(HNM) - Là sự kiện thường niên do Nikkei - tập đoàn truyền thông lớn của Nhật Bản - tổ chức, Hội nghị Tương lai Châu Á vừa diễn ra tại thủ đô Tokyo (Nhật Bản) đã thu hút sự chú ý của dư luận thế giới khi bàn tới một trong những vấn đề đáng quan tâm nhất hiện nay
Các đại biểu tham dự Hội nghị Tương lai Châu Á. |
Làn sóng dân túy, phản đối liên kết khu vực thể hiện rõ qua việc Anh tách khỏi Liên minh Châu Âu (EU) và Tổng thống Mỹ Donald Trump “khai tử” Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể sẽ đưa Châu Á đứng trước nhiều thách thức mới. Tuy nhiên, những cam kết về việc tiếp tục các nỗ lực thúc đẩy tự do thương mại và hợp tác kinh tế được lãnh đạo 14 quốc gia Châu Á và hơn 500 đại biểu đại diện các tổ chức quốc tế, giới học giả, doanh nghiệp... đã khẳng định quyết tâm đang theo đuổi của khu vực.
Ngay trong phiên khai mạc, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu nhấn mạnh, toàn cầu hóa không chỉ là một tiến trình kinh tế mà còn phản ánh những khát vọng vươn xa, những mưu cầu hạnh phúc và chinh phục thử thách của nhân loại. Đây là xu thế tất yếu và không thể đảo ngược.
Ủng hộ quan điểm này, cựu Thủ tướng Singapore Goh Chok Tong đã cảnh báo sự sai lầm trong quan điểm cho rằng sự hội nhập kinh tế tại phương Tây không phải là mối quan tâm của Châu Á. Ngược lại, ông nhấn mạnh Châu Á hiện là châu lục có sự phát triển năng động nhất thế giới phải gánh vác vai trò thực hiện thương mại tự do, bình đẳng, gặt hái các thành quả của toàn cầu hóa mang lại và định hình một chương trình toàn cầu mới.
Là châu lục lớn nhất thế giới về diện tích và dân số cùng sự đa dạng về tôn giáo, văn hóa, sắc tộc, những năm gần đây, Châu Á được đánh giá là một động lực tăng trưởng chủ chốt của thế giới. Do vậy, các yếu tố ảnh hưởng lớn tới tương lai của Châu Á như quan hệ giữa các nước lớn và thay đổi trật tự thế giới, sự phát triển của ASEAN, Trung Quốc và khu vực Nam Á, tình hình an ninh của Châu Á được thảo luận tại hội nghị là cần thiết nhằm duy trì hòa bình, ổn định và bảo đảm phát triển bền vững tại mỗi quốc gia và cả châu lục.
Hiện nay, hòa bình và an ninh là điều kiện tiên quyết cho sự phát triển kinh tế - xã hội. Do đó, mục tiêu quan trọng nhất mà hội nghị hướng tới là tăng cường nỗ lực bảo đảm trật tự quốc tế và ổn định của châu lục thông qua việc giải quyết mọi vấn đề bằng giải pháp xây dựng lòng tin, tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau.
Báo cáo Triển vọng phát triển Châu Á năm 2017 vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) công bố cho thấy, giai đoạn 2017 - 2018, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Châu Á tăng 5,7%; 30/45 nền kinh tế đang phát triển ở châu lục này được dự báo tăng trưởng tích cực. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, Châu Á hoàn toàn có thể đảm đương sứ mệnh là động lực cho tự do thương mại toàn cầu.
Tại hội nghị, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cho rằng Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) với sự tham gia của Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc, Australia, New Zealand và 10 nước thành viên ASEAN là giải pháp nhằm tăng cường sự hợp tác và bổ sung lẫn nhau của các nền kinh tế trong khu vực.
Vì vậy, với những cam kết chính trị và sự đồng thuận mạnh mẽ tại hội nghị vừa qua, người dân châu lục có niềm tin rằng những cơ hội phát triển sẽ được tận dụng để “Châu Á phải là một nơi mà ở đó chúng ta sẽ được lắng nghe về giấc mơ của mọi quốc gia, của nước lớn cũng như nước nhỏ, nước phát triển cũng như chưa phát triển. Tất cả đều được đối xử trên nguyên tắc tự do, bình đẳng không phân biệt tôn giáo, tín ngưỡng, màu da, sắc tộc hay giới tính. Tất cả cùng hợp tác, đóng góp vì hòa bình và thịnh vượng cho mọi quốc gia, mọi người dân Châu Á” theo như phát biểu đầy ấn tượng của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.