Văn hóa

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 7 nhiệm vụ ngành VHTTDL cần bứt phá trong năm 2025

Hoàng Lân 18/12/2024 13:48

Sáng 18-12, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hoá, thể thao và du lịch năm 2025.

hoi-nghi-van-hoa.jpg
Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hoá, thể thao và du lịch năm 2024. Ảnh: S.T

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh; Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương; lãnh đạo các địa phương.

Hội nghị được kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính tại trụ sở Chính phủ tới trụ sở Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL), cùng hơn 770 điểm cầu tại UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và UBND cấp huyện.

Dự ở đầu cầu thành phố Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà và lãnh đạo một số sở, ngành thành phố.

Nhiều “điểm sáng” trên các lĩnh vực VHTTDL

Báo cáo kết quả thực hiện năm 2024, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, trong lĩnh vực phát triển văn hoá, quản lý di sản, Bộ đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội thông qua Luật Di sản văn hóa; phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hoá giai đoạn 2025-2035…

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa tiếp tục đạt thành tựu mới. Năm 2024 , thêm 9 di tích được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt, 32 di tích được xếp hạng di tích quốc gia, 55 di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia được ghi danh. Việt Nam có thêm 2 di sản được UNESCO ghi danh. Hoạt động công nghiệp văn hóa có nhiều điểm sáng với nhiều sản phẩm công nghiệp văn hóa đặc sắc, như: Lễ hội thiết kế sáng tạo Hà Nội 2024, Liên hoan quốc tế nhạc Jazz lần thứ I - Nha Trang 2024, các đêm diễn “cháy vé” của chương trình “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”...

bo-truong-ng-van-hung.jpg
Bộ trưởng Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng phát biểu. Ảnh: H.L

Trong lĩnh vực thể thao, Việt Nam tham dự các Đại hội thể thao quốc tế để lại nhiều dấu ấn tích cực, đã giành được tổng số 1.214 huy chương quốc tế (trong đó có 482 huy chương vàng, 360 huy chương bạc, 372 huy chương đồng). Đáng chú ý, đội tuyển bóng chuyền nữ Việt Nam lần đầu tiên giành Huy chương đồng tại Cúp bóng chuyền nữ thế giới và lần thứ 2 giành Huy chương vàng Cúp Bóng chuyền châu Á; đội tuyển Futsal nữ Việt Nam xuất sắc đoạt chức vô địch Đông Nam Á.

Lĩnh vực Du lịch phục hồi hoàn toàn so với thời điểm trước dịch Covid-19, đạt 17,5 triệu lượt khách quốc tế, tăng 38,9% so với cùng kỳ năm 2023; 110 triệu lượt khách nội địa, tăng 1,6% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng thu từ khách du lịch ước đạt khoảng 840 nghìn tỷ đồng, tăng 23,8% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam được vinh danh là “Điểm đến di sản hàng đầu thế giới” và lần thứ 4 liên tiếp được vinh danh là “Điểm đến hàng đầu châu Á”…

Về một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, Bộ sẽ tập trung vào việc sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, ổn định hoạt động sau sắp xếp; tiếp tục tham mưu thể chế hoá toàn diện, kịp thời các chủ trương, chính sách mới của Đảng trong lĩnh vực VHTTDL, Hiến pháp năm 2013; tiếp tục tập trung công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống, các giá trị cốt lõi, bản sắc riêng biệt của dân tộc Việt Nam… Phấn đấu năm 2025, ngành Du lịch đón và phục vụ 22-23 triệu lượt khách du lịch quốc tế; 120 -130 triệu lượt khách nội địa. Tổng thu từ du lịch ước đạt 980 - 1.050 nghìn tỷ đồng.

truc-tuyen.jpg
Đại biểu dự trực tuyến tại các đầu cầu. Ảnh: S.T

Hà Nội triển khai hiệu quả “Thành phố sáng tạo”

Tại hội nghị, báo cáo của các địa phương cho thấy, lĩnh vực văn hoá, thể thao, du lịch có nhiều điểm nhấn đáng chú ý.

Phát biểu tham luận tại đầu cầu UBND thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Thu Hà cho biết, thực hiện các Nghị quyết, Chỉ thị của Chính phủ, thành phố Hà Nội về phát triển toàn diện văn hoá, thể thao, du lịch, đến nay, Hà Nội đã tập trung xây dựng các sản phẩm công nghiệp văn hoá gắn với phát triển kinh tế đêm thu hút du khách trong nước và quốc tế tại di tích Nhà tù Hoả Lò, di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám…

pct-vu-thu.-ha.jpg
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội phát biểu tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú

Thành phố đã và đang triển khai có hiệu quả các hoạt động của “Thành phố sáng tạo”, trong đó, phối hợp với Tổ chức UNESCO thực hiện nhiều hoạt động dựa trên 3 trụ cột chính: thiết kế, cộng đồng và sáng tạo. Lễ hội Thiết kế sáng tạo được tổ chức hằng năm mở rộng quy mô, chất lượng, thu hút đông đảo cộng đồng sáng tạo và du khách tham gia. Ngoài ra, thành phố đã thành lập Trung tâm điều phối các không gian sáng tạo.

Năm 2024, Hà Nội tổ chức hơn 3.000 sự kiện và thu hút được đông đảo các chuyên gia, nhà sáng tạo, đội ngũ văn nghệ sĩ và du khách tham gia, trong đó có một số sự kiện tầm quốc gia và quốc tế như: Liên hoan phim quốc tế, các chương trình nghệ thuật với quy mô lớn và các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.

dau-cau-hn(1).jpg
Các đại biểu dự ở đầu cầu Hà Nội. Ảnh: Ngọc Tú.

Nhờ các giải pháp được triển khai hiệu quả, trong ba năm liên tiếp (từ 2022 – 2024), thành phố Hà Nội được tổ chức Du lịch thế giới bình chọn là “Điểm đến du lịch hàng đầu thế giới”, “Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á”. Năm 2024, Thủ đô được bình chọn là “Điểm đến văn hóa hàng đầu Việt Nam”. Cũng trong năm nay, lượng khách đến Hà Nội đạt 27,86 triệu lượt người, tăng 12,7% so với năm 2023, trong đó, khách quốc tế ước đạt 6,35 triệu lượt, tăng 34,4% so với năm 2023. Tổng thu từ du lịch ước đạt trên 110.000 tỷ đồng, tăng 18,3% so với năm 2023.

Thời gian tới, Hà Nội tiếp tục triển khai hiệu quả các chỉ đạo của Trung ương, đặc biệt là cụ thể hóa Luật Thủ đô để ban hành các cơ chế, chính sách đặc thù để phát huy lợi thế về không gian văn hóa phù hợp với quy hoạch; xây dựng, hoàn thiện hệ sinh thái thông minh gắn với chuyển đổi số trong du lịch để tạo lợi thế cạnh tranh trong nước và khu vực…

Ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới

Phát biểu kết luận tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá tổng quát những thắng lợi trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, quốc phòng, đối ngoại, an ninh, an sinh xã hội đã đạt được trong năm 2024. Đây là nền tảng và điều kiện thuận lợi để văn hoá phát triển.

Đánh giá riêng về hoạt động của ngành VHTTDL, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu điểm sáng về chuyển đổi số; sự chuyển biến trong phát triển văn hoá, con người, khẳng định “văn hoá là sức mạnh nội sinh”, “văn hoá soi đường cho quốc dân đi”. Hoạt động thể dục, thể thao có đầu tư trọng tâm, trọng điểm, tuy nhiên, vẫn còn những chỉ tiêu chưa đạt được như mong muốn, cần phải nỗ lực hơn. Du lịch có nhiều điểm sáng với nhiều sản phẩm, chất lượng, tạo được môi trường hưởng thụ cho người dân, thu hút đông du khách.

Đồng tình với những tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra tại hội nghị, Thủ tướng nêu rõ, năm 2025 là năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng - năm tăng tốc, bứt phá, về đích để thực hiện thắng lợi Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025; năm diễn ra nhiều sự kiện trọng đại của đất nước: Kỷ niệm 95 năm thành lập Đảng, 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 80 năm thành lập nước... 2025 cũng là năm tập trung sắp xếp, tinh gọn tổ chức hệ thống chính trị các cấp; tiến hành đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, mở ra kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình, phát triển giàu mạnh, thịnh vượng của dân tộc.

thu-tuong-3.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới. Ảnh: VPCP

Thủ tướng chỉ rõ 7 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới mà ngành VHTTDL cần tập trung thực hiện:

Thứ nhất: Tạo đột phá về thế chế theo hướng dứt khoát từ bỏ tư duy "không quản được thì cấm", kiên quyết loại bỏ cơ chế "xin - cho"; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính gắn với chuyển đổi số…

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển hạ tầng chiến lược, toàn diện các thiết chế VHTTDL, cả về hạ tầng cứng và hạ tầng mềm, hạ tầng kết nối, đặc biệt là hạ tầng số trên cơ sở dữ liệu, trí tuệ nhân tạo.

Thứ ba, đào tạo nhân lực chất lượng cao cho ngành; có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho các ngành nghệ thuật, thể thao; có chính sách giữ chân người tài, động viên người có năng khiếu, đam mê; khuyến khích những người dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới sáng tạo và xử lý những người né tránh, sợ trách nhiệm.

Thứ tư, huy động nguồn lực cho sự phát triển thông qua cơ chế, chính sách phù hợp, nhất là hợp tác công tư, lấy nguồn vốn Nhà nước dẫn dắt, kích hoạt mọi nguồn lực xã hội, của người dân và doanh nghiệp.

Thứ năm, nâng cao năng lực quản lý, quản trị ngành theo hướng thông minh, trên cơ sở dữ liệu.

Thứ sáu, xây dựng các điển hình tiên tiến, nhân rộng các mô hình hay, cách làm tốt, tạo phong trào, xu thế phát triển…

Thứ bảy, tạo cơ hội, cơ chế cho người dân Việt Nam được thụ hưởng thành quả của VHTTDL.

“Ngành VHTTDL phải tăng tốc, bứt phá với tư duy đổi mới, tầm nhìn chiến lược, nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn, phát huy trí tuệ, bản lĩnh, coi trọng thời gian, quyết đoán, quyết liệt để tổ chức thực hiện có hiệu quả các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, kết quả năm 2025 cao hơn năm 2024", Thủ tướng yêu cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ ra 7 nhiệm vụ ngành VHTTDL cần bứt phá trong năm 2025

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.