(HNMO) - Sáng 21-4, Bộ Tài chính tổ chức lễ công bố trực tuyến Hệ thống hóa đơn điện tử toàn quốc. Tại điểm cầu Tổng cục Thuế, đến dự có Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc.
Tham dự còn có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Tại điểm cầu Cục Thuế Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Hà Minh Hải dự.
Đến ngày 30-6-2022, 100% tổ chức và cá nhân thực hiện hóa đơn điện tử
Theo Tổng cục Thuế, ngày 21-11-2021, Bộ Tài chính công bố triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 tại 6 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Phú Thọ, Quảng Ninh và Bình Định, đồng thời chuẩn bị triển khai hóa đơn điện tử trên cả nước, với mục tiêu bao phủ hóa đơn điện tử trên toàn quốc trước ngày 1-7-2022.
Sau hơn 4 tháng triển khai, đến ngày 31-3-2022, toàn bộ các tổ chức, doanh nghiệp tại 6 tỉnh, thành phố giai đoạn 1 đã chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử.
Giai đoạn 2, với 57 tỉnh, thành phố còn lại, Tổng cục Thuế đặt lộ trình đến hết ngày 10-5-2022 hoàn thành tối thiểu 50%; đến hết ngày 31-5-2022 hoàn thành 90% và đến hết ngày 30-6-2022 hoàn thành 100% doanh nghiệp, tổ chức, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh sử dụng hóa đơn điện tử.
Ngành Thuế đã triển khai tập huấn, rà soát, bổ sung năng lực hạ tầng kỹ thuật phục vụ triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 2; phối hợp với UBND các tỉnh, thành phố chuẩn bị. Đến nay, việc triển khai hóa đơn điện tử trên toàn quốc đã sẵn sàng.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhận định, thành công trong triển khai hóa đơn điện tử giai đoạn 1 là nền tảng quan trọng để thực hiện tiếp giai đoạn 2 trên phạm vi toàn quốc, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất và bao phủ toàn diện của hóa đơn điện tử. Bộ Tài chính quyết tâm hoàn thành mục tiêu đề ra; đồng thời nghiên cứu, xây dựng các biện pháp, công cụ quản lý, phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử, tiến tới sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) trong phân tích dữ liệu từ hóa đơn điện tử để quản lý rủi ro, nâng cao hiệu quả quản lý, thanh tra, kiểm tra thuế.
Phải bảo đảm dữ liệu chính xác, bảo mật
Phát biểu tại buổi lễ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận, kết quả bước đầu cho thấy việc triển khai hóa đơn điện tử có thể ví như một mũi tên trúng nhiều đích, mang lại nhiều lợi ích quan trọng, như góp phần thay đổi phương thức điều hành quản lý, quy trình làm việc của cơ quan thuế, của người dân, doanh nghiệp theo hướng tích cực, hiện đại; tăng cường công khai, minh bạch, phòng, chống tiêu cực; phát triển thương mại điện tử, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, phù hợp xu hướng chuyển đổi số; thúc đẩy xây dựng, kết nối, chia sẻ các cơ sở dữ liệu quốc gia, phát triển chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
“Thời gian tới, ngành Thuế tiếp tục nỗ lực, cố gắng hơn nữa, hướng tới xây dựng hệ thống thuế đồng bộ, thống nhất, minh bạch, công bằng, hiệu quả, có tính ổn định cao. Hệ thống thuế phải vừa góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, vừa là công cụ quản lý kinh tế vĩ mô hiệu quả, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, tạo động lực, điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tham gia tích cực, hiệu quả vào phát triển kinh tế - xã hội, cũng như quá trình chuyển đổi số”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Thủ tướng Chính phủ cũng yêu cầu ngành Thuế triển khai hóa đơn điện tử phải bảo đảm dữ liệu chính xác, công khai, minh bạch, thống nhất, bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật. Thông tin dữ liệu thống nhất theo tiêu chuẩn, hoạt động thông suốt, hiệu quả; tăng cường kiểm tra, giám sát, phân tích dữ liệu để phát hiện kịp thời hành vi gian lận gây thất thu thuế; đẩy mạnh quản lý thuế theo nguyên tắc giảm thiểu rủi ro, bảo đảm thu đúng, thu đủ, kịp thời tiền thuế, thúc đẩy quản lý thuế đối với thương mại điện tử, giao dịch xuyên biên giới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng yêu cầu tăng cường thông tin tuyên truyền về lợi ích của việc sử dụng hóa đơn điện tử, mở rộng các kênh tương tác, hỗ trợ tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh về hóa đơn điện tử. Đồng thời, quán triệt quan điểm, nhận thức về trách nhiệm thực hiện chuyển đổi số, quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính và đạo đức công vụ để cán bộ, công chức phát huy cao nhất năng lực, trí tuệ, phục vụ tốt hơn người dân và doanh nghiệp...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.