Trao các quyết định của Chủ tịch nước bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã giao 4 nhiệm vụ cho lãnh đạo Bộ Khoa học và Công nghệ và 10 nhiệm vụ cho người đứng đầu ngành Y tế.
Chiều 15-11, tại trụ sở Bộ Khoa học và Công nghệ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng PGS.TS Huỳnh Thành Đạt, Ủy viên Trung ương Đảng, Giám đốc Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh đã được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN); trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng.
“Chúng ta xác định đây là niềm vinh dự và cũng là trách nhiệm lớn mà Đảng, Nhà nước giao cho đồng chí Huỳnh Thành Đạt”, Thủ tướng phát biểu tại lễ trao quyết định.
Không để Việt Nam đi chậm về khoa học công nghệ
Thủ tướng đề nghị tân Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt cũng như toàn thể cán bộ Bộ KH&CN phát huy tinh thần đoàn kết, trên dưới một lòng, thực hiện tốt hơn nữa chức năng, nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước giao.
Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 và chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2030 đặt ra cho Bộ KH&CN những yêu cầu nhiệm vụ rất quan trọng, tạo ra những thách thức rất lớn và cũng mở ra cơ hội phát triển chưa từng có của ngành KH&CN nước nhà.
Cho biết vừa đọc báo cáo mới về Singapore với những chính sách mới trong thu hút phát triển, khởi nghiệp, Thủ tướng đặt vấn đề phải chăng đây là bài học kinh nghiệm tốt cho chúng ta trong việc thu hút nhân tài, đổi mới sáng tạo, phát triển đất nước mà “các đồng chí được giao nhiệm vụ nghiên cứu, đề xuất với Chính phủ, với Đảng, Nhà nước” về lĩnh vực này.
Thủ tướng đề nghị tân Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ KH&CN thực hiện đồng bộ các giải pháp để khơi dậy sự đam mê nghiên cứu, sức sáng tạo, hành động mạnh mẽ, quyết liệt để thúc đẩy phát triển khoa học và công nghệ nước nhà thực sự là một động lực phát triển quan trọng và bền vững đất nước.
“Không có những giải pháp phát triển KH&CN tốt, không đi trước, đón đầu thời đại mới thì sẽ thụt lùi rất xa”, Thủ tướng nói.
Do đó, Bộ KH&CN phải không ngừng đổi mới tư duy, bám sát thực tiễn cuộc sống, tập trung vào cơ chế, chính sách, nguồn lực, những ưu tiên trong chỉ đạo thực thi phát triển công nghệ.
Thủ tướng đề nghị ngành KH&CN, đứng đầu là Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt, tập trung vào 4 nhiệm vụ lớn.
Một là về cơ chế, thể chế phát triển KH&CN, cần đẩy mạnh cơ chế tự chủ cao trong cơ sở nghiên cứu KH&CN, thu hút các nguồn lực xã hội để phát triển KH&CN, đặc biệt là doanh nghiệp. Các cơ sở nghiên cứu và doanh nghiệp cần phải nâng cao năng lực hấp thụ, làm chủ, dẫn dắt và đổi mới công nghệ. Kiến tạo, thúc đẩy mạnh mẽ sự gắn kết thực chất, hiệu quả giữa các doanh nghiệp với các viện nghiên cứu, trường đại học. Từ các nghiên cứu đến sản xuất kinh doanh còn có khoảng cách.
Vì vậy, “các đồng chí phải làm tốt hơn, rút ngắn hơn khoảng cách này”, Thủ tướng nêu rõ. Việc gắn chặt nhiệm vụ KH&CN với mục tiêu kế hoạch, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội là nhiệm vụ hàng đầu.
Đi liền với đó, tiếp tục đổi mới cơ chế tài chính - ngân sách, cơ chế đặt hàng, nhận hàng, phát triển KH&CN cũng như quá trình chuyển đổi số quốc gia. “Các đồng chí phải chủ động hơn nữa đề xuất với Chính phủ”, Thủ tướng lưu ý.
Phải cải cách thủ tục hành chính tốt hơn trong lĩnh vực KH&CN, nhất là quy trình, thủ tục đối với các đề tài nghiên cứu, các đề án quốc gia, các sáng kiến cải tiến để các nhà khoa học không nản lòng vì thủ tục.
Thứ hai là thu hút, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Chính sách sử dụng và trọng dụng cán bộ công nghệ còn khoảng cách rất xa với thực tiễn. Thủ tướng nhấn mạnh, chính sách dành cho các nhà khoa học đầu ngành, các nhà khoa học được giao chủ nhiệm các đề tài quan trọng quốc gia, các nhà khoa học trẻ tài năng cũng như đội ngũ quản lý KH&CN, những người luôn đổi mới, dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo, đề xuất những đột phá về cơ chế quản lý. Phải gỡ nút thắt này để giới khoa học thực sự bám vào đời sống, vào sản xuất để triển khai.
Thứ ba là ưu tiên trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ KH&CN. Cần rà lại công việc để làm sao các lĩnh vực KH&CN có tính ứng dụng cao, KH&CN thực sự là lực lượng sản xuất kinh doanh trực tiếp để nâng cao năng suất, chất lượng.
Nhiệm vụ nữa là chú ý hơn đến hợp tác hội nhập quốc tế về KH&CN để rút ngắn khoảng cách, giải quyết câu hỏi làm sao KH&CN Việt Nam có thể phát triển tốt hơn, nhanh hơn.
Với sự giúp đỡ của tập thể, Thủ tướng tin tưởng, đồng chí Bộ trưởng sẽ tạo ra đột phá, cú hích, luồng sinh khí mới cho KH&CN, qua đó đóng góp quan trọng vào thực hiện mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả nước, nhất là thực hiện mục tiêu chuyển đổi số quốc gia, phát triển KH&CN trong giai đoạn mới, “đừng để Việt Nam phải đi chậm hơn”.
Phát biểu nhận nhiệm vụ, Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt khẳng định sẽ tập trung sức lực, trí tuệ để cùng với tập thể Ban Cán sự đảng, Đảng ủy, lãnh đạo Bộ KH&CN và toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động của Bộ KH&CN đoàn kết, kế thừa và phát huy hơn nữa những thành tựu, kết quả mà Bộ và ngành đạt được trong thời gian qua.
Bộ trưởng cũng khẳng định quyết tâm thực hiện 4 nhiệm vụ Thủ tướng giao, khơi dậy và thúc đẩy tinh thần chung tay hợp tác, chia sẻ và sáng tạo của đông đảo lực lượng khoa học - công nghệ trong và ngoài nước trong việc khai thác và phát triển các tiềm lực KH&CN quốc gia.
Không để người bệnh mù mờ về chi phí khám, chữa bệnh
Chiều cùng ngày, tại trụ sở Bộ Y tế, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng GS.TS Nguyễn Thanh Long đã được Quốc hội phê chuẩn và Chủ tịch nước bổ nhiệm chức danh Bộ trưởng Bộ Y tế và trao quyết định bổ nhiệm cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế.
Đánh giá cao ngành Y tế đã nỗ lực trong phòng, chống Covid-19 thời gian vừa qua, Thủ tướng nhấn mạnh, sức khỏe còn quý hơn vàng, nên Bộ Y tế, đứng đầu là Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long, phải nỗ lực bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân.
Thủ tướng giao 10 nhiệm vụ cho tân Bộ trưởng Bộ Y tế, trong đó nhiệm vụ đầu tiên là kiểm soát tốt dịch Covid-19, không để dịch quay trở lại, đồng thời kiểm soát tốt dịch bệnh truyền nhiễm khác như bạch hầu, sốt xuất huyết, cúm mùa và dịch tả.
Tiếp đó là hoàn thiện cơ chế chính sách và cơ chế tài chính để nâng cao chất lượng hiệu quả dịch vụ khám, chữa bệnh với yêu cầu dễ tiếp cận dịch vụ và giảm chi phí khám, chữa bệnh.
Bộ trưởng Bộ Y tế cũng cần tập trung cải thiện tình trạng quá tải bệnh viện ảnh hưởng đến chất lượng y tế, kiểm soát tốt hơn nữa chi phí y tế, dược phẩm, thực phẩm, vật tư trang thiết bị y tế; công khai minh bạch trong quản lý cấp phép, đấu thầu, mua sắm thuốc; công khai giá thuốc, giá trang thiết bị, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Nâng cao chất lượng công tác an toàn thực phẩm, nhất là tại các bếp ăn trường học, khu công nghiệp.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế mở rộng độ bao phủ của bảo hiểm y tế toàn dân và phạm vi thanh toán bằng bảo hiểm y tế, quan tâm các đối tượng chính sách như người nghèo, người có hoàn cảnh đặc biệt, người có công, người già, đảm bảo mọi người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Bên cạnh mở rộng bảo hiểm y tế toàn dân, Thủ tướng yêu cầu ngành Y tế chấn chỉnh hoạt động xã hội hóa nguồn lực trong phát triển y tế tại các bệnh viện công lập. Xã hội hóa nguồn lực, đầu tư cho y tế là một chủ trương đúng đắn, nhưng Bộ cần tập trung thực hiện cơ chế chính sách và công cụ quản lý, không để tình trạng thương mại hóa quá mức khiến xảy ra tình trạng "tiền nào của nấy" về chất lượng điều trị. Không để người bệnh mù mờ về chi phí khám, chữa bệnh.
Trước Thủ tướng Chính phủ và các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, thời gian tới sẽ tập trung thực hiện thắng lợi Nghị quyết 20 và Nghị quyết 21 của Ban Chấp hành Trung ương và các nhiệm vụ mà Đảng và nhân dân giao phó, thực hiện tốt 10 nhiệm vụ mà Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu.
Bộ Y tế cũng tập trung nâng cao đạo đức, tinh thần cống hiến, phục vụ nhân dân đối với cán bộ ngành y tế. Triển khai quyết liệt chuyển đổi số ngành y tế với các chương trình như khám chữa bệnh từ xa, công khai y tế, hệ thống điều hành trạm y tế xã, mạng y tế Việt Nam kết nối thầy thuốc trên toàn quốc, hồ sơ sức khỏe toàn dân.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.