(HNM) - Ngày Dân số thế giới (11-7) năm nay có chủ đề “Đẩy lùi Covid-19: Cách thức bảo vệ quyền và sức khỏe của phụ nữ, trẻ em gái trong bối cảnh hiện tại”. Trong bối cảnh đã cơ bản khống chế được dịch Covid-19, Việt Nam càng có cơ hội nâng cao nhận thức của xã hội về quyền, sức khỏe sinh sản của phụ nữ cũng như tính dễ bị tổn thương của phụ nữ, trẻ em gái trong dịch bệnh. Qua đó, thúc đẩy bình đẳng giới, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Mất cân bằng giới tính vẫn ở mức báo động
Theo Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh, trong bối cảnh cả thế giới đang phải đối phó với đại dịch Covid-19, ở Việt Nam nói chung và Hà Nội nói riêng, phụ nữ và trẻ em gái luôn được quan tâm đặc biệt. Trong 6 tháng đầu năm 2020, các quận, huyện, thị xã của Hà Nội vẫn duy trì chiến dịch truyền thông lồng ghép dịch vụ kế hoạch hóa gia đình và nâng cao chất lượng dân số cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Đồng thời duy trì và phát triển mô hình chăm sóc sức khỏe vị thành niên, thanh niên...
Dù vậy, công tác dân số của Thủ đô vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Theo quy luật tự nhiên, trung bình cứ 100 bé gái được sinh ra, thì tương ứng khoảng 104-106 bé trai được sinh ra. Tuy nhiên, trên thực tế, theo Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội, tỷ số giới tính khi sinh của Hà Nội trong 6 tháng đầu năm 2020 là 113,2 bé trai/100 bé gái. Ở một số huyện, như: Sóc Sơn, Phúc Thọ, Đan Phượng..., sự mất cân bằng giới tính khi sinh còn cao hơn. “Nhận thức và tâm lý muốn có nhiều con và thích có con trai đang là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh”, ông Hoàng Đức Hạnh thông tin.
Còn theo Phó Tổng Cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Ngọc Lan, bất bình đẳng giới và tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta có mối quan hệ qua lại. Bất bình đẳng giới là nguyên nhân làm gia tăng tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh. Ngược lại, mất cân bằng giới tính làm sâu sắc thêm vấn đề bất bình đẳng giới.
Ở nhiều địa phương vẫn phổ biến phong tục chỉ con trai được thừa kế tài sản của cha mẹ, vị thế của người phụ nữ không được coi trọng... “Những điều đó đã ăn sâu vào tiềm thức của mỗi cá nhân, các cặp vợ chồng, gia đình và dòng họ. Văn hóa - xã hội phát triển và ngày càng đa dạng, phong phú, phong tục cũ không còn phù hợp với xã hội hiện đại, tư tưởng bất bình đẳng giới cần được xóa bỏ”, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan nhấn mạnh.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), nếu số bé trai sinh ra quá ngưỡng 105, sẽ gây ra các hệ lụy xã hội về lâu dài. Định kiến giới, tư tưởng “trọng nam, khinh nữ” là nguyên nhân cơ bản dẫn đến mất cân bằng giới tính khi sinh. Đặc biệt, do việc phát triển công nghệ siêu âm xác định giới tính thai nhi, khiến tình trạng mất cân bằng giới tính càng tăng. Nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời, dự báo đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3 đến 4,3 triệu nam giới không lấy được vợ, ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng dân số trong tương lai, gây ra những bất ổn đến đời sống kinh tế - xã hội…
Vận động nam giới tham gia bình đẳng giới
Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và Các vấn đề xã hội, Trường Đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội cho rằng, để thay đổi tư tưởng “trọng nam khinh nữ”, cần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội; cải thiện an sinh xã hội cho người cao tuổi, để họ bớt phụ thuộc vào con cái. Mặt khác, phải khẳng định giá trị của một người nằm ở sự cống hiến của người đó cho gia đình và xã hội, chứ không phụ thuộc vào giới tính. Đồng thời, tăng cường khung pháp lý, xử lý hình sự với một số hành vi vi phạm, như việc lựa chọn giới tính khi sinh.
Còn theo Chi cục trưởng Chi cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình Hà Nội Tạ Quang Huy, bên cạnh việc tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm các quy định về nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, vấn đề quan trọng là phải tăng cường công tác bình đẳng giới và nâng cao vị thế của phụ nữ, trẻ em gái. Để làm được điều này cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục, vận động thay đổi nhận thức của người dân, phát huy hơn nữa vai trò của phụ nữ trong xã hội, nhất là việc vận động nam giới tham gia bình đẳng giới.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Hoàng Đức Hạnh cho biết, năm 2020, Hà Nội phấn đấu duy trì tỷ số giới tính khi sinh đạt 113 bé trai/100 bé gái. Thành phố tiếp tục kiện toàn và nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ dân số từ thành phố đến cơ sở, tập trung giám sát các hoạt động triển khai kế hoạch giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh tại vùng ngoại thành. Mặt khác, thành phố tăng cường giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách về dân số phù hợp với từng nhóm đối tượng, đồng thời phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ dân số, kế hoạch hóa gia đình, đáp ứng nhu cầu của người dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.