(HNMO) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng vừa ký ban hành Báo cáo số 518-BC/TU (ngày 10-9) của Thành ủy về Sơ kết 1 năm thực hiện Chỉ thị 21-CT/TƯ ngày 20-1-2018 của Ban Bí thư về tiếp tục đẩy mạnh công tác phụ nữ trong tình hình mới và công tác cán bộ nữ.
Báo cáo nêu rõ, một năm qua, thành phố Hà Nội đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, chính sách, pháp luật về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ tiến bộ và phát triển, quan tâm hỗ trợ, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho lao động nữ; quan tâm hỗ trợ hoạt động của các doanh nghiệp do nữ làm chủ… Riêng năm 2018, trên địa bàn thành phố, số lao động nữ được tạo việc làm mới là gần 93.000 người.
Mặt khác, Thành ủy luôn quan tâm, lãnh đạo trong công tác củng cố, kiện toàn tổ chức, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Phụ nữ các cấp theo Đề án số 06-ĐA/TU ngày 24-9-2013 của Thành ủy về việc “Kiện toàn, sắp xếp tổ chức Đảng và các tổ chức trong hệ thống chính trị trên địa bàn dân cư, tổ dân phố, thôn, xóm ở xã, phường, thị trấn thuộc thành phố Hà Nội”…
Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra 5 hạn chế, trong đó có vấn đề quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ nữ chưa được cấp ủy một số địa phương quan tâm đúng mức. Tỷ lệ cán bộ nữ tham gia lãnh đạo, quản lý ở một số cơ quan, đơn vị, quận, huyện, cơ sở chưa đạt yêu cầu…
Để việc thực hiện Chỉ thị 21-CT/TƯ đạt hiệu quả cao thời gian tới, Thành ủy Hà Nội đề ra 6 nhóm giải pháp thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là tổ chức thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các chính sách về bình đẳng giới, tạo điều kiện cho phụ nữ phát triển toàn diện; chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ chất lượng cao; tiếp tục thực hiện tốt Chỉ thị số 07-CT/TU ngày 30-12-2011 của Ban Thường vụ Thành ủy “Về việc tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng trong công tác quy hoạch, đào tạo và sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ của Đảng bộ thành phố Hà Nội”…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.