Mục tiêu chung của Chương trình nhằm thúc đẩy thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về quyền của người khuyết tật và Luật Người khuyết tật nhằm cải thiện chất lượng cuộc sống của người khuyết tật; tạo điều kiện để người khuyết tật tham gia bình đẳng vào các hoạt động của xã hội; xây dựng môi trường không rào cản bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người khuyết tật và hỗ trợ người khuyết tật phát huy khả năng của mình.
Trong giai đoạn 2026-2030, Chương trình phấn đấu hằng năm khoảng 90% người khuyết tật được tiếp cận các dịch vụ y tế dưới các hình thức khác nhau; 80% trẻ em từ sơ sinh đến 6 tuổi được sàng lọc phát hiện sớm khuyết tật bẩm sinh, rối loạn phát triển và được can thiệp sớm các dạng khuyết tật; khoảng 70.000 trẻ em và người khuyết tật được phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng và cung cấp dụng cụ trợ giúp phù hợp. 90% trẻ khuyết tật ở độ tuổi mầm non và phổ thông được tiếp cận giáo dục.
300.000 người khuyết tật có nhu cầu và đủ điều kiện được hỗ trợ đào tạo nghề, tạo việc làm, hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất thiết bị cho 6 cơ sở giáo dục nghề nghiệp chuyên biệt để đào tạo nghề nghiệp cho người khuyết tật tại 6 vùng trong cả nước và cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo nghề cho người khuyết tật; 100% người khuyết tật có nhu cầu và điều kiện được vay vốn với lãi suất ưu đãi theo quy định.
100% người khuyết tật tham gia giao thông được miễn, giảm giá vé theo quy định, riêng đối với các tuyến đường bộ liên tỉnh 60%. Tỷ lệ người khuyết tật được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công nghệ thông tin và truyền thông tối thiểu bằng 1/3 tỷ lệ chung cả nước.
Chương trình phấn đấu 70% tỉnh/thành phố có Câu lạc bộ thể thao người khuyết tật có thể tiếp cận, thu hút 15% người khuyết tật tham gia tập luyện thể dục, thể thao; 20% người khuyết tật được hỗ trợ tham gia các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và biểu diễn nghệ thuật; 100% thư viện công cộng cấp tỉnh tổ chức được không gian đọc, đảm bảo tiện ích thư viện chuyên dụng.
100% người khuyết tật có khó khăn về tài chính được cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý khi có nhu cầu. 100% phụ nữ khuyết tật được trợ giúp dưới các hình thức khác nhau. 80% số tỉnh, thành phố có tổ chức của người khuyết tật.
Chương trình sẽ triển khai các hoạt động chủ yếu như: Trợ giúp y tế; trợ giúp giáo dục; trợ giúp giáo dục nghề nghiệp, tạo việc làm và hỗ trợ sinh kế; phòng, chống dịch bệnh và giảm nhẹ thiên tai; trợ giúp tiếp cận công trình xây dựng; trợ giúp tiếp cận và tham gia giao thông; trợ giúp pháp lý; hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập và hòa nhập cộng đồng…
Trong đó, Chương trình sẽ phát triển mạng lưới cung cấp dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp sớm khuyết tật, phục hồi chức năng và phẫu thuật chỉnh hình, cung cấp dụng cụ trợ giúp cho người khuyết tật; phát triển hệ thống dịch vụ và mô hình giáo dục người khuyết tật có hiệu quả từ trung ương đến địa phương phù hợp với nhu cầu đa dạng của người khuyết tật và người tham gia giáo dục người khuyết tật.
Nhân rộng mô hình hỗ trợ sinh kế; xây dựng mô hình hỗ trợ người khuyết tật khởi nghiệp; mô hình hợp tác xã có người khuyết tật tham gia chuỗi giá trị sản phẩm; xây dựng các tuyến mẫu và nhân rộng các xe vận tải hành khách công cộng để người khuyết tật tham gia giao thông…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.