Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thực hành tiết kiệm, tăng thu, giảm chi

Việt Nga| 04/11/2015 07:09

(HNM) - Tại phiên thảo luận tại hội trường chiều 3-11 về ngân sách nhà nước (NSNN), đa số đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ trong điều hành kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, thực hiện thu NS vượt dự toán.


Xử lý tốt nợ đọng thuế vừa giúp tăng thu ngân sách, vừa giữ nghiêm kỷ cương pháp luật. Ảnh: Đàm Duy


Lãng phí trong sử dụng ngân sách

ĐB Đỗ Thị Hoàng (Đoàn Quảng Ninh) bày tỏ lo ngại về tình trạng thâm hụt NS, nợ công chạm trần; cơ cấu chi NS không hợp lý, chi thường xuyên chiếm tỷ trọng lớn, trên 70%... trong khi sản xuất kinh doanh vẫn gặp khó khăn, còn tổ chức bộ máy biên chế các đơn vị sự nghiệp, hành chính sự nghiệp lại rất lớn. Đó là một nguyên nhân dẫn đến bội chi NS. ĐB Đỗ Thị Hoàng phân tích, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức hưởng lương từ NS đông và có xu hướng càng thực hiện chính sách tinh giản biên chế lại càng... tăng. Cụ thể, tổng biên chế hành chính sự nghiệp năm 2014 tăng hơn 30% so với năm 2007.

Đồng quan điểm, một số ĐB phân tích các nguyên nhân bội chi NS bắt nguồn từ bộ máy, tổ chức. Cụ thể, cơ chế phân bổ NS chủ yếu dựa trên đầu mối số lượng biên chế, số bệnh viện, số giường bệnh, số trường học, lớp học mà không căn cứ vào nhiệm vụ, khả năng tự chủ, hiệu quả đầu ra… Điều đó đã tác động làm tăng biên chế. Thêm nữa, cơ chế tuyển dụng, sử dụng NS chưa thực sự công khai minh bạch, thiếu cơ chế giám sát dẫn đến không bảo đảm chất lượng, hiệu quả công việc. Chế độ tiền lương, tiền thưởng chủ yếu theo thâm niên công tác chứ không dựa trên mức độ cống hiến, khả năng sáng tạo, hiệu quả đóng góp. NS còn được chi khá nhiều cho việc tổ chức lễ hội, sự kiện và đi công tác nước ngoài. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng còn dàn trải, thiếu trọng tâm… gây lãng phí NS.

Khó khăn về NSNN không phải vấn đề mới. Việc tiết kiệm chi, chống lãng phí đã được QH đề cập và đưa vào các nghị quyết kinh tế - xã hội, trong các giải pháp của Chính phủ. Cử tri cũng rất quan tâm và bức xúc về tình trạng lãng phí. Tuy nhiên, theo phân tích của các ĐB, đến nay vẫn chưa có đánh giá cụ thể về sự lãng phí, về thực hành tiết kiệm "đến nơi, đến chốn". Do vậy, ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn TP Hồ Chí Minh) đề nghị QH cần phải đánh giá một cách đầy đủ, đồng thời dành một phiên họp chuyên đề để nghe Chính phủ báo cáo quá trình kiểm tra, đánh giá về vấn đề lãng phí, thực hành tiết kiệm trong thực tiễn, từ đó có những quyết sách. ĐB Nguyễn Thị Quyết Tâm dẫn chứng: "Mỗi kỳ họp, ĐB được phát 1 cuốn sổ ghi chép nhưng liệu có bao nhiêu người sử dụng hết cuốn sổ ghi chép này? Cho nên, QH nên thực hiện cơ chế ai có nhu cầu sẽ đăng ký nhận sổ, đó cũng là tiết kiệm. Mặt khác, QH đã trang bị máy tính, nhưng mỗi kỳ họp tài liệu giấy cũng rất nhiều…".

Thực hiện nghiêm kỷ cương tài chính

Trong phiên thảo luận chiều 3-11, bàn về nguồn thu, hầu hết ý kiến đều tán thành QH, Chính phủ có các giải pháp để nuôi dưỡng nguồn thu với các chính sách tạo điều kiện cho cộng đồng doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước có điều kiện phát triển. Song, bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề cập tới việc các DN, tổ chức, cá nhân trốn thuế gây thất thu thuế, hoặc không ít DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thực hiện chuyển giá gây thiệt hại cho NSNN. ĐB Đặng Ngọc Tùng (Đoàn Đồng Nai) kiến nghị QH, Chính phủ bổ sung các quy định chặt chẽ và có hình thức xử lý nghiêm minh để hạn chế nạn trốn thuế. ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Đoàn Thái Nguyên) đưa ra đề xuất để tăng nguồn thu NSNN chính là tích cực giải quyết vấn đề nợ đọng thuế. Cụ thể, trong số 76.000 tỷ đồng từ nợ đọng thuế, có tới 30.000 tỷ đồng là số nợ khả quan (có thể đòi được - PV), vì vậy, các ban, ngành chức năng sớm có những biện pháp để xử lý tốt nợ đọng - không chỉ tăng thu cho NS, mà còn góp phần giữ nghiêm kỷ cương phép nước. Có ý kiến ĐB đề xuất một trong những giải pháp tăng nguồn thu là đánh thuế với bất động sản…

Nhiều ĐB cũng bày tỏ quan điểm về việc tăng nguồn thu bằng việc bán bớt cổ phần nhà nước tại các DN để bù hụt thu với các luồng trái chiều. Trong khi một số ĐB ủng hộ cho rằng cần sớm thực hiện chủ trương này, thì cũng có ĐB chưa tán thành và coi việc sử dụng số tiền bán cổ phần nhà nước tại DNNN chẳng khác gì "ăn" vào vốn cố định!? Việc sử dụng tiền bán cổ phần cần được đầu tư có địa chỉ và không hòa vào NS, đặc biệt không phải để tiêu.

ĐB Trần Du Lịch, Trần Hoàng Ngân (Đoàn TP Hồ Chí Minh), Bùi Đức Thụ (Đoàn Lai Châu), Trần Văn (Đoàn Cà Mau) kiến nghị QH, để giảm tỷ trọng chi thường xuyên trong cơ cấu chi, nên giữ tổng chi thường xuyên các năm sau không cao hơn mức chi 2015. Theo ĐB Trần Du Lịch, tổng chi thường xuyên nên tách ra 3 nhóm: Nhóm chi cho bộ máy hành chính công với chi các tổ chức chính trị trong hệ thống - các năm sau sẽ không cao hơn năm 2015. Nhóm thứ hai là các loại chi lễ nghĩa, khánh tiết - thực hiện cắt giảm tất cả những gì cần giảm. Nhóm thứ ba là chi tiêu dùng (xây trụ sở, mua sắm phương tiện) và đây là chỗ dễ "vung tay" dẫn đến thâm hụt NS, cần phải thắt chặt. Nhiều ĐB đề nghị tăng cường kỷ cương đầu tư, kỷ luật tài chính, đồng thời QH cần có giám sát chặt chẽ việc sử dụng, hiệu quả sử dụng vốn, nhất là vốn vay.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thực hành tiết kiệm, tăng thu, giảm chi

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.