(HNM) - Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ (TNK) của Việt Nam, với những vấn đề, lĩnh vực cụ thể, cũng như quá trình triển khai thực hiện và kết quả đạt được là chủ đề bàn thảo tại hội thảo tham vấn cho báo cáo thực hiện các mục tiêu TNK do Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) vừa tổ chức tại Hà Nội.
Những kết quả khả quan
Theo Bộ KH-ĐT, sau hơn một thập kỷ tập trung thực hiện các mục tiêu TNK, nhằm vào những vấn đề thuộc lĩnh vực xóa đói giảm nghèo, phổ cập tiểu học, giảm tử vong trẻ em, bình đẳng giới, chăm sóc bà mẹ trẻ em, bảo vệ môi trường… Việt Nam đã gặt hái những kết quả khả quan, đáng ghi nhận. Trước hết, tỷ lệ nghèo giảm từ 58,1% năm 1993 xuống 10,7% năm 2010 (theo chuẩn nghèo cũ); nếu tính theo chuẩn nghèo mới thì mức độ nghèo cũng giảm từ 14,2% năm 2010 xuống 9,6% năm 2012. Dư luận quốc tế đánh giá cao thành tựu trong công tác giảm nghèo của Việt Nam, coi đó là một ấn tượng để các nước khác tham khảo trong công cuộc xóa nghèo trên phạm vi toàn cầu...
Tỷ lệ nhập học của trẻ em Việt Nam tính đến năm 2012 đạt 97,7%, cao hơn so với nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới. |
Về kinh tế, Việt Nam đang tiếp tục chính sách mở cửa, chủ động hội nhập vào đời sống quốc tế, nhất là từ khi gia nhập WTO kết hợp việc đẩy mạnh hoạt động kinh tế đối ngoại; trong đó trọng tâm là hoạt động xuất khẩu và thu hút vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN). Đến nay, tổng kim ngạch xuất khẩu thường xuyên tăng trưởng trên dưới 15%/năm và năm 2012 nước ta có 18 nhóm hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD. Đặc biệt, nguồn vốn ĐTNN vẫn duy trì mức tăng đều trong bối cảnh kinh tế thế giới suy giảm. Tổng vốn ĐTNN thu hút trong 8 tháng đầu năm nay đạt hơn 12,6 tỷ USD, tăng 19,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhận diện tồn tại
Thứ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Thế Phương cho biết, các mục tiêu TNK là rất quan trọng, có ý nghĩa quốc gia nên rất cần sự tổng kết, nhận diện và khắc phục những tồn tại. Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương sẽ tăng cường hoạt động tham vấn, chủ động hợp tác để chia sẻ kinh nghiệm, rút ra bài học thiết thực trong suốt quá trình thực hiện mục tiêu TNK ở Việt Nam. Ở tầm vĩ mô, cần lưu ý thỏa đáng đến thực tế Việt Nam vẫn đang chịu ảnh hưởng từ cuộc khủng hoảng kinh tế quốc tế, xu hướng tăng trưởng chậm lại của nền kinh tế, sự yếu kém và chưa hoàn thiện của hệ thống kết cấu hạ tầng. Các chuyên gia khuyến nghị, cần xác định một số tồn tại, hạn chế trong thực hiện mục tiêu TNK vừa qua. Đó là, mức độ giảm nghèo không đồng đều giữa các vùng địa lý và nhóm dân cư, tốc độ giảm nghèo đang có biểu hiện chậm lại; thu nhập trung bình của hộ dân tộc thiểu số chỉ bằng 1/6 mức bình quân cả nước. Một số tình trạng đáng quan ngại như chất lượng đào tạo chưa đồng đều, còn có sự "vênh" giữa khu vực thành thị và nông thôn, đồng bằng và vùng xa; vấn đề bất bình đẳng về cơ hội trong tiếp cận việc làm, bạo lực gia đình chưa bị đẩy lùi; chất lượng dịch vụ y tế, thuốc chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe trẻ em chưa ổn định; tình trạng ô nhiễm môi trường, khai thác cạn kiệt tài nguyên, nguồn lực tự nhiên… là thách thức đối với công cuộc phát triển KT-XH.
Bà Louise Chamberlain, Giám đốc quốc gia Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) cho rằng, thông qua việc xác định rõ từng mục tiêu Việt Nam sẽ nghiên cứu, tìm ra biện pháp phù hợp để thực hiện mục tiêu TNK. UNDP cùng các tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình thực hiện mục tiêu TNK. Một số ưu tiên, thu hút sự vào cuộc của các bên là xóa đói giảm nghèo; bảo vệ môi trường, phòng chống biến đổi khí hậu; nâng cao chất lượng đời sống con người mà trọng tâm là y tế và giáo dục…
Thời gian tới, Chính phủ, các cơ quan chức năng và địa phương sẽ tập trung thực hiện những biện pháp theo hướng đồng bộ, hợp lý để bảo đảm ổn định vĩ mô, an sinh xã hội và phát triển bền vững. Tất cả nhằm không ngừng cải thiện, nâng cao chất lượng sống của người dân, tạo cơ hội cho mỗi cá nhân, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các khu vực, vùng trong cả nước…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.