(HNM) - Ngày 15-1, Bộ GD-ĐT sẽ kiểm tra
Tại hội nghị thi và tuyển sinh năm 2010 được tổ chức 2 ngày cuối tuần qua, thông tin từ Bộ GD-ĐT cho biết, đã nhận được báo cáo từ gần 300 cơ sở đào tạo. Việc công khai các điều kiện bảo đảm chất lượng, thu chi tài chính, người học được lợi gì và "3 công khai" sẽ góp phần nâng cao chất lượng đào tạo như thế nào?
Người học sẽ không có nhiều lựa chọn
Bộ GD-ĐT đã quy định về việc thực hiện quy chế công khai đối với cơ sở giáo dục ĐH, theo đó, các trường phải thực hiện "3 công khai" về cam kết chất lượng giáo dục và chất lượng thực tế; điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và công khai thu chi tài chính. Cụ thể, các trường phải công bố chuẩn đầu ra, tỉ lệ SV tốt nghiệp có việc làm; kết quả kiểm định chất lượng giáo dục, đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý và nhân viên; tỉ lệ SV/giảng viên theo ngành; số lượng và diện tích giảng đường, phòng học, xưởng thực tập. Về công khai tài chính, nhà trường cần nêu rõ mức học phí, lệ phí và các khoản thu khác từ người học, những nguồn thu của nhà trường, chính sách miễn giảm học phí, học bổng và trợ cấp; thu nhập bình quân/tháng của giảng viên, cán bộ quản lý và nhân viên... Những thông tin này phải được đưa lên trang thông tin điện tử của trường, khoa, thư viện để mọi người dễ dàng tiếp cận. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch tài chính Nguyễn Văn Ngữ khẳng định: "Ngày 15-1-2010, các trường chưa thực hiện được quy chế "3 công khai" và báo cáo về Bộ GD-ĐT thì chắc chắn Bộ sẽ không giao chỉ tiêu tuyển sinh cho năm học tới".
Đến nay, gần 300 trường đã có báo cáo “3 công khai,” góp phần nâng cao chất lượng đào tạo. Ảnh: Nguyệt Ánh |
Quyết định cứng rắn này của Bộ GD-ĐT đã tỏ ra có tác dụng khi còn cách thời hạn 3-4 ngày đã có gần 300 trường gửi báo cáo trong tổng số 376 trường, chiếm tỉ lệ gần 80%. Qua đó, các chỉ số cơ bản về điều kiện bảo đảm chất lượng đã được công khai. Về tỉ lệ SV/giảng viên, gần 14% các trường, phần lớn thuộc khối ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, đang phải chịu sự quá tải với 40-60 SV/giảng viên. Ngoài tỉ lệ SV/giảng viên, các chỉ tiêu về cơ sở vật chất, trang thiết bị, phòng thí nghiệm... như báo cáo của các trường cũng cho thấy một thực tế rằng, SV không có nhiều lựa chọn khi căn cứ vào các thông tin trên để chọn trường, chọn ngành bởi tình trạng chung khá giống nhau.
Điều đáng chú ý là trong số các trường đã gửi báo cáo, chỉ có chưa đầy 50% hoàn thành chuẩn đầu ra. Ông Nguyễn Văn Ngữ cho biết, Bộ mới có hướng dẫn về việc này nên nhiều trường chưa hoàn thiện bộ chuẩn. Hiệu trưởng ĐH Vinh, ông Nguyễn Ngọc Hợi cũng cho biết: Nhà trường đã thực hiện công khai hầu hết các thông tin mà Bộ GD-ĐT yêu cầu, riêng chuẩn đầu ra của SV thì cần thời gian hoàn thiện vì đó là cam kết đào tạo của nhà trường với SV, với xã hội. Còn Phó Hiệu trưởng Trần Ngọc Ngoạn, ĐH Nông lâm (ĐH Thái Nguyên) cho biết: Để xây dựng chuẩn đầu ra cho SV mất rất nhiều thời gian vì nhà trường phải tiến hành điều tra, khảo sát thông tin từ nhiều cơ quan, doanh nghiệp, các đơn vị có nhu cầu nhân lực kỹ sư nông nghiệp. Từ đó, nhà trường mới có thể tiến hành xây dựng một bộ chuẩn đầu ra cho từng ngành. Đại diện một số trường thì cho rằng chuẩn đầu ra về kiến thức chuyên ngành không phải việc khó, khó nhất là chuẩn ngoại ngữ. Có trường chỉ yêu cầu đơn giản là SV ra trường phải giao tiếp được bằng ngoại ngữ, có trường công bố chuẩn ngoại ngữ là SV tốt nghiệp đạt trình độ tiếng Anh tối thiểu 450 điểm hay 550 điểm TOEIC... Trong khi đó, chuẩn đầu ra, tỉ lệ SV sau tốt nghiệp có việc làm mới là những thông tin mà người học quan tâm nhất trong "3 công khai".
Quan trọng nhất là hậu kiểm
Chánh thanh tra của Bộ cho biết: Việc rà soát và lựa chọn một số trường để trực tiếp kiểm tra cho thấy mức độ, phương thức thực hiện công khai của các trường rất chênh lệch. Có những trường làm sơ sài, báo cáo chỉ vài ba trang và thiếu các thông tin liên quan đến những nội dung chính cần công khai là chất lượng đào tạo và tài chính.
Thực tế ấy cho thấy, các trường đã cố gắng hoàn thành yêu cầu "3 công khai" trước giờ G để được giao chỉ tiêu tuyển sinh. Trong các thông tin Bộ GD-ĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo công khai với xã hội, có nhiều điểm quá chi tiết, vừa gây khó khăn cho các đơn vị, vừa không có giá trị đối với người học, thậm chí "phản cảm". Ví dụ cụ thể là những số liệu từ công khai tài chính của các trường về lương của các nhà giáo… Bên cạnh đó, việc công khai đội ngũ giảng viên mới là những con số sơ sài, cho nên không thể chính xác bởi không hiếm giảng viên có tên ở nhiều trường ĐH.
Công khai được với xã hội là một sự cố gắng của ngành GD-ĐT cũng như của các trường ĐH. Tuy công khai đã khó nhưng khâu hậu kiểm để các trường thực hiện đúng cam kết như đã công khai mới là việc khó hơn nhiều. Mặc dầu, công khai là để người học và xã hội tham gia vào quá trình kiểm soát chất lượng sau công bố nhưng không thể thiếu vai trò của cơ quan quản lý nhà nước là Bộ GD-ĐT.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.