường vụ Thành ủy xác định rõ mục đích ban hành Nghị quyết 09 là giúp cho DN hoạt động ngày càng ổn định, phát triển thuận lợi và ngày càng lớn mạnh. Vì vậy, các cấp ủy, chính quyền, đoàn thể thành phố thông qua việc thực hiện Nghị quyết 09 đã triển khai, thực hiện nhiều việc làm có ý nghĩa thiết thực, đem lại lợi ích cụ thể cho DN. Một mặt, Thành ủy Hà Nội, Ban chỉ đạo thành phố phối hợp với Ban Cán sự Đảng UBND thành phố chỉ đạo đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi cho các DN phát triển; tổ chức các buổi gặp mặt, tôn vinh, biểu dương, trao đổi với lãnh đạo, chủ DN để cùng tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đồng thời vận động thành lập tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN. Chính quyền các cấp, các sở, ban, ngành thành phố đã gắn việc chỉ đạo, thực hiện công tác quản lý nhà nước với việc tuyên truyền, vận động, thuyết phục chủ DN quan tâm, tạo điều kiện cho việc thành lập và hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể. Thành phố cũng có cơ chế khuyến khích DN ủng hộ việc thành lập và tạo điều kiện, hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN… Thành ủy, các ban đảng Thành ủy đã ban hành các văn bản cần thiết giúp cho việc thực hiện Nghị quyết 09 của các cấp ủy thuận lợi cũng như giúp cho các tổ chức Đảng, các đoàn thể hoạt động hiệu quả sau khi thành lập…
- Chủ trương đúng cùng quyết tâm chính trị cao và sự nỗ lực của các cấp ủy, chính quyền các cấp trong thực hiện đã đem lại hiệu quả của Nghị quyết 09. Đồng chí có thể cho biết kết quả cụ thể thực hiện Nghị quyết thời gian qua?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: 100% các quận, huyện, thị ủy và Đảng bộ trực thuộc Thành ủy đã thành lập Ban chỉ đạo cấp mình và tiến hành khảo sát trên 30.000 DN có vị trí, tính chất quan trọng, các DN hoạt động ổn định, đông công nhân; trong đó đã khảo sát sâu, toàn diện trên 5.000 DN; đẩy mạnh và đổi mới công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động, thuyết phục, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp ủy Đảng, đảng viên; giao nhiệm vụ, chỉ tiêu phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể, kết nạp đảng viên, đoàn viên, hội viên cho từng cấp ủy viên, từng phòng, ban, cơ quan, đơn vị, lấy kết quả đó làm một tiêu chí để đánh giá, xếp loại thi đua; ban hành các văn bản hướng dẫn thành lập tổ chức và kết nạp đảng viên; phân công cán bộ có năng lực tổng hợp, theo dõi và trực tiếp làm công tác xây dựng Đảng trong các DN. Liên đoàn Lao động TP Hà Nội đã thành lập Ban Chỉ đạo phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở trong các DN và chỉ đạo Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã thành lập Ban chỉ đạo cấp mình; phân bổ chỉ tiêu cả nhiệm kỳ và trong từng năm cho các Liên đoàn Lao động quận, huyện, thị xã, công đoàn ngành, công đoàn cơ sở. Thành đoàn Hà Nội, Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố đều có những kế hoạch, đề án cụ thể nhằm thực hiện Nghị quyết 09.
Với sự vào cuộc quyết liệt, bằng tinh thần trách nhiệm cao của cả hệ thống chính trị, trong gần 4 năm thực hiện Nghị quyết, Đảng bộ thành phố đã thành lập mới được 695 tổ chức Đảng; kết nạp 5.190 đảng viên mới trong các DN ngoài khu vực nhà nước. Thành lập trên 1.000 tổ chức công đoàn, hàng trăm tổ chức thanh niên, phụ nữ; kết nạp mới hàng vạn đoàn viên công đoàn, đoàn viên thanh niên, hội viên…
- Đồng chí đánh giá ra sao về chất lượng các tổ chức Đảng, các đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước mới được thành lập?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Mặc dù bối cảnh kinh tế rất khó khăn, DN giải thể, ngừng hoạt động nhiều, nhưng số lượng DN ngoài khu vực nhà nước của thành phố vẫn tăng nhanh. Đến nay, đã có trên 180.000 DN ngoài khu vực nhà nước hoạt động trên địa bàn. Trong kết quả đó có những tác động tích cực từ việc thực hiện Nghị quyết 09. Các tổ chức Đảng, đoàn thể trong các DN ngoài khu vực nhà nước đã tích cực tham gia vào việc xây dựng và thực hiện chiến lược, kế hoạch phát triển DN, tham gia với chủ DN linh hoạt điều chỉnh quy mô hoạt động, chuyển hướng sản xuất, kinh doanh, cải tiến mẫu mã, thay đổi mặt hàng, đổi mới công nghệ… góp phần tạo ra sự ổn định, nhất là trong bối cảnh kinh tế suy giảm như hiện nay.
Tổ chức Đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước đã tham gia giải quyết các vấn đề phát sinh trong DN, góp phần giúp DN phát triển bền vững, tạo áp lực tích cực buộc DN nhà nước phải đổi mới để tồn tại; thu hút, sử dụng lao động dôi dư trong quá trình sắp xếp, cổ phần hóa DN nhà nước, giảm sức ép cho xã hội. Tổ chức Đảng trong DN tư nhân, trong các hợp tác xã đã gắn hoạt động của DN và hợp tác xã với chính quyền địa phương và cộng đồng dân cư, góp phần quan trọng trong xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội, trong xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm, là nhân tố nòng cốt xây dựng nông thôn mới, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, ổn định chính trị ở cơ sở.
Có thể nói, các tổ chức Đảng, đoàn thể mới được thành lập đã từng bước khẳng định được vị trí, vai trò của mình, làm cho Ban lãnh đạo, chủ DN và người lao động hiểu rõ lợi ích thiết thực của việc có tổ chức Đảng, đoàn thể đối với sự phát triển bền vững của DN; hạn chế những vụ tranh chấp hợp đồng lao động, đình công, lãn công, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN.
Đòi hỏi cao hơn trong giai đoạn mới
- Công tác phát triển Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước sẽ được tiếp tục thực hiện ra sao trong bối cảnh được dự báo khó khăn tác động mạnh đến DN trong năm mới thưa đồng chí?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Công tác xây dựng Đảng và các đoàn thể nhân dân là việc mới và khó. Tình hình kinh tế khó khăn thời gian tới ít nhiều tác động đến hiệu quả sản xuất kinh doanh của DN, đến tâm tư tình cảm của chủ DN. Mặt khác, các DN quy mô lớn, đông lao động, có đảng viên, sản xuất kinh doanh ổn định thì đã thành lập tổ chức Đảng, các đoàn thể trong DN. Các DN còn lại sẽ khó thành lập các tổ chức Đảng, các đoàn thể hơn. Chúng tôi nhận thức rất rõ điều này, nên Ban chỉ đạo thành phố xác định tiếp tục phải tập trung tuyên truyền mạnh về Nghị quyết 09 theo hướng đi vào chiều sâu và mở rộng đối tượng thực hiện. Tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức Đảng, đoàn thể đã có, kịp thời củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể đã có trong các DN cổ phần hóa vốn nhà nước còn dưới 50%. Đồng thời, Ban Chỉ đạo sẽ tiếp tục tập trung đẩy mạnh thành lập mới tổ chức Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN tư nhân, DN có vốn đầu tư nước ngoài, DN thành lập theo Luật Hợp tác xã, trong các trường học, bệnh viện ngoài công lập…
Ban Chỉ đạo yêu cầu các quận, huyện, thị ủy, đảng ủy trực thuộc Thành ủy và các đoàn thể chính trị - xã hội thành phố tăng cường rà soát, nắm bắt tình hình DN, xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết 09 cho cả nhiệm kỳ 2015-2020, đặc biệt là xác định rõ lộ trình, bước đi cụ thể để thành lập mới tổ chức Đảng, đoàn thể ở những nơi có đủ điều kiện. Coi việc thực hiện những nhiệm vụ này là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tổ chức Đảng và đảng viên hằng năm.
- Việt Nam đã bắt đầu tiến trình đi vào thực hiện Hiệp định Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), đồng chí suy nghĩ như thế nào về việc thực hiện Nghị quyết 09 trước tác động của Hiệp định này?
- Đồng chí Đào Đức Toàn: Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công tác xây dựng Đảng, các đoàn thể nhân dân trong các DN nói chung, trong đó có DN ngoài khu vực nhà nước, đồng thời nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động để chủ DN, người lao động thấy rõ lợi ích thiết thực của các tổ chức Đảng, đoàn thể. Cùng với việc đổi mới mạnh mẽ hoạt động của tổ chức công đoàn Việt Nam cần phát huy vai trò hạt nhân lãnh đạo của tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN. Đây là vấn đề hệ trọng, đòi hỏi sự vào cuộc đồng lòng, nhất trí cao của cấp ủy các cấp, đặc biệt là nâng cao nhận thức, ý thức chính trị, sự chủ động, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức Đảng, đoàn thể. Xét cho cùng, việc thành lập mới các tổ chức Đảng, đoàn thể trong DN ngoài khu vực nhà nước là vì lợi ích của DN, giúp cho DN hoạt động ổn định và ngày càng phát triển. Đây là trách nhiệm chung, mục tiêu chung của cấp ủy, chính quyền và DN. Chúng tôi mong rằng, trong năm mới, việc thực hiện Nghị quyết 09 sẽ nhận được sự chia sẻ tích cực của DN, doanh nhân và người lao động.
- Xin cảm ơn đồng chí!
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.