(HNNN) - Ý nghĩa tư tưởng của Kinh Dịch phản ánh sâu đậm bản chất tư duy của thời đại và điều kiện lịch sử qua từng thời kỳ xã hội. Các học giả phương Tây gọi Kinh Dịch là Book of changes (cuốn sách của sự biến đổi).
II. Kinh Dịch và Bát quái
Không ai tìm hiểu triết học Đông phương cổ mà bỏ qua được cuốn Kinh Dịch. Tuy thực sự là một cuốn sách lạ trong lịch sử, nhưng Kinh Dịch không giống bất kỳ cuốn sách nào khác, bởi gốc gác của nó vốn là một nét gạch ngang, xoay xỏa thành bộ sách, mà hầu hết nội dung, chi tiết trong đó đều có hệ thống luật lệ nhất định và phản ánh một cách bao quát nhất hầu hết mọi lĩnh vực của vũ trụ, nhân sinh. Tư tưởng của Dịch học đã trở thành cơ sở triết lý cho hầu hết các trường phái triết học Đông phương khác, được Nho gia xếp vào một trong những cuốn kinh điển hàng đầu trong Tứ thư, Ngũ kinh và nó xứng đáng là Thiên cổ kỳ thư của triết học.
Chữ Chu có thể hiểu là vòng tròn, rộng khắp (có người còn cho rằng nó có từ đời Chu); chữ Dịch có thể hiểu là nhật, nguyệt thay đổi, tượng con thằn lằn khi di chuyển hay nghĩa giản dị là biến đổi (cũng có người cho rằng, đó là một chức quan bói toán). Tất cả những giải thích kể trên đều đúng và cùng nhắm đến ý nghĩa chung nhất là sự biến hóa. Lúc đầu Chu Dịch chỉ là tập hợp những ngôn từ bói toán về thời thế, vận mạng, sau đó thêm vào chú thích, giải thích có tính chất hệ thống toàn thể và dần dần phát triển thành thể chế triết học, rồi nó trở thành bộ sách triết học của hai phái Khổng - Lão. Thực chất, Chu Dịch là công trình sáng tạo của các bậc kỳ nhân, hợp lại từ hai bộ sách Dịch của Văn Vương và Dịch truyện (còn gọi là Thập Dực). Vì thế, nó là sản phẩm của Phục Hy - Văn Vương - Chu Công - Khổng Tử viết ra. Phần Dịch của Phục Hy gọi là Hy Dịch được làm ra từ hai học thuyết Âm dương và Tam tài khởi phát từ Lưỡng nghi - Tứ tượng - Bát quái đến Lục thập tứ (64) quái, chỉ có hình chấm gạch mà không có lời. Sau đó Văn Vương, Chu Công cùng đem Hy Dịch ứng dụng vào triết học thành sách có 64 lời quẻ và 384 lời hào. Phái triết Khổng - Lão lấy tinh hoa học thuật của mình chỉnh lại sách, rồi biên tập thêm Thập Dực cùng các lời giải thích cho quẻ và hào. Thập Dực chính là do các học trò đời sau của Khổng Tử và Lão Tử làm ra để tránh họa diệt vong thời Tần Thủy Hoàng (ra lệnh đốt sách, trảm nho gia, nhưng coi Kinh Dịch là sách bói toán nên không đốt). Cho đến nay, qua 3.000 năm tồn tại, đã có khoảng hơn 3000 tác phẩm Kinh Dịch ra đời trên khắp thế giới, mỗi tác phẩm đều được đưa thêm lý luận, quan điểm riêng của tác giả biên soạn, nhưng phần Dịch Kinh thì đều giữ nguyên.
Dịch được xây dựng từ hai học thuyết Âm dương ký hiệu vạch đứt - - là âm, vạch liền - là dương. Tam tài là Trời, Đất và vạn vật. Hy Dịch có 64 hình tượng gọi là quẻ, mỗi quẻ có 6 vạch gọi là sáu hào, đều có tên gọi và có ý nghĩa riêng như: Trời, đất, quan sát, vui vẻ, tiến lên? Bắt nguồn từ việc quan sát vũ trụ, thấy hiện tượng sáng - tối, ngày - đêm, nóng - lạnh tuần tự diễn đi diễn lại theo chu kỳ nhất định và hợp lại thành cặp phạm trù đối nhau, nên ghi lại bằng ký hiệu ước định âm là vạch đứt, dương là vạch liền, từ đó suy ra vạn vật, vạn việc trong thiên hạ chỉ từ nhất âm nhất dương mà thành: Trời đất hợp lại sinh ra vạn vật, đàn ông đàn bà hợp lại sinh ra con cháu, đực cái giao nhau sinh sôi nảy nở… Trên cơ sở nhận thức ấy, quá trình hình thành vũ trụ được khởi phát từ khí âm dương, gọi là Lưỡng nghi. Nếu cho lưỡng nghi giao nhau thì lần lượt âm chồng lên âm thành Thái âm; dương chồng lên dương thành Thái dương; âm chồng lên dương thành Thiếu âm; dương chồng lên âm thành Thiếu dương. Thái dương, Thái âm, Thiếu dương, Thiếu âm gọi là Tứ tượng chỉ bốn loại khí chất, vật thể hỗn độn. Tiếp theo, người ta cho âm dương giao với Tứ tượng (cũng như ngày đêm và bốn mùa giao hóa): Âm chồng lên Thái âm thành Khôn; dương chồng lên Thái âm thành Cấn; âm chồng lên Thiếu dương thành Khảm; dương chồng lên Thiếu dương thành Tốn; âm chồng lên Thiếu âm thành Chấn; âm chồng lên Thiếu âm thành Ly; âm chồng lên Thái dương thành Đoài; dương chồng lên Thái dương thành Càn. Và Càn, Đoài, Ly, Chấn, Tốn, Khảm, Cấn, Khôn gọi là Bát quái, tức là khi sự vật đã hình thành ở thời kỳ thứ ba gồm trời, nước, lửa, sấm, gió, núi, đất, hồ, ao tạo điều kiện sinh tồn cho vạn vật. Và tiếp tục lấy Bát quái chồng lên nhau lần lượt theo thứ tự sẽ thành 64 quẻ dịch (Lục thập tứ), mỗi quẻ có 6 vạch (tức là 6 hào). Hai hào trên cùng tượng cho trời, hai hào dưới tượng cho đất, hai hào giữa tượng cho vạn vật.
Mỗi quái đều có tượng quái, biểu thị cho sự vật trong tự nhiên hoặc xã hội, mà quái tượng ấy tiêu biểu do có sự trùng hợp về tính chất hoặc ý nghĩa, ví như tượng Càn là trời, vua, cha, lãnh tụ, thánh nhân, rồng… Khôn là đất, hoàng hậu, mẹ, vợ, gia đình, bạn hữu, thói quen, ham muốn. Chấn là sấm, con trưởng, tổ tông, hành quân, rừng cây… Tốn là gió, sương, con gái đầu, hoa quả, dây thừng… Khảm là nước, mặt trăng, sông suối, kẻ cướp… Ly là lửa, mặt trời, nhà cửa, bếp lò, trung nữ, chim muông, chiến tranh… Cấn là núi đá, tông miếu, thành trì… Đoài là ao hồ, thiếu nữ, thầy bói, thuyết giảng… Các quái còn có quái đức, tức là tính chất cơ bản của bát quái, ví dụ Càn tượng trưng cho trời, sự vận chuyển không ngừng, tính chất dương cương kiện; Khôn tương trưng cho đất âm nhu thuận mềm mỏng, sinh sôi; Chấn là kinh động, hoạt động; Tốn là gió, chỗ nào cũng len lỏi vào được; Khảm là nước chảy chỗ trũng, hiểm trở; Cấn là núi đứng yên ngưng trệ; Đoài là đầm hồ, sự vui vẻ.
Lần lượt chồng 8 quẻ đơn lên nhau, sẽ được 64 quẻ kép mang tên khác nhau, đó là: Càn; Khôn; Truân; Mông; Nhu; Tụng; Sư; Tỷ; Tiểu súc; Lý; Thái; Bĩ; Đồng nhân; Đại hữu; Khiêm; Dự; Tùy; Cổ; Lâm; Quan; Phệ hạp; Bí; Bác; Phục; Vô võng; Đại súc; Lôi di; Đại quá; Khảm; Ly; Hàm; Hằng; Độn; Đại tráng; Tấn; Minh di; Gia nhân; Khuể; Kiển; Giải; Tổn; Ích; Quải; Cấu; Tụy; Thăng; Khốn; Tỉnh; Cách; Đỉnh; Chấn; Cấn; Tiệm; Quy muội; Phong; Lữ; Tốn; Đoài; Hoán; Tiết; Trung phu; Tiểu quá; Ký tế; Vị tế. Từ những quẻ gốc này, các nhà dịch học còn trình bày các mô hình biến đổi theo thứ tự âm dương và tất cả các quẻ cũng có quái đức. Tiếp tục phân tích cấu trúc các quẻ, đều có 6 vạch hoặc âm hoặc dương gọi là sáu hào. Các hào này được quy định theo thứ tự 1, 2, 3, 4, 5, 6 từ dưới lên trên, phân biệt vị trí như trong xã hội. Hào 1 biểu thị cho mọi người, quần chúng; hào 2 biểu thị cho giới trí thức, khoa học, kỹ thuật; hào 3 là quan chức, viên chức Nhà nước, công quyền địa phương; hào 4 là quan chức cao cấp, chuyên viên bậc cao; hào 5 là các lãnh tụ, nguyên thủ quốc gia; hào 6 là thiên tài, siêu nhân, những nhà bác học có cống hiến cho nhân loại (được giải Nobel chẳng hạn). Việc kết cấu một quẻ có 6 hào là thuận tiện cho việc ứng dụng và sử dụng, cũng chặt chẽ như 1 giờ có 60 phút, 1 phút có 60 giây, hay một tuần có 7 ngày. Mỗi một hào còn có thể biến đổi từ âm thành dương và ngược lại nên một quẻ có 6 hào thay đổi, thì 64 quẻ sẽ có 384 hào.
Ý nghĩa tư tưởng của Kinh Dịch phản ánh sâu đậm bản chất tư duy của thời đại và điều kiện lịch sử qua từng thời kỳ xã hội. Các học giả phương Tây gọi Kinh Dịch là Book of changes (cuốn sách của sự biến đổi). Dịch cũng là nền tảng cho lý thuyết toán đại số; nếu như thiên văn học hiện đại có những khái niệm về khởi thủy vũ trụ, bigbang, phản hạt và các vì sao, lỗ đen, thì Dịch cũng
giải thích rằng đó là Thái cực, hỗn mang, âm dương ngũ hành, thái cực huyền…; trong lĩnh vực địa lý, kỹ thuật số, cân bằng sinh dưỡng đều có sẵn cơ sở lý thuyết Dịch. Dịch rất khó cảm nhận, suy đoán theo khả năng tư duy của người đọc và càng không có nguyên tắc, quy định nào cho quá trình học. Chính vì vậy, những cuộc hội thảo về Kinh Dịch quốc tế hàng năm của giới khoa học cho thấy rằng, Dịch ngày càng trở thành một lĩnh vực triết học và khoa học sâu xa, xứng đáng được tôn vinh là: Đại số học vũ trụ, Vạn năng thiên thư.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.