Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thừa quyết tâm, thiếu tiềm lực

Thống Nhất| 23/09/2010 07:14

(HNM) - Quyết định triển khai dạy tiếng Anh cho HS cấp tiểu học trên cả nước từ năm học 2010-2011 được đánh giá là bước khởi đầu tốt đẹp cho việc dạy học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân một cách bài bản và có hệ thống. Tuy nhiên, vì nhiều nguyên nhân, việc dạy tiếng Anh - lẽ ra được thực hiện đại trà- lại chỉ có thể thí điểm tại 18 tỉnh, thành phố. Nhưng ngay cả như thế, việc triển khai cũng còn nhiều vấn đề ngổn ngang…

Để dạy tiếng Anh ở bậc tiểu học, yêu cầu về cơ sở vật chất, thiết bị là yếu tố đặc biệt quan trọng. Trong ảnh: Giờ học tại trường Tiểu học Thanh Trì. Ảnh: Trung Kiên


Mới "sẵn sàng" về tinh thần
Đây không phải là lần đầu tiên chương trình tiếng Anh được bắt đầu triển khai tại các trường tiểu học. Tiếng Anh ở tiểu học đã được thực hiện từ năm 1996 với thời lượng 2 tiết/tuần từ lớp 3 (có nơi dạy sớm hơn), áp dụng cho các trường/lớp học 2 buổi/ngày với hình thức là môn học tự chọn. Nhưng dường như vì là môn học tự chọn nên sự quan tâm, đầu tư của các nhà trường còn chừng mực, nhiều HS theo học với quan niệm làm quen với tiếng Anh là chính, bởi đằng nào thì đến khi vào THCS cũng phải học lại. Những lý do ấy đã phần nào khiến HS chịu thiệt thòi khi không được tiếp cận đầy đủ, hệ thống với môn học được coi là công cụ giao tiếp của thời đại, hành trang không thể thiếu với những chủ nhân tương lai của một đất nước đang trong quá trình hội nhập.

- Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2012" có mục tiêu triển khai thực hiện chương trình giáo dục 10 năm, bắt đầu từ năm học 2010-2011 và mở rộng dần quy mô lên 70% vào năm học 2015-2016; 100% vào năm 2018-2019.
- Tổng kinh phí thực hiện Đề án: 9.378 tỷ đồng.
- Học sinh ở các trường tham gia dạy học thí điểm không phải đóng thêm một khoản phí nào.

Thực trạng ấy được dự báo sẽ có nhiều cải thiện từ năm học 2010-2011 khi tiếng Anh ở tiểu học trở thành môn học chính khóa với thời lượng tăng gấp đôi.
Theo Đề án "Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008-2020" thì năm học 2010-2011 sẽ triển khai dạy ngoại ngữ cho khoảng 20% số HS lớp 3 trên toàn quốc, song thực tế lại chỉ thực hiện ở gần 100 trường tại 18 tỉnh, thành phố. Lý giải về điều này, tại cuộc họp báo đầu năm học mới, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết Bộ đã rất nỗ lực song việc chuẩn bị để triển khai một chương trình tiếng Anh kéo dài 10 năm còn khá bề bộn. Vì vậy, lãnh đạo Bộ đã quyết định năm học này mới chỉ triển khai thí điểm chứ chưa thực hiện theo lộ trình Đề án đặt ra, nhằm chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện cần thiết. Kết quả thí điểm năm học này sẽ là căn cứ để triển khai dạy học chính thức cho 20% số HS lớp 3 vào năm học sau.

Đến nay, đã khai giảng được ba tuần, các trường tiểu học trong diện thực hiện thí điểm dạy tiếng Anh cho HS vẫn đang loay hoay chưa biết phải triển khai thế nào. Lý do là bởi còn chờ Bộ GD-ĐT hướng dẫn cụ thể về chương trình, nội dung, tài liệu, thậm chí cả cơ chế, chính sách đối với giáo viên (GV). Hà Nội, TP Hồ Chí Minh có nhiều thuận lợi hơn cả, có số trường tham gia thí điểm nhiều nhất (mỗi nơi 9 trường) cũng mới chỉ có văn bản chỉ đạo các đơn vị sẵn sàng tinh thần để triển khai.

Vì thiếu và yếu mọi thứ
Trả lời phỏng vấn báo giới, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển cho biết, Bộ GD-ĐT đã xây dựng bộ tài liệu dạy học tiếng Anh, hướng dẫn thực hiện chương trình và tổ chức tập huấn cho GV. GV sẽ sử dụng tài liệu này và thực hiện theo phân phối chương trình của Bộ thiết kế. Tuy nhiên, các địa phương cũng có thể sử dụng các loại tài liệu tiếng Anh đã dạy đạt kết quả tốt ở địa phương để thiết kế và triển khai bài dạy. Bộ chỉ yêu cầu HS tốt nghiệp tiểu học phải đạt trình độ tiếng Anh tương đương tới cấp độ A1 của khung tham chiếu chung châu Âu về ngôn ngữ. Yêu cầu tưởng chừng khá "mở" ấy khiến các địa phương lúng túng.

Thêm nữa, trong số gần 150 GV dạy tiếng Anh tại các trường thí điểm được mời tập huấn, chỉ có 28 người đủ điều kiện giảng dạy (TOEFL đạt 550 điểm), số còn lại chỉ đạt 400 điểm TOEFL. Tuy nhiên, do còn thiếu GV nên số này vẫn được tạm chấp nhận với yêu cầu phải đạt đủ điều kiện quy định sau một năm học. Đây thực sự là một "chướng ngại vật" không nhỏ trên bước đường tiến tới mục tiêu để HS đạt cấp độ A1 theo chuẩn với yêu cầu biết khoảng 500-700 từ, có thể giao tiếp đơn giản một cách tự tin, đặc biệt nổi bật ở hai kỹ năng nghe và nói.

Lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, cả nước hiện có khoảng gần 5.000 GV dạy tiếng Anh theo hình thức tự chọn ở các trường tiểu học, song hầu hết đều không được đào tạo để dạy HS tiểu học mà được huy động từ nhiều nguồn, vì vậy chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ không đồng đều. Số lượng này tạm đủ cho những năm đầu, song trong các năm tiếp theo, mỗi năm ngành GD-ĐT cần thêm từ 1.700 đến 2.000 GV. Cần thế, nhưng tuyển chưa dễ, bởi việc đào tạo GV tiếng Anh ở các trường CĐ sư phạm mới chỉ đang bắt đầu, số tốt nghiệp ĐH hoặc có chứng chỉ ngoại ngữ lại khó tuyển vì thiếu kỹ năng dạy cho đối tượng HS nhỏ tuổi…

Yếu tố quan trọng trong việc dạy học tiếng Anh là cơ sở vật chất, thiết bị cũng rất thiếu. Đại diện hầu hết các địa phương có trường thí điểm như Hải Dương, Cần Thơ, Sóc Trăng, Điện Biên… đều phản ánh với lãnh đạo Bộ về việc thiếu phòng học, trang thiết bị cần thiết. Hà Nội có nhiều thuận lợi hơn với khoảng 90% số trường tiểu học dạy 2 buổi/ngày, song chưa phải nơi nào cũng đã đủ điều kiện. Việc dạy tiếng Anh ở các trường bấy lâu nay chủ yếu dùng băng, đĩa, đài và tranh ảnh, chưa có nhiều trường xây dựng được phòng bộ môn tiếng Anh. Các trường ở địa bàn Hà Nội mở rộng khó khăn hơn cả, bởi có nhiều điểm lẻ, phòng học sơ sài, sự chăm chút cho việc học của con em với nhiều gia đình còn hạn chế.

Mâu thuẫn giữa tiềm lực còn yếu kém của các nhà trường với mục tiêu lớn của một Đề án quốc gia mang tính dài hơi khiến người ta đặt câu hỏi, có duy ý chí không khi triển khai dạy tiếng Anh bắt buộc?

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thừa quyết tâm, thiếu tiềm lực

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.