Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Cần ''cộng hưởng'' chính sách

Hà Linh| 01/06/2023 06:22

(HNM) - Thời gian qua, động thái giảm lãi suất điều hành từ Ngân hàng Nhà nước được coi là động lực để các ngân hàng thương mại tiếp tục giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp. Tuy nhiên, để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, việc giảm lãi suất cần cộng hưởng với các chính sách khác.

Tư vấn lãi suất cho khách hàng tại Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong. Ảnh: Nguyễn Quang

Chủ động, thích ứng nhanh

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà cho biết, những tháng đầu năm, ngành Ngân hàng đã chủ động, linh hoạt, thích ứng nhanh với tình hình trong điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng. Đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Đến nay, về cơ bản, mặt bằng lãi suất đã ổn định, lãi suất phát sinh mới có xu hướng giảm dần trong đầu năm 2023, trong đó, lãi suất tiền gửi bình quân khoảng 6,1%/năm (giảm 0,37%/năm so với cuối năm 2022); lãi suất cho vay bình quân VND khoảng 9,07%/năm (giảm 0,9%/năm).

Về phía các ngân hàng thương mại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Á Châu (ACB) Hồ Tấn Tài cho rằng, không ngân hàng nào muốn cho vay lãi suất cao, song việc giảm lãi suất còn tùy thuộc vốn đầu vào, mặt bằng chung và diễn biến thị trường thế giới. Mặc dù vậy, về xu hướng, lãi suất cho vay thời gian tới sẽ giảm thêm.

Còn theo các chuyên gia, dù tín dụng tăng chậm, nhưng lãi vay khó giảm nhanh vì kinh tế Việt Nam phụ thuộc chủ yếu vào nguồn vốn tín dụng ngân hàng (tỷ lệ tín dụng/Tổng sản phẩm trong nước cuối năm 2022 ở mức 125,34%), trong khi nhu cầu vốn để phát triển kinh tế luôn ở mức cao, tạo áp lực lên lãi suất cho vay.

Ngân hàng Nhà nước cho biết, hệ số sử dụng vốn trên thị trường 1 (tỷ lệ tín dụng/huy động vốn thị trường 1) bằng VND ở mức rất cao 101,45%. Hệ thống ngân hàng chủ yếu huy động vốn ngắn hạn (khoảng 88% tiền gửi là kỳ hạn 12 tháng trở xuống) nhưng vẫn phải đáp ứng các nhu cầu cho vay trung, dài hạn (trên 52% dư nợ tín dụng VND của hệ thống) nên đã tạo sức ép lên lãi suất huy động. Chưa kể, mặt bằng lãi suất thế giới gia tăng trong năm 2022 và vẫn ở mức cao trong các tháng đầu năm 2023. Hệ thống ngân hàng vẫn đang trong quá trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu, một số ngân hàng thương mại quy mô nhỏ duy trì lãi suất tiền gửi ở mức cao để giữ khách hàng. Bởi vậy, để chính sách giảm lãi suất thực sự phát huy hiệu quả cần có sự hỗ trợ bởi nhiều chính sách khác.

Ngân hàng Nhà nước sẽ đáp ứng nhu cầu vốn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân phát triển sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Sản xuất cửa tại Công ty Eurowindow (Khu công nghiệp Quang Minh, huyện Mê Linh). Ảnh: Đỗ Tâm

Cần sự cộng hưởng

Nhiều ý kiến cho rằng, việc cơ quan điều hành giảm lãi suất chỉ là điều kiện cần, không phải điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam. Sản xuất và tiêu dùng là hai lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế đều đối mặt với sự suy giảm, khó khăn. Vì vậy, giảm lãi suất có thể không có nhiều tác động nếu không có sự tăng trưởng nhu cầu sản xuất và tiêu dùng.

Việt Nam có thể phải đợi sự hồi phục nhu cầu tiêu dùng của các đối tác thương mại lớn trên thế giới như Mỹ, châu Âu... Khi sản xuất hồi phục, nhu cầu tiêu dùng nội địa của Việt Nam cũng phục hồi. Đó là điều kiện đủ để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam trong năm 2023. Động lực tăng trưởng của nền kinh tế không chỉ là chính sách lãi suất, mà còn nằm ở những chính sách khác như đầu tư công trong năm 2023.

Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) Nguyễn Đình Tùng nhận định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng đang tốt. Thị trường ngoại hối, tỷ giá cũng ổn định. Tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với những năm trước do doanh nghiệp đang gặp khó khăn, kinh tế tăng trưởng yếu. Vì vậy, động thái giảm lãi suất điều hành của Ngân hàng Nhà nước chỉ là yếu tố cần, không phải là yếu tố then chốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Ở góc độ chính sách, có thể hỗ trợ sự phục hồi nền kinh tế qua thúc đẩy đầu tư công, sớm gỡ vướng pháp lý cho các dự án bất động sản, để khai thông thị trường quan trọng này hay kích cầu tiêu dùng, tăng nhu cầu nội địa.

Tiến sĩ Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính - Đại học Kinh tế thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, cầu của nền kinh tế đang yếu, doanh nghiệp không thấy cơ hội kinh doanh, dù giảm lãi suất doanh nghiệp cũng không vay. Cho nên kích cầu tiêu dùng mới là yếu tố quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mà để kích cầu hiệu quả chắc chắn phải đến từ khu vực công bởi khu vực tư nhân đã suy giảm mạnh.

Về phía cơ quan điều hành, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà khẳng định, định hướng tăng trưởng tín dụng năm 2023 khoảng 14-15%. Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều hành tăng trưởng khối lượng và cơ cấu tín dụng hợp lý, đáp ứng nhu cầu vốn, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Các tổ chức tín dụng hướng dòng vốn vào các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng kinh tế theo chủ trương của Chính phủ; bảo đảm hoạt động tín dụng an toàn, hiệu quả tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp và người dân.

Việc giảm lãi suất cũng cần tính toán cẩn trọng, phù hợp với tình hình trong nước và quốc tế, nhất là với tình hình lạm phát. Vấn đề ở đây là khả năng hấp thụ vốn, là môi trường kinh doanh, doanh nghiệp phải thấy cơ hội kinh doanh thực sự hiệu quả mới vay thêm vốn. Để hạn chế áp lực rủi ro giảm giá, doanh nghiệp nên sử dụng sản phẩm phái sinh hàng hóa, cơ cấu lại tài sản, giảm lợi nhuận một chút... Ngân hàng và doanh nghiệp cần quản lý tốt dòng tiền, không để rơi vào tình trạng mất thanh khoản.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy tăng trưởng kinh tế: Cần ''cộng hưởng'' chính sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.