Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết hợp tác xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng, công bằng, lành mạnh

Theo TTXVN| 05/04/2023 14:49

Theo đặc phái viên TTXVN, ngày 5-4, tại thủ đô Viêng Chăn, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào, Hội nghị Cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ 4 đã được tổ chức với chủ đề “Đổi mới và hợp tác nhằm bảo đảm an ninh nguồn nước và sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong”.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia, Thái Lan tham dự phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng tại hội nghị. Cùng với Thủ tướng Phạm Minh Chính, tham dự hội nghị có Thủ tướng Chính phủ các nước Lào, Campuchia và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước Thái Lan; lãnh đạo và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế, khu vực, các tổ chức xã hội và cộng đồng.

Tại hội nghị, lãnh đạo các nước thành viên Ủy hội và đại diện các đối tác đối thoại, đối tác phát triển, các tổ chức quốc tế đánh giá tình hình thực hiện các cam kết của Ủy hội; các thách thức và nhiệm vụ, giải pháp cần thực hiện để phát triển bền vững lưu vực sông Mekong. 

Các thành viên Ủy hội phân tích, đánh giá các thách thức, cơ hội liên quan đến nguồn nước, bao gồm các vấn đề phát triển bền vững và quản lý môi trường lưu vực; xác định các định hướng phát triển, quản lý lưu vực; tiếp tục khẳng định cam kết chính trị ở cấp cao nhất trong việc tăng cường thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995 và chức năng của Ủy hội; tiếp tục khẳng định các mục đích, nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực; ghi nhận các thành tựu đạt được từ các hội nghị cấp cao trước đây.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá cao vai trò không thể thiếu của Ủy hội sông Mekong quốc tế, đề cao việc Ủy hội đã thực hiện hiệu quả các chức năng và nhiệm vụ của một tổ chức lưu vực sông quốc tế và đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, khẳng định giá trị lâu dài của Hiệp định Mekong năm 1995.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Nhân dịp này, thay mặt Chính phủ Việt Nam, Thủ tướng bày tỏ cảm ơn sự hợp tác, hỗ trợ của các đối tác đối thoại, các đối tác phát triển và các đối tác quốc tế khác trong khu vực luôn tạo điều kiện hỗ trợ Việt Nam cùng các nước trong khu vực để bảo vệ dòng chảy chính, dòng chảy tự nhiên của dòng sông Mekong mang lại kết quả hợp tác hiệu quả, bền vững.

Thủ tướng cho rằng, lưu vực sông Mekong đang đứng trước những thách thức rất lớn do tác động cộng hưởng của biến đổi khí hậu, sức ép của yêu cầu phát triển kinh tế và sự gia tăng sử dụng nước nhanh chóng. Điều đó làm cho nguồn tài nguyên nước Mekong đang bị suy thoái cả về số lượng và chất lượng, ảnh hưởng trực tiếp đến nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực, đặc biệt là hơn 60 triệu người dân trong lưu vực.

Là quốc gia nằm ở cuối nguồn sông Mekong, Việt Nam đang cảm nhận rõ nét nhất những tác động nặng nề này. Dòng chảy từ thượng nguồn sông Mekong về hạ du và vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã bị sụt giảm nghiêm trọng. Đồng bằng thường xuyên phải đối mặt với các đợt hạn hán nghiêm trọng và hiện tượng xâm nhập mặn có xu hướng xuất hiện sớm hơn từ 1 - 1,5 tháng với phạm vi và cường độ lớn hơn so với trước đây. Năm 2020, lượng phù sa xuống Đồng bằng sông Cửu Long đã giảm chỉ còn bằng 1/3 lượng phù sa của trước đó 15 năm... Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến sinh kế của hơn 20 triệu người dân Đồng bằng sông Cửu Long, cũng như nỗ lực bảo đảm an ninh nguồn nước và an ninh lương thực cho tất cả các quốc gia trong lưu vực.

Trước thực trạng đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị, Ủy hội tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ, nghiêm túc tuân thủ và thực hiện hiệu quả Hiệp định Mekong năm 1995, cũng như Bộ Quy chế sử dụng nước đã được xây dựng, nhất là các nguyên tắc nền tảng về bình đẳng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, sử dụng công bằng và hợp lý tài nguyên nước, duy trì hợp lý dòng chảy trên dòng chính, ngăn ngừa và hạn chế tác động tiêu cực, nhất là đối với các nước hạ nguồn. 

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Thủ tướng nhấn mạnh, mọi chính sách và hành động liên quan của Ủy hội và các nước thành viên cần lấy con người làm trung tâm, đảm bảo sinh kế bền vững của người dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân sinh sống trong lưu vực; tăng cường hợp tác phòng, chống tội phạm xuyên quốc gia; nỗ lực xây dựng Ủy hội trở thành một trung tâm tri thức, cung cấp các thông tin, số liệu và kiến thức về lưu vực, các dịch vụ tư vấn nhằm giúp các cơ chế hợp tác tiểu vùng khác thực hiện chức năng của mình.

Các quốc gia cần thúc đẩy phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, hỗ trợ các quy hoạch cấp vùng về nghiên cứu, phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như năng lượng gió và Mặt trời, kết nối và nâng cấp mạng lưới điện của vùng, qua đó, góp phần phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng đề nghị, tiếp tục đổi mới công tác quản lý, điều hành, nâng cao năng lực thực thi của Ủy hội; tiếp tục phát huy tinh thần “tự do giao thông thủy”; sớm tiến hành đánh giá thực chất, toàn diện về quá trình thực hiện ven sông hóa Ủy hội để từ đó tiếp tục kiện toàn, đổi mới tổ chức, thể chế và phương thức làm việc của Ủy hội, bảo đảm bộ máy tinh gọn, ổn định, hiệu lực, hiệu quả...

Thủ tướng Phạm Minh Chính kêu gọi các đối tác tăng cường hợp tác, hỗ trợ Ủy hội về nguồn lực tài chính, tri thức, kinh nghiệm và công nghệ hiện đại. Bên cạnh đó, các hoạt động của Ủy hội cần gắn kết chặt chẽ hơn nữa với các hoạt động thực hiện Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN, các mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc, các cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, cũng như Thập kỷ hành động “Nước vì sự phát triển bền vững” giai đoạn 2018-2028 và những cam kết tại Hội nghị Liên hợp quốc về nước vừa qua.

Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn đề cao vai trò của Ủy hội và cam kết hợp tác chặt chẽ với các quốc gia thành viên để triển khai thành công các chiến lược, kế hoạch và chương trình hành động của Ủy hội, vì mục tiêu xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng về kinh tế, công bằng về xã hội, lành mạnh về môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu, vì hòa bình, ổn định, phát triển và thịnh vượng chung của Cộng đồng ASEAN.

Thủ tướng Phạm Minh Chính, Thủ tướng Campuchia, Thủ tướng Lào và Tổng Thư ký Văn phòng Tài nguyên nước quốc gia, Thái Lan tham dự phiên toàn thể Hội nghị cấp cao Ủy hội sông Mekong quốc tế lần thứ tư. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Kết thúc hội nghị, các Thủ tướng đã thông qua Tuyên bố chung - Tuyên bố Viêng Chăn nhằm tiếp tục khẳng định cam kết chính trị cao nhất của 4 quốc gia thành viên, các mục đích và nguyên tắc hợp tác vì sự phát triển bền vững của lưu vực sông Mekong, cũng như xác định các trọng tâm hợp tác của Ủy hội trong thời gian tới.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Việt Nam cam kết hợp tác xây dựng lưu vực sông Mekong thịnh vượng, công bằng, lành mạnh

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.