Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị: Loại dần hình thức, đi vào thực chất

Võ Lâm| 09/09/2013 05:55

LTS: Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị 03-CT/TƯ về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Hơn 2 năm qua, các cấp ủy, chính quyền TP Hà Nội đã nghiêm túc thực hiện Chỉ thị, đem lại hiệu quả thiết thực. Bên cạnh đó, vẫn còn những hạn chế cần khắc phục ngay...

Bài 1: Định hình một giải pháp quan trọng

Hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 tại Hà Nội đã khẳng định việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trở thành nhiệm vụ thường xuyên, là động lực tinh thần để thực hiện tốt hơn nữa các nhiệm vụ chính trị.

Động lực vượt khó

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị, ngày 25-8-2011, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 20-KH/TU về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến năm 2015 với 8 nhóm giải pháp. Trên cơ sở đó, các cấp ủy đảng thành phố đã tổ chức thực hiện nghiêm túc. Nhìn lại hơn 2 năm qua, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã dần "bén rễ" trong đời sống xã hội, đem lại những chuyển biến tích cực.

Nội dung đầu tiên của Chỉ thị 03 là phải thể hiện việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh trong công việc thường ngày, đặc biệt là những việc làm thiết thực, cụ thể. Hơn 2 năm thực hiện Chỉ thị 03 cũng là khoảng thời gian cả thành phố Hà Nội phải gồng mình khắc phục khó khăn về kinh tế, giữ ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng, bảo đảm nguồn thu. Trong bối cảnh đó, dưới sự chỉ đạo của Thành ủy, các cấp ủy đảng đã tập trung tuyên truyền vận động cán bộ, đảng viên nêu cao tinh thần gương mẫu, tác phong làm việc trách nhiệm, tất cả vì mục tiêu chung. Sự tập trung này đã tạo nên một phong trào thi đua khá mạnh mẽ, nhất là những tháng cuối năm 2012. Có thể dẫn ra ví dụ về việc thu ngân sách. Đến tận tháng 10-2012, nguy cơ không đạt dự toán thu ngân sách vẫn hiện hữu. Một số địa phương mới chỉ thu được 60-70% dự toán giao. Nhưng đến ngày cuối cùng của năm, Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội công bố kết quả thu nội địa vượt dự toán giao 1,2%. Đây là kết quả hết sức bất ngờ. Nhớ lại những ngày cuối năm 2012, các chủ tịch, phó chủ tịch UBND các quận, huyện cũng "lăn lộn" cùng cán bộ thuế. Nhiều địa phương lập đoàn công tác liên ngành, làm việc với từng đơn vị, doanh nghiệp. Nhờ sự sát sao như vậy, một số nơi như quận Hoàn Kiếm đã ngăn chặn hiện tượng gian lận thuế, kịp thời tăng thu cho ngân sách. Một dẫn chứng khác là công tác dồn điền đổi thửa, xây dựng nông thôn mới. Sẽ rất khó có những điển hình như Sóc Sơn nếu cấp ủy không huy động được ý thức nêu gương, "đảng viên đi trước, làng nước theo sau" ở từng chi bộ thôn, làng. Huyện Thường Tín cũng tương tự. Cán bộ xã, thôn dù phải họp với dân 50-60 cuộc như ở xã Nghiêm Xuyên, Vân Tảo, Hồng Vân vẫn nhiệt tình làm để "đả thông" tư tưởng. Nhiều cán bộ, đảng viên đóng góp hàng trăm triệu đồng, cả trăm mét vuông đất phục vụ xây dựng nông thôn mới. Nhờ cố gắng ở từng địa phương, nông thôn Hà Nội đang chuyển mình mạnh mẽ, được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng coi là "địa phương đi tiên phong trong xây dựng nông thôn mới".

Trong "cơn bão" DN ngừng hoạt động, công bố giải thể, nhất là tác động của thị trường bất động sản đóng băng, nhiều DN nhà nước của thành phố vẫn đứng vững như Tổng Công ty Đầu tư và phát triển hạ tầng (UDIC), Tổng Công ty Xây dựng Hà Nội (Hancorp), Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro)... Sự cố gắng của cán bộ, đảng viên, công nhân lao động của các DN này có tác động tích cực từ việc triển khai học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ông Nguyễn Sỹ Minh, quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên Hancorp cho biết: "Việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đã phát huy tác dụng. Tổng Công ty chúng tôi có hàng nghìn công nhân, hàng chục công trường, nhưng không có tệ nạn xã hội. Có những công trường như Royal City có tới 2.000 công nhân ăn ở tại chỗ nhưng cũng không xảy ra việc gì đáng tiếc. Nhờ tập trung vào công việc, chúng tôi vẫn duy trì tăng trưởng. Có những công ty con năm 2012 trả cổ tức đến 25%. Thu nhập bình quân trong tổng công ty hiện nay là 7-8 triệu đồng/người/tháng". Trong khi đó, Bí thư Đảng ủy, Tổng Giám đốc UDIC Nguyễn Minh Quang cho biết: "Chúng tôi đã tiến hành hàng loạt thay đổi, đổi mới như xây dựng chương trình kiểm soát chi phí hạ giá thành sản phẩm. Noi gương Bác thực hành tiết kiệm, hai năm nay không tổ chức các cuộc đi nước ngoài. Từ tổng giám đốc đến giám đốc công ty con không mua sắm xe mới. Cả tập thể đồng lòng tập trung vào công việc". Năm 2012, UDIC có lãi sau kiểm toán là 760 tỷ đồng, đứng vị trí 121 trong 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam.

Đổi mới lề lối, tác phong

Hơn hai năm đi vào đời sống, Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch 20 của Thành ủy còn góp phần đổi mới lề lối, tác phong làm việc tại các cơ quan Đảng, cơ quan hành chính nhà nước. Điểm nổi bật trước tiên là tác phong gần dân, sát dân hơn. Hầu hết các quận, huyện, thị ủy đã xây dựng đề án, quy chế bắt buộc lãnh đạo cấp ủy phải bám sát tình hình cơ sở, thường kỳ dự sinh hoạt chi bộ tại đơn vị được phân công theo dõi. Tại các huyện như Chương Mỹ, Thường Tín, Phú Xuyên và nhiều quận, huyện khác, ủy viên thường vụ huyện ủy định kỳ phải báo cáo ban thường vụ là đi cơ sở bao nhiêu lần, giải quyết việc gì, kết quả ra sao... Ban thường vụ sau đó lập đoàn kiểm tra chéo ở cơ sở để xác nhận độ chính xác của báo cáo. Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hùng Vỹ cho biết: "Nhờ cán bộ sát dân, tích cực tiếp xúc, đối thoại với cơ sở, trong 2 năm qua, huyện đã giải quyết cơ bản tình trạng đơn thư khiếu nại phức tạp, kéo dài, khiếu kiện đông người". Một thay đổi rất có lợi nữa là các cấp ủy, chính quyền đã chọn việc trọng tâm, trọng điểm, việc nóng, vấn đề nổi cộm, bức xúc để dồn sức tập trung làm. Điểm nổi bật phải kể tới là kết quả khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, hàng loạt cầu vượt nhẹ được xây dựng nhanh đã giải tỏa các nút giao thông trọng điểm. Bên cạnh đó, các cấp ủy đảng đã chủ động làm công tác luân chuyển cán bộ, kịp thời xử lý, thay thế cán bộ yếu kém. Chương Mỹ, Mỹ Đức, Phú Xuyên, Sóc Sơn, Hà Đông, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng... đều có những dẫn chứng về việc này. Những xã trước yếu kém, phức tạp nổi tiếng như Phú Túc (Phú Xuyên), Hữu Văn (Chương Mỹ), Hợp Thanh (Mỹ Đức) sau khi được các huyện ủy tập trung hỗ trợ, đã khắc phục được tình hình.

Kết quả trên chỉ là một lát cắt trong thành tựu chung đa dạng và toàn diện mà toàn thành phố đạt được trong hơn 2 năm nhiều khó khăn vừa qua. Qua đây có thể thấy, hiệu ứng từ tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại Hà Nội đã định hình một giải pháp quan trọng hàng đầu trong thực thi các nhiệm vụ chính trị. Tuy nhiên, không phải ở đâu, lúc nào giải pháp này cũng được coi trọng đúng mức.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị: Loại dần hình thức, đi vào thực chất

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.