Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thúc đẩy cơ chế chống khủng bố mới

Quỳnh Dương| 06/04/2018 06:31

(HNM) - Trong 2 ngày (4 và 5-4), Hội nghị An ninh quốc tế Mátxcơva lần thứ 7 đã diễn ra tại Nga với sự tham dự của 850 đại biểu từ 95 quốc gia trên thế giới.

Mục đích của diễn đàn thường niên được Bộ Quốc phòng Nga tổ chức từ năm 2012 là củng cố sự hợp tác của các cơ quan quốc phòng các nước, tìm kiếm giải pháp chung chống lại những thách thức và đe dọa mới. Diễn ra trong bối cảnh cuộc nội chiến tại Syria vẫn còn nhiều vấn đề phức tạp, chương trình nghị sự chính của hội nghị chủ yếu xoay quanh các biện pháp khôi phục hậu xung đột và thiết lập cuộc sống hòa bình ở quốc gia Trung Đông này.

Tính đến thời điểm hiện tại, sau 7 năm Syria rơi vào cảnh “nồi da nấu thịt”, đã có hơn 500.000 người thiệt mạng, hàng triệu người mất nhà cửa. Một báo cáo của Ngân hàng Thế giới (WB) công bố gần đây nhất cho thấy, xung đột tại Syria đã gây thiệt hại ước tính lên đến 226 tỷ USD, gấp 4 lần tổng sản phẩm quốc nội (GDP) nước này trong năm 2010 - thời điểm chưa xảy ra nội chiến. Ngay cả khi Nga tuyên bố tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) đã bị đánh bại tại Syria, giao tranh giữa quân đội chính phủ và các lực lượng đối lập vẫn diễn ra ác liệt ở một số khu vực.

Toàn cảnh hội nghị.


Có nhiều nguyên nhân khiến cho xung đột ở quốc gia Trung Đông khó tìm được hồi kết. Thứ nhất, dù địa bàn hoạt động của phe đối lập đã bị thu hẹp, song vẫn được Mỹ và đồng minh hậu thuẫn nên quân đội Chính phủ Syria chưa thể giành quyền kiểm soát hoàn toàn lãnh thổ. Thứ hai, IS vẫn tổ chức tấn công ở nhiều khu vực với mục đích quay trở lại Syria sau khi bị Nga đánh bật khỏi nhiều căn cứ và dồn về một dải đất nhỏ ở biên giới phía Đông nước này. Việc người Kurd hiện diện ở khu vực phía Bắc Syria cũng khiến tình hình trở nên phức tạp, khi Tổng thống B.Al-Assad không chấp nhận sự kiểm soát của lực lượng này về lâu dài cho dù lực lượng dân quân người Kurd là một thành phần tích cực trong việc đẩy lùi IS ra khỏi Syria.

Với chủ đề “Triển vọng giải quyết tình hình ở cận Đông sau khi tiêu diệt khủng bố IS ở Syria”, các nhà lãnh đạo Nga hy vọng, hội nghị sẽ tìm ra được một giải pháp phi quân sự cho cuộc xung đột kéo dài ở quốc gia này. Điều này góp phần mang lại hòa bình cho Syria nói riêng và Trung Đông nói chung và qua đó, truy quét các nhóm khủng bố, vốn lợi dụng tình hình bất ổn tại khu vực để mở rộng địa bàn hoạt động. Theo nhiều nhà phân tích, Syria là ví dụ điển hình nhất cho thấy lâu nay khủng bố vẫn có đất sống bởi sự bất ổn tại nhiều khu vực. Trước đó, các cuộc xung đột tại Afghanistan, Chechnya, Iraq, Libya, Somalia và Yemen cũng tạo cơ hội để những phần tử cực đoan hình thành nên các nhóm khủng bố mới hoặc giúp những nhóm khủng bố đang tồn tại mạnh hơn.

Trong khi đó, một số nhận định gần đây cho rằng, dẫu rằng IS đang yếu hơn về mặt quân sự, nhưng sức mạnh lôi kéo và gây ảnh hưởng của chúng vẫn còn rất lớn. Sự biến động, lan rộng của hệ tư tưởng cực đoan không thể xóa bỏ bằng các biện pháp quân sự như đang tiến hành ở Iraq và Syria. Hiện tại, IS thay đổi chiến lược bằng những lời kêu gọi tăng cường các cuộc tấn công khủng bố ở Châu Âu. Điều này được thực hiện thông qua việc sử dụng internet, các mạng xã hội và ngày càng nhiều các ứng dụng mã hóa.

Trong bối cảnh như vậy, hội nghị là cơ hội để cộng đồng quốc tế tiếp tục có những khuôn khổ hợp tác đa phương mới, cho phép củng cố những thành công đạt được trong cuộc chiến chống khủng bố và ngăn chặn các mối đe dọa lan rộng. Ngoài ra, với các phiên thảo luận toàn thể tập trung vào các vấn đề an ninh ở Châu Âu, Châu Á, Châu Phi và Mỹ Latinh, hội nghị cũng đang dần trở thành một cơ chế hiệu quả nhằm bảo đảm an ninh ở nhiều khu vực và đóng góp vào hòa bình thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thúc đẩy cơ chế chống khủng bố mới

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.