Bước vào năm 2025, Trung ương xác định tiếp tục tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá thể chế được coi là “đột phá của đột phá”.
Đây không chỉ là yêu cầu mang tính thời đại mà còn là nhiệm vụ tất yếu trong bối cảnh đất nước đang đứng trước ngưỡng cửa lịch sử trong kỷ nguyên mới.
1. Xuyên suốt 95 năm xây dựng và trưởng thành, bài học thành công trong lãnh đạo cách mạng của Đảng ta là luôn xác định khâu đột phá phù hợp với bối cảnh, tình hình để tập trung mọi nguồn sức mạnh của dân tộc, tạo ra bước ngoặt lịch sử.
Những nhiệm kỳ gần đây, Đảng ta xác định 3 đột phá chiến lược, gồm: Thể chế, nguồn nhân lực và kết cấu hạ tầng. Các đột phá chiến lược này đóng vai trò nền tảng và dẫn dắt quá trình phát triển toàn diện của đất nước. Đây là các đột phá nhằm giải quyết những nút thắt cản trở sự tăng trưởng và nâng cao chất lượng phát triển kinh tế - xã hội. Đồng thời, các đột phá này góp phần xây dựng nội lực vững chắc, tạo sức cạnh tranh quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng một lần nữa nêu rõ 3 đột phá chiến lược nêu trên, trong đó đột phá thể chế tiếp tục ở vị trí đầu tiên. Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị quyết liệt chỉ đạo thực hiện 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế, khắc phục đáng kể những điểm nghẽn, nút thắt, đem lại những chuyển biến lớn trên nhiều lĩnh vực. Đây là nguyên nhân giúp kinh tế nước ta tăng trưởng dương ngay cả trong và sau đại dịch Covid-19, kinh tế phục hồi nhanh, tăng trưởng mạnh, luôn ở trong tốp những nước tăng trưởng cao nhất thế giới.
Tuy nhiên, kết quả thực hiện 3 đột phá chiến lược, trong đó có đột phá thể chế vẫn chưa đáp ứng được đòi hỏi từ thực tiễn. Sau gần 40 năm đổi mới, bên cạnh những thành tựu có ý nghĩa lịch sử, kinh tế - xã hội nước ta vẫn tồn tại nhiều vấn đề do thể chế còn hạn chế, tạo ra những hệ lụy như: Lợi ích nhóm, cơ chế “xin - cho”, tham nhũng, lãng phí, tiêu cực... Thể chế vẫn còn là điểm nghẽn, thậm chí còn được coi là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”.
Trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi toàn Đảng, toàn dân đang quyết tâm bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, đột phá về thể chế đặt ra ngày càng cấp bách. Đầu tư vào hạ tầng, giáo dục, hay công nghệ, nếu thể chế lạc hậu, quan liêu hoặc thiếu minh bạch, các nguồn lực sẽ bị lãng phí, doanh nghiệp bị kìm hãm và xã hội thiếu động lực phát triển. Đơn cử, một luật đầu tư rườm rà sẽ làm nản lòng doanh nghiệp nước ngoài, dù hạ tầng giao thông hiện đại. Thủ tục hành chính phức tạp khiến khởi nghiệp khó khăn, dù có nguồn nhân lực chất lượng cao...
Theo Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng cục Thống kê, riêng trong lĩnh vực đầu tư, bất cập về thể chế đã kìm hãm tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế từ 2% đến 3% mỗi năm. Chẳng hạn, trong năm 2023, nếu không vướng về thể chế, giải ngân hết tổng kế hoạch vốn đầu tư công hơn 803 nghìn tỷ đồng, khi đó tốc độ tăng GDP năm 2023 cao hơn khoảng 2,5-3 điểm phần trăm so với số thực tế đạt được 5,05%.
2. Trong phát biểu bế mạc Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII ngày 24-1 vừa qua, Tổng Bí thư Tô Lâm một lần nữa nhấn mạnh yêu cầu: Tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đó là “đột phá của đột phá”.
Chủ trương tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, đặc biệt coi trọng đột phá về thể chế được xác định là "đột phá của đột phá", thể hiện tầm nhìn chiến lược, quyết tâm chính trị cao và sự nhất quán trong định hướng phát triển của Trung ương Đảng. Đây không chỉ là bước đi đúng đắn, mà còn là yếu tố sống còn, quyết định đến thành công của quá trình phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh hiện nay.
Thể chế (hệ thống luật pháp, cơ -chế quản lý, quy tắc vận hành) chính là “xương sống” cho mọi hoạt động của nền kinh tế và xã hội. Đột phá thể chế là cách “tháo gỡ từ gốc” những vấn đề này, thay vì chỉ giải quyết “triệu chứng”. Thể chế tốt trước hết sẽ tạo ra “sân chơi” công bằng. Thể chế mạnh bảo đảm cạnh tranh lành mạnh, bảo vệ quyền tài sản và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Điều này đặc biệt quan trọng khi Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng (tham gia các hiệp định thương mại như CPTPP, EVFTA, RCEP), đòi hỏi chuẩn mực quốc tế về minh bạch và pháp quyền. Ví dụ điển hình là việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư có thể tháo gỡ rào cản và tăng khả năng thu hút FDI. Bối cảnh địa chính trị biến động cũng đòi hỏi Việt Nam phải linh hoạt và thích ứng nhanh. Nếu thể chế cứng nhắc sẽ làm chậm quá trình ra quyết định, trong khi thể chế mở tạo đà cho những thay đổi đột phá, như chính sách thu hút chuyên gia toàn cầu hoặc cơ chế đặc biệt cho năng lượng tái tạo.
Giáo sư, Tiến sĩ Hoàng Thế Liên, Giám đốc Học viện Chính trị khu vực II khẳng định, thể chế có vai trò quan trọng trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước. Thể chế phù hợp sẽ tạo động lực phát triển, thể chế không phù hợp sẽ kìm hãm sự phát triển. Vấn đề đặt ra là phải nhận thức đúng và xây dựng một thể chế phát triển phù hợp, hiệu quả.
3. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ: “Hoàn thiện đồng bộ thể chế phát triển, trước hết là thể chế phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, cạnh tranh hiệu quả. Tập trung ưu tiên hoàn thiện đồng bộ, có chất lượng và tổ chức thực hiện tốt hệ thống luật pháp, cơ chế, chính sách, tạo lập môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, lành mạnh, công bằng cho mọi thành phần kinh tế, thúc đẩy đổi mới sáng tạo; huy động, quản lý và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, nhất là đất đai, tài chính, hợp tác công - tư; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hợp lý, hiệu quả, đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực bằng hệ thống pháp luật”.
Tiếp nối những kết quả thực hiện đột phá chiến lược về thể chế từ đầu nhiệm kỳ đến nay, ngày 22-12-2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TƯ về “Đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia” cho thấy, quyết tâm chính trị của Trung ương. Việt Nam đang chuyển từ tăng trưởng dựa vào vốn, lao động giá rẻ sang dựa vào năng suất, công nghệ và chất lượng. Muốn vậy, cần thể chế khuyến khích khoa học công nghệ, bảo vệ sở hữu trí tuệ và phát triển thị trường vốn minh bạch. Nghị quyết số 57-NQ/TƯ chính là chỉ đạo có tính đột phá khởi động cho quá trình hoàn thiện thể chế, tạo bước đột phá phát triển từ động lực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo.
Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ “đột phá của đột phá”, thời gian tới, các cấp, các ngành cùng với cụ thể hóa Nghị quyết số 57-NQ/TƯ phải tập trung thực hiện tốt những giải pháp trọng tâm, cấp bách đã được Tổng Bí thư Tô Lâm nêu cụ thể trong kết luận Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng ngày 24-1. Trước tiên là tập trung đẩy mạnh công tác hoàn thiện thể chế, pháp luật. Trước mắt, trong năm 2025, hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản; thực hiện phương pháp “quản lý theo kết quả”, chuyển mạnh từ “tiền kiểm” sang “hậu kiểm” gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực...
Có thể khẳng định, Trung ương đã chỉ đạo những giải pháp rất đúng và trúng, mở ra cánh cửa cụ thể hóa mạnh mẽ nhiệm vụ “đột phá của đột phá” thể chế trong thời gian tới.
Với sự chỉ đạo quyết liệt và sáng suốt từ Trung ương, sự vào cuộc quyết liệt của Quốc hội, Chính phủ, cùng sự đồng tâm, hiệp lực của các cấp, các ngành và đặc biệt là sự đồng hành, ủng hộ của nhân dân, đột phá về thể chế - “đột phá của đột phá” chắc chắn sẽ có những chuyển biến mới. Bởi chỉ có đột phá thể chế, chúng ta mới có “chìa khóa” để thực hiện thành công mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong những năm tiếp theo.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.