(HNM) - Nhận lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng, Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg thăm chính thức Việt Nam từ ngày 16 đến 18-4. Tại cuộc hội đàm giữa hai Thủ tướng sau lễ đón chính thức sáng 17-4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam luôn coi trọng tăng cường
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Thủ tướng Vương quốc Na Uy Erna Solberg. Ảnh: Đức Tám - TTXVN |
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg bày tỏ vui mừng lần đầu tiên đến thăm Việt Nam; chân thành cảm ơn Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và nhân dân Việt Nam đã dành cho đoàn sự đón tiếp nồng hậu; chúc mừng những thành tựu mà Việt Nam đạt được trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Thủ tướng Erna Solberg khẳng định Chính phủ Na Uy mong muốn thúc đẩy quan hệ hợp tác với Việt Nam, nước có vai trò và vị thế ngày càng quan trọng ở khu vực. Hai Thủ tướng cho rằng hai nước còn nhiều tiềm năng và thế mạnh có thể bổ sung lẫn nhau để mở rộng hợp tác hiệu quả và cùng có lợi; nhất trí tăng cường trao đổi đoàn các cấp; tiếp tục triển khai các cơ chế đối thoại về chính trị sẵn có; tăng cường hợp tác an ninh - quốc phòng; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tăng cường tiếp xúc, tìm hiểu thị trường, kết nối hợp tác, đặc biệt trong các lĩnh vực ưu tiên như kinh tế biển, thủy sản, năng lượng, công nghệ thông tin, tăng trưởng xanh... Hai bên nhất trí thúc đẩy hoàn tất đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam với Khối mậu dịch tự do Châu Âu (EFTA) trong năm 2015, tạo khuôn khổ thuận lợi mở rộng hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cảm ơn Chính phủ Na Uy đã cung cấp nguồn ODA thiết thực cho Việt Nam trong nhiều năm qua, tập trung vào các lĩnh vực như môi trường, giáo dục, bình đẳng giới, y tế, rà phá bom mìn, đặc biệt, Na Uy là nhà tài trợ quan trọng cho chương trình của Liên hợp quốc về giảm phát thải từ phá rừng và suy thoái rừng (UN-REDD), góp phần hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Hai bên nhất trí tăng cường liên kết đào tạo giữa các trường đại học và trung tâm nghiên cứu hai nước, nhất là trong các lĩnh vực như khoa học - công nghệ, dầu khí, năng lượng, thủy sản, quản lý nông nghiệp, quản lý môi trường và tài nguyên thiên nhiên, đồng thời thúc đẩy các hoạt động giao lưu văn hóa, thể thao, du lịch nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, hướng tới kỷ niệm 45 năm ngày Thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Na Uy vào năm 2016. Hai Thủ tướng đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy, cho rằng đây là cầu nối quan trọng góp phần tăng cường tình hữu nghị và hợp tác giữa hai nước.
*Chiều 17-4, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã tiếp Thủ tướng Vương quốc Na Uy, bà Erna Solberg thăm chính thức Việt Nam theo lời mời của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang hoan nghênh Thủ tướng Erna Solberg sang thăm Việt Nam trong bối cảnh quan hệ Việt Nam-Na Uy đang phát triển tốt đẹp, đặc biệt trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển, giáo dục; tin tưởng chuyến thăm sẽ góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa hai nước phát triển lên tầm cao mới. Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đề nghị hai Chính phủ tiếp tục tăng cường các cơ chế đối thoại, tham vấn chính trị - ngoại giao, cũng như hợp tác tại các diễn đàn đa phương; khuyến khích và tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước tăng cường kết nối hợp tác; tích cực thúc đẩy hoàn tất đàm phán, ký kết EFTA tạo khuôn khổ thuận lợi đẩy mạnh hợp tác thương mại, đầu tư giữa hai bên và hai khu vực trong thời gian tới. Chủ tịch nước nhấn mạnh, bên cạnh hợp tác kinh tế, hai bên cần chú trọng tăng cường hợp tác giáo dục - đào tạo, văn hóa, nhằm tăng cường tình hữu nghị và sự hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Thủ tướng Erna Solberg đánh giá cao việc Việt Nam đã đạt được trước thời hạn nhiều Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ của LHQ; khẳng định trên cương vị Đồng Chủ tịch Nhóm tư vấn của Tổng Thư ký LHQ về các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ, Thủ tướng Na Uy sẽ tiếp tục ủng hộ Việt Nam trong quá trình hoàn tất thực hiện các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ và xây dựng các Mục tiêu Phát triển bền vững của LHQ.
*Chiều 17-4, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp thân mật Thủ tướng Na Uy, bà Erna Solberg nhân dịp sang thăm chính thức Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng và mong muốn tăng cường quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt với Na Uy, cũng như các nước trong khu vực Châu Âu.
Thủ tướng Na Uy Erna Solberg đánh giá cao vai trò của cộng đồng người Việt Nam tại Na Uy, đóng góp vào sự phát triển của Na Uy, cũng như xây dựng cầu nối hữu nghị giữa nhân dân hai nước. Đánh giá cao vị trí, vai trò của Quốc hội, Thủ tướng Erna Solberg đề nghị Quốc hội hai nước tăng cường hợp tác để thúc đẩy các dự án, chương trình hợp tác giữa hai Chính phủ, nhất là trong các lĩnh vực liên quan đến kinh tế biển và năng lượng. Với thế mạnh về vận tải biển, thủy sản, nghề cá, đóng tàu, Na Uy sẵn sàng hợp tác với Việt Nam, đem lại lợi ích cho mỗi bên.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng và Thủ tướng Na Uy cùng nhất trí hợp tác chặt chẽ để thực hiện thành công các Mục tiêu Phát triển bền vững. Hai bên sẽ sớm thành lập Nhóm nghị sĩ hữu nghị, tăng cường trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ kinh nghiệm lập pháp, giám sát thực thi pháp luật; tăng cường hợp tác, giám sát để bảo đảm cho cam kết của hai chính phủ đạt hiệu quả vì lợi ích của nhân dân mỗi nước.
Trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Erna Solberg đã tới đặt vòng hoa tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ; Đặt vòng hoa và viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; tham dự và phát biểu tại Hội thảo về các Mục tiêu Thiên niên kỷ và Phát triển bền vững do Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chủ trì.
Giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình, phù hợp luật pháp quốc tế Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Thủ tướng Erna Solberg đã trao đổi về một số vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. Về vấn đề Biển Đông, hai Thủ tướng chia sẻ quan ngại về những diễn biến gần đây, nhấn mạnh sự cần thiết phải giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên hợp quốc và đặc biệt là Công ước LHQ về Luật Biển năm 1982 cũng như việc các bên liên quan cần sớm thỏa thuận Bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) có tính chất ràng buộc, coi đây là phương thức hữu hiệu để bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không và giao thương tại Biển Đông. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.