Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện mục tiêu "không nằm ghép" của ngành y tế: Phải có giải pháp tổng thể

Thu Trang| 07/02/2015 06:34

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã thông tin trên số báo ra ngày 25-1, phản ánh sự băn khoăn của người dân về tính khả thi trong việc thực hiện mục tiêu mà ngành y tế đặt ra là sẽ có 38 bệnh viện (BV) tuyến trung ương cam kết chấm dứt tình trạng nằm ghép trong năm 2015.


Không hô hào suông!

Từ tháng 1-2013, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án giảm quá tải BV (giai đoạn 2013-2020) nhằm từng bước giảm tình trạng quá tải ở hai khu vực khám bệnh và điều trị nội trú, cơ bản khắc phục tình trạng nằm ghép vào năm 2015. Phấn đấu hoàn thành mục tiêu trên, hiện nay, vấn đề giảm tải được Bộ Y tế xác định là nhiệm vụ hàng đầu trong 7 nhiệm vụ trọng tâm của toàn ngành. Tính đến thời điểm hiện tại, đã có 16 BV tuyến trung ương ký cam kết chấm dứt tình trạng bệnh nhân nằm ghép, bảo đảm 1 bệnh nhân/giường bệnh - chậm nhất là sau 48 giờ kể từ khi nhập viện.

Tình trạng nằm ghép giường vẫn xảy ra thường xuyên tại nhiều bệnh viện tuyến trung ương.
Ảnh: Bá Hoạt



Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Văn Tiên cho biết, cách đây 10 năm, lãnh đạo Bộ Y tế đã hứa trước Quốc hội là sau 1 năm sẽ giảm tải BV nhưng cho đến thời điểm này, tình trạng quá tải BV vẫn là vấn đề bức xúc. "Khi nghe tin hơn chục BV trung ương cam kết giảm tải, không để bệnh nhân phải nằm ghép, chúng tôi rất mừng bởi trong các phiên họp của Quốc hội, chúng tôi luôn cho rằng mỗi chính sách, chủ trương ban hành phải có chỉ tiêu, cam kết cụ thể. Không chỉ nói chung chung rằng sẽ thu hẹp phòng hành chính, mở rộng phòng khám, phòng điều trị để giảm tải, mà phải có chỉ tiêu cụ thể, có thể định lượng được", ông Nguyễn Văn Tiên nói.

Tuy nhiên, cũng theo ông Nguyễn Văn Tiên, khi các BV đã cam kết không để bệnh nhân nằm ghép thì Bộ Y tế cần phải có biện pháp tích cực để hỗ trợ các BV gặp khó khăn trong quá trình triển khai, chứ không thể "hô hào suông". Việc đầu tiên là Bộ cần có giải pháp để cấp huyện - xã có thể đáp ứng nhu cầu sử dụng những loại thuốc mà trước kia chỉ có BV tuyến trung ương mới được cấp. Muốn giảm tải thì phải triệt tiêu nguyên nhân khiến người bệnh kéo về tuyến trên. Chẳng hạn như chuyện bệnh nhân lên BV trung ương chữa bệnh đái tháo đường, cao huyết áp và lĩnh thuốc hằng tháng, bây giờ nên để họ khám 1-2 lần/năm. Lần đầu tiên khám ở BV trung ương để kiểm tra, sau đó về lĩnh thuốc ở BV huyện, xã và đến cuối năm mới "quay lại trung ương" để kiểm tra lại. "Tôi nghĩ đó là biện pháp rất quan trọng, vấn đề này phải được sửa ngay theo quy định của BHYT thì mới mong giảm tải được", ông Nguyễn Văn Tiên đề xuất.

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên cho rằng, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư 31, mở rộng phạm vi cấp một số loại thuốc cho tuyến dưới. Tuy nhiên, có một số thuốc không thể mở rộng xuống tuyến dưới bởi việc kê đơn đối với những loại thuốc này đòi hỏi người có trình độ chuyên môn khá sâu.

Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết: Việc giảm tải không chỉ vì người bệnh mà còn vì chính BV. Cơ chế thị trường buộc chúng ta phải phục vụ thật tốt thì mới có bệnh nhân, thậm chí phải điều trị thật tốt thì mới cạnh tranh được với BV nước ngoài. Việt - Đức là BV đầu ngành, nếu điều trị không tốt thì bệnh nhân sẽ ra nước ngoài chữa bệnh. Hiện tại, BV có khoảng 1.100 giường bệnh, độ bao phủ mới đạt khoảng 94-95%. Tới đây, BV Việt - Đức sẽ có thêm 350 giường nữa, chưa kể Chính phủ cho phép BV xây dựng thêm cơ sở 2 với 1.000 giường tại Hà Nam để đón bệnh nhân ở phía Nam. Như vậy, chắc chắn BV Việt - Đức sẽ kiên quyết "nói không" với việc nằm ghép.

Phải phối hợp chặt chẽ các tuyến

Có một thực tế mà chúng ta phải đối mặt, đó là nhiều cơ sở y tế tuyến dưới chưa tạo được niềm tin cho người bệnh. Câu hỏi là khi "chống nằm ghép", sẽ có bệnh nhân sau khi được điều trị (như phẫu thuật) sẽ phải chuyển về tuyến dưới. Khi đó, nếu xảy ra biến chứng hoặc nhiễm trùng thì ngành y tế có biện pháp hay cơ chế giám sát, đáp ứng yêu cầu điều trị như thế nào?

Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Xuyên, từ trước đến nay chưa từng xảy ra trường hợp chuyển tuyến mà bệnh nhân gặp phải tai biến. Khi chuyển bệnh nhân xuống tuyến dưới, các bác sĩ tuyến trên đều đã cân nhắc rất kỹ. Thêm vào đó, hiện nay, Bộ Y tế đã có hệ thống hội chẩn trực tuyến. Các BV tuyến trung ương sẽ có nhiệm vụ hỗ trợ các BV tuyến tỉnh, các BV vệ tinh nên bệnh nhân có thể hoàn toàn yên tâm.

Là đơn vị chuyển giao nhiều kỹ thuật khó cho các BV vệ tinh tuyến tỉnh, Giám đốc BV Hữu nghị Việt - Đức Nguyễn Tiến Quyết cho biết: "Khi chuyển người bệnh về đâu, chúng tôi bảo đảm nơi đó đã được Bộ Y tế cho phép điều trị và đã được chúng tôi thẩm định kết quả điều trị. Bằng chứng là trong năm vừa qua có 3 vụ "nổi cộm" của ngành ngoại khoa (nổ nhà máy sản xuất pháo hoa ở Phú Thọ, sập cầu ở Lai Châu và tai nạn ô tô lao xuống vực ở Lào Cai), khi bác sĩ BV Việt - Đức được điều đến những nơi đó, nạn nhân đã được BV tỉnh điều trị tương đối tốt. Đó là thành quả của ngành ngoại khoa nói riêng và thành quả của Bộ Y tế nói chung khi chúng ta chú ý đúng mức tới việc chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, tạo sự kết hợp chặt chẽ giữa các tuyến trong việc điều trị cho bệnh nhân".

Việc phân tuyến điều trị là phổ biến trên thế giới, thường thấy là tuyến trên chỉ chữa trị những bệnh nặng, khi chữa xong thì trả người bệnh về tuyến dưới để tiếp tục chăm sóc, điều trị. Tuy nhiên, ông Nguyễn Văn Tiên nói: "Tôi chỉ lo hiện tượng BV tuyến trên cố tình giữ bệnh nhân để thu phí, vì theo cơ chế tài chính hiện nay thì BV tự hạch toán thu chi để trả lương, thưởng cho cán bộ y tế. Do đó, có thể xuất hiện tâm lý… muốn quá tải, muốn có nhiều bệnh nhân, "đẻ thêm" nhiều dịch vụ để có thêm lương, thưởng. Chính vì vậy, để cam kết giảm tải không "nằm trên giấy" thì phải có chính sách đãi ngộ thỏa đáng đối với cán bộ y tế. Nếu chúng ta không thay đổi điều này thì cải cách y tế sẽ rất vất vả và khó đạt được sự công bằng trong công tác chăm sóc sức khỏe người dân, khó đạt được mục tiêu BHYT toàn dân.

Người trong ngành đã nói ra băn khoăn cũng như giải pháp cho vấn đề giảm tải BV. Mỗi người một ý mà tổng hợp lại, ta có thể thấy sự cần thiết phải có một hệ giải pháp chứ không đơn giản chỉ là phân tuyến hay mở rộng quyền cấp thuốc cho cấp xã - huyện.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện mục tiêu "không nằm ghép" của ngành y tế: Phải có giải pháp tổng thể

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.