Sáng 1-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Hội nghị thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người thu nhập thấp. Hội nghị được kết hợp trực tiếp và trực tuyến giữa đầu cầu Trụ sở Chính phủ và UBND 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Sau khi nghe phát biểu thảo luận của Phó Thủ tướng Lê Văn Thành và 18 đại biểu là lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cùng sự tham gia tích cực, vào cuộc của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, đặc biệt là vai trò của các địa phương, các doanh nghiệp đã hoàn thành hàng trăm dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân (7,8 triệu m2) giúp hàng trăm nghìn hộ gia đình thu nhập thấp và hàng trăm nghìn công nhân được cải thiện nhà ở, có chỗ ở an toàn.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện các chính sách về nhà ở xã hội cũng đã bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được khắc phục nhằm thúc đẩy việc phát triển nhà ở xã hội, giải quyết tốt hơn nhu cầu cải thiện nhà ở của các đối tượng chính sách xã hội.
Trong đó, cơ chế, chính sách phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân còn một số nội dung chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời. Ngân sách nhà nước còn khó khăn, chưa bố trí được nguồn vốn ưu đãi cho vay phát triển nhà ở xã hội. Nhiều địa phương chưa quan tâm phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người lao động khu công nghiệp.
“Người đứng đầu địa phương, cụ thể là Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố mà quan tâm, quyết liệt, vô tư, trong sáng thì việc triển khai thực hiện chính sách phát triển nhà ở xã hội mới tốt được; còn người đứng đầu còn vấn vương, băn khoăn, thì sẽ rất khó”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cũng theo Thủ tướng, nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh trong khu công nghiệp chưa quan tâm nhà ở cho công nhân, người lao động của mình. Nhân dân tích cực phát triển hệ thống nhà trọ phục vụ công nhân trong khu vực đông công nhân, nhưng vai trò quản lý của Nhà nước ở khu vực này còn chưa tốt…
“Tôn trọng, khuyến khích thị trường phát triển, song phải có kiểm soát, dẫn dắt theo quy hoạch, tiêu chuẩn, tiêu chí của Nhà nước”, Thủ tướng chỉ rõ.
Người đứng đầu Chính phủ khẳng định quan điểm, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân là một trong những nội dung quan trọng của chính sách phát triển kinh tế - xã hội. Phát triển nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân là trách nhiệm của Nhà nước, của xã hội và của người dân.
Nhà nước khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo cơ chế thị trường, đồng thời có chính sách để hỗ trợ về nhà ở cho người thu nhập thấp đô thị, công nhân khu công nghiệp về nhà ở nhằm góp phần ổn định chính trị, bảo đảm an sinh xã hội, “không hy sinh tiến bộ và công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần”.
Cũng theo Thủ tướng, việc phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương phải gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.
Phát triển nhà ở xã hội không chỉ là công việc của Đảng, Nhà nước mà của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp, người dân; cùng với phát triển nhà ở xã hội phải quan tâm phát triển hệ thống nhà trọ có kiểm soát, dẫn dắt theo quy hoạch, tiêu chuẩn, tiêu chí quy định, phục vụ công nhân; có cơ chế để thu hút các nhà đầu tư, trong đó có nhà đầu tư nước ngoài.
Để thực hiện thành công mục tiêu phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp, công nhân, người lao động, Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh theo thẩm quyền; nghiên cứu tổ chức một đầu mối để giảm thủ tục hành chính trong thực hiện các dự án phát triển nhà ở xã hội; tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết 11 của Chính phủ về phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội, trong đó có chính sách hỗ trợ lao động, công nhân trong các doanh nghiệp và người có thu nhập thấp.
Theo Thủ tướng, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các địa phương gắn với phát triển thị trường bất động sản nhà ở, phù hợp với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở trong từng giai đoạn của địa phương và tuân thủ pháp luật về nhà ở, quy hoạch, kế hoạch do cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, bảo đảm đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội, phù hợp với điều kiện của các địa phương.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn, không nóng vội để thúc đẩy phát triển toàn diện hơn lĩnh vực nhà ở xã hội. Đây là nhiệm vụ chính trị của cấp ủy, chính quyền địa phương, các cơ quan trong hệ thống chính trị và sự tham gia của doanh nghiệp, người dân với trách nhiệm xã hội cao.
Theo Thủ tướng, cùng với phát triển nhà ở xã hội, cần xây dựng và hoàn thiện quy định về phát triển các khu nhà trọ với quy chuẩn, điều kiện về không gian, vệ sinh, môi trường phù hợp, ngày càng văn minh. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách để các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tích cực, hiệu quả hơn trong phát triển nhà ở xã hội cho công nhân, người lao động.
Thủ tướng đề nghị lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương tổ chức rà soát các dự án nhà ở xã hội, quy hoạch, quỹ đất, kế hoạch phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, người có thu nhập thấp báo cáo Chính phủ trước ngày 15-8. Bộ Xây dựng phối hợp với các bộ, ngành xây dựng dự thảo, trình Chính phủ trong tháng 8 đề án xây dựng 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội dành cho các đối tượng từ nay đến năm 2030.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Theo đó, Thủ tướng yêu cầu Bộ Xây dựng nghiên cứu dự thảo, báo cáo Chính phủ trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua Luật Nhà ở (sửa đổi) theo Nghị quyết số 50/2022/QH15 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; chỉ đạo, hướng dẫn, phối hợp với các địa phương thực hiện rà soát, lập và công bố danh mục các Chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; đôn đốc các địa phương thực hiện rà soát, bổ sung quy hoạch, bố trí quỹ đất dành để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân theo đúng quy định pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành tổng hợp, đề xuất và phân bổ nguồn vốn từ ngân sách trung ương theo kế hoạch trung hạn và hàng năm thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội, các tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở xã hội; chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các địa phương tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thủ tục đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân để tăng nguồn cung cho thị trường.
Bộ Tài chính nghiên cứu sửa đổi pháp luật về thuế để phù hợp với pháp luật về nhà ở đối với trường hợp ưu đãi thuế cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội chỉ để cho thuê; chủ trì, phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội sớm trình Thủ tướng Chính phủ ban hành quyết định về phương án bảo lãnh phát hành trái phiếu của Ngân hàng Chính sách xã hội để cho vay cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; nghiên cứu chính sách về nghĩa vụ của các doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động tại các khu công nghiệp có trách nhiệm hỗ trợ nhà ở cho công nhân, người lao động làm việc tại các doanh nghiệp đó.
Người đứng đầu Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hướng dẫn các địa phương trong việc lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, bảo đảm đủ quỹ đất để triển khai thực hiện các dự án xây dựng nhà ở xã hội; chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng nghiên cứu chính sách ưu đãi không tính tiền sử dụng đất đối với dự án nhà ở xã hội, nhà công nhân trong quá trình xây dựng Luật Đất đai (sửa đổi).
Theo chỉ đạo của Thủ tướng, các ngân hàng quan tâm tạo điều kiện cho các doanh nghiệp đầu tư nhà ở xã hội, nhà ở công nhân; triển khai chương trình cho vay ưu đãi đối với đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân.
Người đứng đầu Chính phủ đề nghị Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành liên quan trong việc triển khai các quyết định của Thủ tướng Chính phủ về đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất (bao gồm nhà ở, nhà trẻ, siêu thị, y tế, giáo dục và các công trình văn hóa, thể thao) để phấn đấu triển khai 50 thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đến năm 2030 tất cả các khu công nghiệp, khu chế xuất trên cả nước đều có thiết chế công đoàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các địa phương xây dựng, điều chỉnh, bổ sung Chương trình phát triển nhà ở của địa phương theo quy định của Luật Nhà ở, phù hợp với Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 làm cơ sở để chấp thuận đầu tư; đưa các chỉ tiêu phát triển nhà ở, đặc biệt là chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hằng năm.
Các địa phương phải thực hiện nghiêm quy định về công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội; quy hoạch, bố trí các dự án nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân độc lập tại các vị trí phù hợp, thuận tiện, có quy mô lớn, đầy đủ hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội.
Riêng tại các tỉnh, thành phố có nhiều khu công nghiệp, tập trung nhiều công nhân dành quỹ đất và kêu gọi các chủ đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, các doanh nghiệp sản xuất và doanh nghiệp bất động sản tham gia đầu tư, phát triển nhà ở công nhân, nhà lưu trú cho công nhân thuê.
Bên cạnh đó, các địa phương sớm lập, phê duyệt và công bố công khai Danh mục dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội độc lập phải lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu để các doanh nghiệp quan tâm nghiên cứu, đề xuất tham gia...
Các địa phương có các cơ chế, giải pháp cụ thể, rút ngắn thủ tục hành chính về lập, phê duyệt dự án, giao đất, cho thuê đất, giải phóng mặt bằng, thủ tục đầu tư xây dựng… để hỗ trợ, khuyến khích, thu hút các doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp lớn, uy tín trong lĩnh vực bất động sản khẩn trương triển khai đầu tư xây dựng dự án; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong việc thực hiện pháp luật về phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trên địa bàn…
“Phát triển nhà ở xã hội là chính sách nhân văn của Đảng, Nhà nước ta; đề nghị các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp tập trung thực hiện với quyết tâm cao nhất, bằng trí tuệ, tâm huyết để ngày càng nhiều công nhân, lao động, người có thu nhập thấp có chỗ ở, an cư, lạc nghiệp”, Thủ tướng nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.