(HNM) - Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới về việc cách ly xã hội phòng, chống dịch Covid-19 trong ngày 13-4 cho thấy, dù các địa phương đã, đang nỗ lực kiểm tra, xử lý nghiêm minh các vi phạm, nhưng nhiều hàng quán vẫn mở, chợ cóc và người bán hàng rong… vẫn xuất hiện, với những cách thức tinh vi hơn để đối phó lực lượng chức năng. Tình trạng này đòi hỏi chính quyền địa phương phải quyết liệt, mạnh tay hơn nữa để ngăn chặn, xử lý triệt để các trường hợp vi phạm, nhất là khi nguy cơ lây nhiễm dịch trong cộng đồng vẫn rất cao.
Vi phạm tinh vi hơn
Ghi nhận vào 8h15 ngày 13-4 tại số 38, đường Đại Cồ Việt (quận Hai Bà Trưng), cửa hàng nội thất Hòa Phát của Công ty TNHH Thương mại và sản xuất Lợi Đông; cửa hàng văn phòng phẩm tại số 8, phố Hoa Lư vẫn mở cửa như ngày thường. Đáng nói hơn, nhân viên Hệ thống dịch thuật toàn quốc số 51, đường Đại Cồ Việt không đeo khẩu trang, ngồi trước cửa đón khách.
Trên địa bàn quận Cầu Giấy, tại cổng làng Hậu, cạnh số 7 phố Trần Thái Tông, từ sáng sớm hàng xôi đã bán hàng, người bán - người mua đều trong cảnh “chớp nhoáng” để đề phòng lực lượng chức năng. Còn ngay đầu ngách 44/21 phố Trần Thái Tông, quán bán hàng trở thành điểm tập trung của nhiều tài xế chuyên giao hàng, tất cả đều không quan tâm tới khoảng cách an toàn 2m trong phòng, chống dịch.
Đáng chú ý, cửa hàng hoa cây cảnh Đà Lạt Homesfarm số 19 Trung Hòa (phường Trung Hòa) mở cửa công khai vài ngày nay và thời điểm 11h20 đến 12h khách mua hàng khá nhộn nhịp. Cách đó không xa, cửa hàng Japanshop ở 46 Trung Hòa cũng có khách đang thanh toán ở quầy thu ngân...
Trong khi đó, ở quận Tây Hồ, ghi nhận trên đường Xuân Diệu, cửa hàng quần áo Hoa fashion, số 1A Xuân Diệu vẫn mở cửa bán hàng. Thậm chí, tại ngõ 326 đường Nghi Tàm, cửa hàng cơm tự chọn bán hàng ngay trong mùa dịch. Đường Thụy Khuê, hàng loạt cửa hàng ăn uống công khai mở cửa, như hàng bánh rán số 111A Thụy Khuê, cửa hàng lươn khô tại 184A Thụy Khuê, cửa hàng bánh 199 Thụy Khuê.
Cũng trong sáng 13-4, theo ghi nhận tại tòa chung cư HH2B, HH2C, Khu đô thị Linh Đàm, phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) có nhiều cửa hàng không thiết yếu mở cửa đón khách. Cụ thể, tòa HH2C có các cửa hàng Biti's, ki ốt số 8; điện nước Thu Huyền, ki ốt số 4; kính mắt Tràng Tiền, ki ốt 16. Còn tòa HH2B, cửa hàng phụ kiện điện thoại, ki ốt số 20; quán D'ciao Coffee house, ki ốt 22 cũng mở 1/2, hoặc 1/3 cửa, bên trong và ngoài của hàng liên tục có người mua hàng.
Ở khu vực ngoại thành, theo ghi nhận ở một số địa phương, việc thực hiện cách ly xã hội cơ bản được bảo đảm. Ngày 13-4, do trời mưa rét nên lượng người tham gia giao thông trên địa bàn huyện Ứng Hòa khá thưa vắng, hầu hết các cửa hàng kinh doanh đều đóng cửa theo quy định. Còn tại những tuyến đường trục xã, đường chính trên địa bàn huyện Thường Tín khá vắng người và phương tiện giao thông.
Tại thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), do lực lượng chức năng thực hiện nghiêm công tác tuần tra, kiểm soát, nên không có tình trạng cửa hàng không thiết yếu mở cửa. Trong chiều 13-4, phóng viên nhận thấy số người và phương tiện qua lại trên địa bàn thị trấn ít…
Xử lý nghiêm vi phạm, thực hiện cách ly xã hội triệt để
Trong ngày 13-4, từ các nguồn thông tin tiếp cận trực tiếp qua tuần tra, giám sát và qua báo chí, các địa phương tiếp tục xử lý vi phạm, yêu cầu hàng quán đóng cửa, không tập trung đông người và không tái phạm.
Trả lời phóng viên Báo Hànộimới liên quan đến vi phạm tại các tòa HH2B, HH2C, Khu đô thị Linh Đàm, ông Vũ Đức Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Hoàng Liệt (quận Hoàng Mai) cho biết, một số cửa hàng vẫn mở cửa vào sáng 13-4 là đúng. Ngay sau khi nhận được phản ánh, UBND phường đã chỉ đạo các lực lượng chức năng xuống kiểm tra và yêu cầu đóng cửa.
Tiếp nhận phản ánh của phóng viên Báo Hànộimới về những vi phạm trên địa bàn quận Cầu Giấy trong sáng 13-4, ông Trần Việt Hà, Phó Chủ tịch UBND quận đã nhanh chóng chỉ đạo các phường xử lý ngay điểm xảy ra vi phạm. Tới trưa 13-4, các địa điểm xảy ra vi phạm đều đã được xử lý như ở chợ K83 (phố Hoa Bằng) và chợ tạm ngõ 100 Trung Kính (phường Yên Hòa). “Những ngày này, phường tăng cường xử lý các vi phạm về trật tự đô thị song song với kiểm tra phòng, chống Covid-19. Đặc biệt, những cửa hàng mà Báo Hànộimới từng phản ánh mở cửa trên địa bàn, chúng tôi đã xử lý nghiêm”, Chủ tịch UBND phường Yên Hòa Đỗ Ngọc Anh thông tin.
Còn tại khu chợ dân sinh ngõ 72 phố Dịch Vọng, phường Dịch Vọng, sau phản ánh về việc người dân tấp nập mua bán bất chấp khoảng cách an toàn, UBND phường Dịch Vọng đã cho kẻ vẽ đánh dấu vị trí xếp hàng để duy trì khoảng cách 2m theo đúng quy định phòng dịch.
Sau những vi phạm ở phường Thụy Khuê (quận Tây Hồ), theo ông Kiều Hồng Hải, Phó Trưởng Công an phường Thụy Khuê, đơn vị đã chỉ đạo ngay lực lượng kiểm tra và có 3 cửa hàng bánh bị yêu cầu đóng cửa, các cửa hàng bán chim cảnh trên địa bàn phải tạm dừng hoạt động.
Trao đổi về vấn đề này, ông Phạm Xuân Tài, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ thông tin: “Thực tế vẫn còn tình trạng một số cửa hàng cố tình kinh doanh. Ngay sau khi có phản ánh của Báo Hànộimới, UBND quận đã chỉ đạo các phường liên quan kiểm tra và xử lý nghiêm vi phạm”.
Để xử lý các vi phạm, bà Thạch Bảo Khôi, Phó Chủ tịch UBND phường Thanh Nhàn (quận Hai Bà Trưng) cho hay: Từ ngày 17-3 đến nay, UBND phường đã thường xuyên thông báo đến 148 cơ sở kinh doanh và giao lực lượng công an phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tiến hành kiểm tra 3 lần/ngày, nhắc nhở các hộ kinh doanh chấp hành cam kết phòng, chống dịch.
Trong khi đó, ông Viên Hải Tuệ, Chủ tịch UBND phường Ngọc Khánh (quận Ba Đình) cho biết: Ngoài các tổ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 phường, địa phương còn có 166 tình nguyện viên tham gia phòng, chống dịch. Các lực lượng chia ca cắm chốt tại các điểm chợ, nơi công cộng để tuyên truyền, giám sát người dân thực hiện các quy định đeo khẩu trang, giữ khoảng cách 2m…
Lo ngại trước tình trạng một số người dân có tâm lý chủ quan, lơ là, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 huyện Thường Tín đã yêu cầu lực lượng công an từ huyện đến cơ sở tăng cường tuần tra, nhắc nhở, xử phạt nghiêm những trường hợp vi phạm. Đối với nơi có hoạt động kinh doanh nhiều như thị trấn Thường Tín, theo Chủ tịch UBND thị trấn Nguyễn Văn Học, thị trấn đã thành lập 4 tổ cơ động, tuần tra, kiểm soát 24/7 để kịp thời phát hiện, nhắc nhở và xử lý vi phạm.
Tại địa bàn thị trấn Trạm Trôi (huyện Hoài Đức), Trung tá Dương Ngọc Trai, Trưởng Công an thị trấn cho biết: Đơn vị đã phối hợp với lực lượng chức năng thị trấn, các thôn, tổ dân phố, nghiêm túc tuần tra, kiểm soát 24/7. Do đó, từ ngày 10-4 đến chiều 13-4, toàn địa bàn thị trấn không có trường hợp nào vi phạm công tác phòng, chống dịch Covid-19. Còn theo Bí thư Đảng ủy thị trấn Văn Điển (huyện Thanh Trì) Lê Ngọc Thường, lực lượng chức năng của thị trấn đã nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ 24/7, qua đó đã xử lý một số trường hợp, đồng thời giúp ngăn ngừa vi phạm…
Hiện nay, dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, với những ca mắc mới trong cộng đồng hoặc không thể tìm được ca bệnh F0. Đây là lời cảnh báo cho tất cả mọi người phải thực hiện cách ly xã hội nghiêm túc. Đặc biệt, khi dịch Covid-19 chưa có vắc xin, thì vắc xin hiệu quả nhất chính là cách ly xã hội như hiện nay toàn dân đang thực hiện. Vấn đề này cũng đặt ra cho lực lượng chức năng, các địa phương phải vào cuộc mạnh mẽ hơn nữa, xử lý mạnh tay hơn nữa với vi phạm, để việc cách ly xã hội được thực hiện triệt để, bảo đảm an toàn trước dịch bệnh.
Xử phạt 4.743 trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch Covid-19
Tính đến 17h ngày 13-4, thống kê tình hình của 28 quận, huyện, thị xã (chưa tính quận Cầu Giấy và quận Bắc Từ Liêm) từ ngày 1 đến 13-4 cho thấy, các địa phương đã xử phạt tổng cộng 4.743 trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch Covid-19. Các lỗi vi phạm chủ yếu là mở cửa bán hàng ở những cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, không đeo khẩu trang ở nơi công cộng, ra ngoài đường không có lý do cấp thiết…
Những địa phương có số liệu xử phạt cao nhất ở khu vực nội thành là các quận: Nam Từ Liêm (495 trường hợp), Đống Đa (492 trường hợp), Hà Đông (397 trường hợp), Hoàng Mai (270 trường hợp)… Khu vực ngoại thành có số liệu xử phạt cao nhất là các huyện: Thanh Trì (360 trường hợp), Đan Phượng (235 trường hợp), Thường Tín (175 trường hợp), Chương Mỹ (168 trường hợp)… Mức phạt cao nhất hiện nay là 36,5 triệu đồng, đối với 1 cơ sở kinh doanh không thiết yếu vẫn mở cửa, ở huyện Đan Phượng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.