(HNMO) - Ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới trong sáng 14-4, ngày thứ 14 thực hiện cách ly xã hội theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và UBND thành phố Hà Nội cho thấy, nếu như ở các huyện ngoại thành, ý thức chấp hành quy định về phòng, chống dịch đã được cải thiện, thì tại khu vực nội thành vẫn còn nhiều nơi có tình trạng tụ tập đông người, mở cửa bán hàng, kinh doanh dịch vụ không thiết yếu.
Ngoại thành tương đối yên ắng
Có mặt tại xã Yên Bình (huyện Thạch Thất) 8h30 ngày 14-4, phóng viên Báo Hànộimới nhận thấy, nhìn chung các cửa hàng kinh doanh thiết yếu đều đóng cửa, lượng người qua lại trên các tuyến đường thôn, xã rất ít…
Ông Nguyễn Giáp Dần, Bí thư Đảng ủy xã Yên Bình cho biết, địa bàn xã có hơn 12.000 nhân khẩu, trong đó có 40% là người dân tộc Mường, ý thức của người dân chấp hành các quy định của Chính phủ, thành phố về phòng, chống dịch Covid-19 khá tốt. Để kiểm soát việc cách ly xã hội, xã đã thành lập 2 chốt kiểm dịch đo thân nhiệt, sát khuẩn người ra/vào địa bàn xã và một tổ cơ động hằng ngày đi tuyên truyền, vận động người dân đóng cửa hàng kinh doanh không thiết yếu; không tụ tập đông người… Tuy nhiên, trong những ngày qua, vẫn có 8 trường hợp ra đường không đeo khẩu trang bị xử phạt với số tiền 1,6 triệu đồng.
Tại địa bàn thôn Hạ Lôi, xã Mê Linh (huyện Mê Linh) - nơi đang được phong tỏa và thực hiện thiết lập vùng cách ly y tế toàn thôn từ ngày 8-4, hầu như không có bóng người qua lại trên các trục đường thôn, liên thôn, liên xóm.
Trực tiếp tham gia tại chốt cách ly y tế thôn Hạ Lôi, đoàn viên Dương Văn Tuấn cho biết, trong những ngày này, ở Hạ Lôi chỉ có lực lượng làm nhiệm vụ y tế, an ninh trật tự đi kiểm soát địa bàn và kiểm tra sức khỏe người dân hằng ngày. Người dân trong thôn thực hiện cách ly rất nghiêm túc. Anh Tuấn cũng cho biết thêm: "Những ngày đầu, một số hộ dân trong thôn có đề nghị được đi ra ruộng để chăm sóc hoa, nhưng sau khi được tuyên truyền về nguy cơ lây nhiễm và phát tán vi rút ra cộng đồng, người dân đã không ra ruộng, nghiêm túc thực hiện tự cách ly tại nhà theo hướng dẫn của nhân viên y tế".
Còn tại địa bàn thị trấn Đông Anh (huyện Đông Anh), gần cuối giờ sáng 14-4, phóng viên ghi nhận các cửa hàng kinh doanh những mặt hàng không thiết yếu đều đóng cửa; dân cư, phương tiện đi lại trên các tuyến giao thông rất ít.
Bà Nguyễn Thị Kim Dung, Chủ tịch UBND thị trấn Đông Anh cho hay: "Mặc dù thị trấn là khu trung tâm kinh tế của huyện, tập trung nhiều hàng, quán kinh doanh, nhưng từ ngày 1-4 đến nay, 100% cửa hàng không được phép kinh doanh đều chấp hành nghiêm. Thị trấn đã thành lập 41 chốt mềm kiểm soát người ra/vào tại các tổ dân phố và thành lập 7 đoàn kiểm tra tại các tổ dân phố, cụm dân cư, phối hợp với lực lượng công an tuần tra, kiểm soát địa bàn thường xuyên, liên tục… Tính từ 1-4 đến hết ngày 13-4, thị trấn đã xử lý 4 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra ngoài. Riêng sáng 14-4, không có trường hợp nào vi phạm".
Theo ghi nhận của phóng viên Báo Hànộimới, sáng 14-4, tại các xã, thị trấn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, có một số cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu vẫn mở cửa một phần do gia đình sinh sống tại cửa hàng, chưa ghi nhận có giao dịch bán hàng. Chánh Văn phòng HĐND - UBND huyện Phú Xuyên Trương Đại Dương cho biết: "Những ngày qua, lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, đã ra quyết định xử phạt 125 trường hợp đi tập thể dục thành tốp đông người và không đeo khẩu trang. Riêng sáng 14-4, các xã, thị trấn báo cáo chưa ghi nhận có trường hợp vi phạm".
Tại địa bàn huyện Đan Phượng, đầu giờ chiều 14-4, tuy trời nắng ấm, nhưng những tuyến đường ở khu vực các xã nằm gần trung tâm huyện như: Song Phượng, Tân Hội, Tân Lập… đều thưa vắng người qua lại. Dãy cửa hàng kinh doanh dịch vụ không thiết yếu ở “phố làng” xã Tân Lập đóng cửa.
Theo Chánh Văn phòng HĐND-UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Thành Lý, huyện tiếp tục duy trì tuyên truyền tại 8/8 chợ về các biện pháp phòng, chống dịch, tạm dừng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu…
“Có 62 cơ sở kinh doanh karaoke, 102 cơ sở kinh doanh trò chơi điện tử, 388 cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống trên địa bàn huyện tiếp tục tạm dừng hoạt động. Ngày 14-4, lực lượng chức năng của huyện đã xử phạt 27 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng và ra ngoài không có lý do chính đáng với tổng số tiền xử phạt là 6,7 triệu đồng”, ông Nguyễn Thành Lý nói.
Tại thị xã Sơn Tây, các tuyến phố trung tâm hầu như vắng người và phương tiện qua lại, các cửa hàng kinh doanh không thiết yếu đều tuân thủ việc đóng cửa. Thượng tá Ngô Đình Ngũ, Trưởng Công an thị xã cho biết, cả 15/15 xã, phường đã ký cam kết thực hiện các biện pháp cách ly xã hội. Công an thị xã bố trí lực lượng tham gia 135 chốt kiểm soát tại các xã, phường trên địa bàn thị xã và thành lập 5 tổ tuần tra cơ động.
Từ ngày 1-4 đến nay, UBND các xã, phường và UBND thị xã ra quyết định xử phạt 100 trường hợp không đeo khẩu trang, ra ngoài không có lý do chính đáng, 2 quán hàng không thiết yếu mở cửa. Riêng ngày 14-4, toàn thị xã nhắc nhở 11 trường hợp và xử phạt 19 trường hợp do không đeo khẩu trang và ra ngoài không có lý do chính đáng.
Vi phạm chưa có dấu hiệu giảm ở khu vực nội thành
Ghi nhận trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, do thiếu sự kiểm tra của lực lượng chức năng nên vi phạm vẫn diễn ra. Tại phố Hồng Mai (phường Bạch Mai), phố Võ Thị Sáu (phường Thanh Nhàn), một vài hàng quán vẫn mở cửa, cho khách vào mua bán, ăn uống. Các cửa hàng bán buôn, bán lẻ mũ bảo hiểm từ số nhà 305 đến 307 phố Huế mở bán hàng từ 8h, khi thấy khách dừng lại, nhân viên bán hàng thi nhau chào mời. Đáng nói, vẫn còn một số người không đeo khẩu trang.
Gần đó, 2 cửa hàng bán hàng không thiết yếu ở số 223 và 225A phố Huế cũng mở 1/2 cửa để bán hàng. Cửa hàng Tuấn Hoa 155 phố Huế chuyên kinh doanh thiết bị xe máy mở cửa sớm. Chủ cửa hàng cũng liên tục chào mời mua hàng khi có người dừng hoặc đi chậm qua cửa hàng.
Cũng trong sáng nay, theo ghi nhận, một số cửa hàng bơm vá lốp ô tô vẫn hoạt động ở đầu đường Trần Nhật Duật và Trần Quang Khải (quận Hoàn Kiếm). Khoảng 10h tại số nhà 241 Trần Quang Khải có nhiều xe ô tô vẫn dừng lại bơm lốp.Trong khi đó, tại phố Lâm Du (quận Long Biên), vẫn còn tình trạng hàng quán kinh doanh không thiết yếu mở cửa: Tại các số nhà 327, 347, 353, các cửa hàng rửa xe máy vẫn hoạt động và có khách sử dụng dịch vụ; cửa hàng kinh doanh kim khí, điện nước tại số 215 Lâm Du vẫn mở…
Trên đường Nguyễn Hoàng (quận Nam Từ Liêm), nhiều cửa hàng tuy không kinh doanh các mặt hàng thiết yếu nhưng vẫn công khai mở cửa hoạt động. Như cửa hàng Giày dép 99 tại số 99, cửa hàng sửa chữa xe máy tại số 62, cửa hàng bún chả số 63… vẫn vô tư hoạt động.
Cũng trong sáng 14-4, tại các trục đường chính trên đường Hồ Tùng Mậu địa bàn quận Bắc Từ Liêm, người dân đều nghiêm chỉnh chấp hành việc đóng cửa, hạn chế ra đường. Tuy nhiên, tại các đường nhánh nhỏ, còn nhiều điểm mở cửa bán hàng như: Cửa hàng Hoàng Tiến bán bánh mì, bánh ngọt, bánh sinh nhật (số 77 phường Phú Diễn); cửa hàng gạch đá lát, thiết bị vệ sinh cao cấp, đồ gia dụng Phúc Tê (số 17 phường Phú Diễn). Hay như cửa hàng que hàn, đá cắt, mài, sơn mạ kẽm, vôi ve các loại (số 30 đường 32, Ngọa Long, phường Minh Khai) vẫn mở cửa bán hàng...
Hàng quán là vậy, theo khảo sát của phóng viên, tại các chợ dân sinh, chợ cóc, chợ "di động" trên các tuyến phố, người mua bán cũng đông, việc giãn cách 2m hầu như không thực hiện được. Cảnh buôn bán, giết mổ gia cầm sống vẫn diễn ra phổ biến tại chợ tự phát vỉa hè phố Thanh Bảo (phường Kim Mã, quận Ba Đình), chợ cóc phố Nguyễn Văn Giáp, chợ Tân Mỹ (quận Nam Từ Liêm)...
Các địa phương cần quyết liệt hơn!
Do tiết trời nắng ráo nên lượng người ra đường nói chung tăng lên so với hôm qua. Những điểm nút giao thông qua cầu Vĩnh Tuy, Chương Dương hướng từ Long Biên vào trung tâm thành phố khá đông người qua lại. Tại các nút giao cắt có đèn giao thông, yêu cầu bảo đảm khoảng cách 2m hầu như không được tuân thủ.
Sáng 14-4, Công an phường Phúc Xá (quận Ba Đình) nhận được tin trên cầu Long Biên có hàng quán vẫn hoạt động buôn bán đã tổ chức lực lượng kiểm tra. Qua kiểm tra nhận thấy, chủ hàng để một xe ba bánh tự chế.
Công an phường Phúc Xá đã giải tỏa xe ba bánh, lập biên bản xử lý người phụ nữ bán hàng hoa quả tại khu vực trên.
Trong phòng, chống dịch Covid-19, quận Long Biên, quận Ba Đình đã phối hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy định phòng dịch tại địa bàn giáp ranh. Theo đó, lãnh đạo hai quận và UBND phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã trao đổi với UBND phường Phúc Xá cùng tăng cường kiểm tra, kiểm soát khu vực cầu Long Biên, không để tình trạng bán hàng và tụ tập chụp ảnh, tập thể dục trên cầu.
Có một thực tế là ý thức người dân chưa cao nên dù lực lượng chức năng có ra quân xử lý thì khi họ rời đi, người dân lại tiếp tục bán hàng. Ông Vũ Đại Thắng, Phó Chủ tịch UBND phường Đội Cấn cho biết: “Thời gian qua, phường cũng quyết liệt kiểm tra, nhắc nhở, xử lý các trường hợp vi phạm quy định của Chính phủ trong phòng chống dịch bệnh, xử phạt 9 trường hợp không đeo khẩu trang, ra đường không cần thiết. Tuy nhiên, một bộ phận người dân ý thức kém, chủ quan, thực hiện chỉ đối phó khi có cơ quan chức năng kiểm tra. Do vậy, ngoài sự nỗ lực của các cấp chính quyền cần nhiều hơn nữa sự hợp tác, tự giác nâng cao ý thức của người dân trong phòng, chống dịch bệnh”.
Trong sáng nay, công an phường Mỹ Đình 1 (quận Nam Từ Liêm) cũng thường xuyên tuần tra tại địa bàn phường, nhắc nhở các hộ kinh doanh không bán hàng trên vỉa hè, lòng đường tại khu vực chợ tạm Tân Mỹ. Phó trưởng Công an phường Mỹ Đình 1 Trần Xuân Đại cho biết, công an, dân phòng liên tục xử lý vi phạm trật tự đô thị, cũng như nhắc nhở người dân thực hiện nghiêm quy định phòng dịch.
Thiếu tá Đặng Quang Nam, Trưởng Công an phường Quỳnh Mai (quận Hai Bà Trưng) cho biết: "Để giám sát việc phòng chống dịch, từ ngày 1-4, Công an phường đã tham mưu và phối hợp với UBND phường lập 4 chốt kiểm tra trước lối vào chợ tạm hoạt động tại ngõ 10, phố 8-3. Qua kiểm tra, Công an phường đã xử phạt 18 trường hợp không đeo khẩu trang khi ra đường. Lực lượng sẽ tiếp tục tuần tra, kiểm soát hằng ngày, đặc biệt xử lý vi phạm Báo nêu ở trên".
Theo ông Trần Quý Thái, Phó Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai, để thực hiện tốt Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và Chỉ thị 05 của UBND thành phố, từ ngày 17-3 đến nay, UBND quận đã tạm dừng hoạt động đối với 1.943 cơ sở kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu, lập các chốt trực 24/24h tại các ngã 3, khu chung cư và tổ dân phố. Đồng thời, thành lập 16 đoàn kiểm tra, xử lý 311 trường hợp. Với các vi phạm phát sinh, UBND quận sẽ giao công an xử lý nghiêm.
Về trường hợp vi phạm tại cổng làng Hậu, cạnh số 7 phố Trần Thái Tông (quận Cầu Giấy), từ sáng sớm, hàng xôi đã bán hàng, người bán - người mua đều trong cảnh “chớp nhoáng” để đề phòng lực lượng chức năng (Báo Hànộimới đăng sáng 13-4), UBND quận Cầu Giấy cho biết đã xử lý trong sáng 14-4, yêu cầu không được bán hàng.
Ông Phạm Hải Bình, Chủ tịch UBND phường Đại Kim, cho biết: Thực trạng hàng rong trên đường Nguyễn Xiển (đoạn dự án The Manor Central Park) như Báo Hànộimới nêu là đúng. Hai ngày gần đây, phường đã giao lực lượng tuần tra nhắc nhở nhưng người bán hàng thường di chuyển loanh quanh khu vực, đợi lực lượng chức năng đi khỏi là trở lại bán hàng. Trong chiều nay, phường sẽ xử lý triệt để vi phạm này.
Thiếu tá Phạm Hoài Nam, Trưởng Công an phường Thanh Nhàn cho biết, từ ngày 1-4 đến nay, công an phường đã xử phạt 10 trường hợp ra đường không đúng mục đích, 5 trường hợp không đeo khẩu trang tại nơi công cộng, 1 trường hợp hàng quán mở cửa bán hàng sai phạm với tổng số tiền xử phạt là 10,5 triệu đồng.
Theo Chủ tịch UBND phường Cự Khối (Long Biên), UBND phường đã thành lập 2 tổ công tác thường xuyên, tăng cường công tác kiểm tra địa bàn, hướng dẫn, nhắc nhở người dân thực hiện đúng quy định về công tác phòng, chống dịch và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Tính đến ngày 13-4, phường đã nhắc nhở 25 trường hợp, xử phạt 2 cá nhân với số tiền 400.000 đồng (do không đeo khẩu trang tại nơi công cộng).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.