Sáng 27-8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines nhân dịp bà thăm chính thức Việt Nam.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính hoan nghênh và đánh giá cao Chủ tịch Thượng viện là lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Australia sang thăm Việt Nam kể từ khi hai nước nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện (tháng 3-2024).
Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi lời thăm hỏi đến Thủ tướng Australia Anthony Albanese, đồng thời, một lần nữa cảm ơn tình cảm chân thành của Chính phủ Australia dành cho Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đặc biệt cảm ơn Chủ tịch Thượng viện đã đích thân sang dự Lễ Quốc tang Tổng Bí thư.
Thủ tướng Chính phủ bày tỏ vui mừng trước sự phát triển mạnh mẽ, toàn diện và thực chất của quan hệ Việt Nam - Australia; nhấn mạnh việc nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện là kết quả của quá trình phấn đấu, nỗ lực của hai bên trong hơn 50 năm phát triển quan hệ ngoại giao. Đồng thời mở ra một chương mới trong quan hệ hai nước, với tin cậy chính trị ở mức cao hơn, hợp tác ở phạm vi và tầm mức rộng hơn trên tinh thần “6 cái hơn” như Thủ tướng đã nhấn mạnh trong chuyến thăm chính thức Australia vừa qua.
Chủ tịch Thượng viện Australia Sue Lines khẳng định, Việt Nam là đối tác quan trọng, Chính phủ và Quốc hội Australia dành ưu tiên cao trong tổng thể chính sách đối ngoại của Australia ở khu vực. Bà nhấn mạnh hai nước chia sẻ nhiều điểm tương đồng, có lòng tin chiến lược cao, quan hệ hai nước đã trải qua chặng đường dài để có kết quả hết sức tốt đẹp như ngày nay. Đồng thời khẳng định, đây là nền tảng để hai nước phát huy hơn nữa các lĩnh vực hợp tác trong thời gian tới, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của nhân dân hai nước.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Australia đang triển khai nhiều dự án hợp tác thiết thực, hiệu quả, hỗ trợ cho Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, từ quốc phòng - an ninh, đào tạo nâng cao năng lực, khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và biến đổi khí hậu; đề nghị hai bên tích cực phối hợp cụ thể hóa những thỏa thuận cấp cao đã đạt được, tiếp tục đưa hợp tác đi vào chiều sâu tương xứng với khuôn khổ quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Hai lãnh đạo nhất trí tiếp tục thúc đẩy đối thoại, chia sẻ thông tin, tăng cường hiểu biết và tin cậy lẫn nhau; làm sâu sắc hơn hợp tác quốc phòng và an ninh; thúc đẩy hợp tác kinh tế đạt hiệu quả cao hơn, trong đó, đẩy mạnh xúc tiến đầu tư và thương mại, phấn đấu sớm đưa kim ngạch thương mại đạt mục tiêu 20 tỷ USD và tăng gấp đôi đầu tư hai chiều trong 2-3 năm tới. Đồng thời hai nước triển khai các lĩnh vực mới, có tiềm năng như kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, hợp tác về chuyển đổi số, khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn Australia tiếp tục hỗ trợ đào tạo tiếng Anh cho sĩ quan, hỗ trợ Việt Nam tham gia gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc.
Hai nhà lãnh đạo cũng nhất trí tăng cường giao lưu nhân dân, hợp tác giữa các địa phương, góp phần tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước.
Chủ tịch Thượng viện Australia khẳng định, Australia luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho cộng đồng người Việt tại Australia, ghi nhận đề nghị về việc tạo thuận lợi cấp thị thực cho công dân, du học sinh Việt Nam tới Australia.
Hai lãnh đạo nhận định, trong tình hình khu vực, quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, nhiều thách thức an ninh - chiến lược mới phát sinh, tác động nhiều mặt đến môi trường an ninh, phát triển của các nước trong khu vực, Việt Nam và Australia cần tăng cường tham vấn, chia sẻ thông tin, đánh giá và phối hợp chính sách, hợp tác chặt chẽ tại các diễn đàn khu vực, quốc tế, đóng góp tích cực vào việc xây dựng khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương hòa bình, ổn định, hợp tác, thịnh vượng, ASEAN đóng vai trò trung tâm.
Chủ tịch Thượng viện Australia khẳng định lập trường nhất quán của Australia trong vấn đề Biển Đông, ủng hộ lập trường nguyên tắc của Việt Nam và ASEAN trong bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không; giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.