Trước tình trạng sạt lở đang diễn ra nghiệm trọng tại nhiều địa phương, trong chương trình công tác tại Đồng bằng sông Cửu Long, chiều 11-8, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã khảo sát thực tế, làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh về tình hình và công tác khắc phục sạt lở tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Đầu giờ chiều 11-8, ngay sau khi xuống sân bay Cần Thơ, Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo một số bộ, ngành và lãnh đạo các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu đã đi máy bay trực thăng khảo sát từ trên cao và hạ cánh khảo sát thực địa về tình hình sạt lở bờ biển Khu vực thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng; khảo sát sạt lở tại khu vực biển Nhà Mút và cửa sông Gành Hào, ven biển tỉnh Bạc Liêu; khảo sát tại các khu vực Hốc Năng, Vàm Xoáy, Rạch Gốc (huyện Ngọc Hiển), khu vực Hổ Mồi (huyện Đầm Dơi) và khu vực Đất Mũi Cà Mau, tỉnh Cà Mau.
Sau khi khảo sát thực địa, tối cùng ngày, tại thành phố Cà Mau, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh về tình hình và công tác khắc phục sạt lở tại Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu.
Theo báo cáo của các địa phương, tác động của Biến đổi khí hậu làm nước biển dâng, cùng với tình trạng sụt lún đất và các hình thái thời tiết cực đoan khác đã làm cho bờ sông, bờ biển của các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị sạt lở ngày càng nghiêm trọng.
Tỉnh Cà Mau đến nay đã có 187km bờ biển bị sạt lở, làm mất 5.250ha đất và rừng phòng hộ và 425km bờ sông đã bị và có nguy cơ bị sạt lở. Tại tỉnh Sóc Trăng, từ đầu năm đến nay, hơn 80 đoạn sạt lở bờ sông đã xảy ra, một số vụ rất nghiêm trọng, ảnh hưởng đến tài sản người dân và hạ tầng công cộng và 7km bờ biển bị sạt lở khiến đai rừng phòng hộ không còn. Tại tỉnh Bạc Liêu, 7 tháng đầu năm nay, 8 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển đã xảy ra, làm 119 căn nhà bị sụp và bị ảnh hưởng, gây thiệt hại hàng nghìn ha nuôi trồng thủy sản và nhiều công trình, tài sản.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương đã thảo luận phân tích tình hình, dự báo nguy cơ, nguyên nhân của tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển của các địa phương; tình hình đầu tư, khắc phục sạt lở; đề xuất, kiến nghị về giải pháp khắc phục hậu quả, phòng chống sạt lở bờ sông, bờ biển trong khu vực.
Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức như: tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng; tình trạng sụt lún, hạ thấp nền đất; vấn đề xâm nhập mặn, ô nhiễm môi trường, tình trạng ngập úng khi triều cường xảy ra ở nhiều đô thị… Đặc biệt, tại Đồng bằng sông Cửu Long, tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển, mất rừng ngập mặn ven biển diễn ra nghiêm trọng. Tổng số chiều dài bờ biển khoảng 744 km, đã có tới 286 km bị sạt lở nghiêm trọng.
Để kiểm soát, giảm thiệt hại do sạt lở đất, lũ quét, sạt lở bờ sông, bờ biển, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các địa phương phải chủ động hỗ trợ ổn định đời sống cho các hộ dân khu vực đang bị sạt lở; chủ động di dời ngay các hộ dân ở khu vực nguy cơ cao xảy ra sạt lở, tránh để bị động, bất ngờ dẫn tới thiệt hại tính mạng của người dân khi xảy ra sạt lở. Bên cạnh đó, các địa phương tiếp tục xử lý, khắc phục các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm để bảo đảm an toàn cho người dân và cơ sở hạ tầng quan trọng.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính và các địa phương rà soát, tổng hợp các khu vực sạt lở đặc biệt nguy hiểm, xây dựng dự án để xử lý. Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối, bố trí nguồn lực cả nguồn dự phòng ngân sách trung ương trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương xử lý sớm.
“Cùng với nhiệm vụ cấp bách phòng chống sạt lở, bảo vệ tính mạng của người dân, phải tính chuyện lâu dài với các dự án lớn, có tính chất căn cơ nhằm phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long thích ứng với biến đổi khí hậu”, Thủ tướng chỉ đạo.
Cho rằng về lâu dài, cần đánh giá nguyên nhân sạt lở để có giải pháp phù hợp, bảo đảm hiệu quả, bền vững, tránh tốn kém, Thủ tướng yêu cầu Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Tài nguyên - Môi trường tổ chức nghiên cứu, xác định cụ thể nguyên nhân dẫn tới tình trạng sạt lở bờ sông, xâm thực bờ biển, suy thoái rừng ngập mặn nghiêm trọng hiện nay.
Cùng với đó, kiểm soát chặt chẽ công tác quy hoạch, xây dựng công trình, nhà cửa ven sông, ven biển; chủ động sắp xếp, di dời dân cư, nhất là khu vực có nguy cơ sạt lở cao; quản lý việc khai thác cát, khai thác nước ngầm, rừng ngập mặn; rà soát các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, chủ động đầu tư để phòng ngừa sạt lở; chủ động xây dựng dự án đầu tư mang tính căn cơ, bài bản, bền vững để ngăn ngừa, khắc phục sạt lở, chú trọng trồng, khôi phục rừng ngập mặn ven biển, chủ động di dời dân cư đến nơi an toàn; tiếp tục huy động các nguồn lực của Nhà nước, đồng thời có cơ chế, chính sách phù hợp để xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư các công trình phòng, chống sạt lở.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động nắm tình hình, chỉ đạo, triển khai xử lý, khắc phục tình trạng sạt lở theo chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn được giao, bảo đảm kịp thời, hiệu quả, phù hợp với điều kiện thực tế; kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền chỉ đạo xử lý đối với những vấn đề vượt thẩm quyền.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.