Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, hai bên cũng cần đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, nhất là đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Chiều nay, 26/10, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc hội kiến với Tổng thống Myanmar Htin Kyaw đang có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Myanmar Htin Kyaw. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh Tổng thống Myanmar Htin Kyaw và Phu nhân sang thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam; cảm ơn Tổng thống đã tham dự và đóng góp vào thành công của các hội nghị ACMECS 7, CLMV 8 và WEF-Mekong.
“Việt Nam luôn trân trọng quan hệ hữu nghị truyền thống với Myanmar hơn 40 năm qua”, Thủ tướng bày tỏ và cho biết, hai nước có nhiều điểm tương đồng như về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tôn giáo. Đây là cơ sở quan trọng để đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai nước, nhất là kinh tế, thương mại, đầu tư và du lịch.
Chia sẻ với Chính phủ và nhân dân Myanmar về thiệt hại nặng nề trong trận động đất vừa qua và tán thành với những đề xuất hợp tác song phương hai nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ quan điểm về việc tăng cường mở cửa hội nhập sẽ tạo điều kiện phát triển kinh tế.
Bên cạnh đẩy mạnh quan hệ chính trị, ngoại giao, Thủ tướng cho rằng, hai bên cũng cần đặc biệt coi trọng quan hệ kinh tế, nhất là đánh giá cao vai trò của doanh nghiệp trong thúc đẩy quan hệ kinh tế giữa hai nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị hai nước tháo gỡ các rào cản, tạo điều kiện để doanh nghiệp hai nước đầu tư, sản xuất kinh doanh thuận lợi. Tiếp tục duy trì 12 lĩnh vực hợp tác ưu tiên và các lĩnh vực mới mà hai nước đã thống nhất. Hằng năm, tổ chức các hội chợ thương mại tại mỗi nước để giới thiệu sản phẩm và thu hút các doanh nghiệp đầu tư; duy trì thường xuyên cơ chế họp Tiểu ban hỗn hợp về Thương mại.
Thủ tướng cho rằng, hai nước cần đẩy mạnh hợp tác trên các lĩnh vực có thế mạnh của mỗi bên như nuôi trồng thủy sản, cà phê, hồ tiêu, hạt điều. Ngoài ra, Việt Nam có nhiều ưu thế mạnh về xuất khẩu các mặt hàng nông sản; mong muốn hợp tác chặt chẽ với Myanmar trong lĩnh vực này.
Về phần mình, Tổng thống Myanmar Htin Kyaw trân trọng cảm ơn Nhà nước và Chính phủ Việt Nam đã dành cho Tổng thống và Phu nhân sự đón tiếp chu đáo, nồng hậu. Tổng thống gửi lời chia buồn sâu sắc đến những người dân miền Trung Việt Nam chịu thiệt hại nặng nề do mưa lũ vừa qua; đồng thời tin tưởng Chính phủ Việt Nam sẽ có những biện pháp phù hợp, sớm hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả mưa lũ, ổn định đời sống.
Thủ tướng hội kiến với Tổng thống Myanmar Htin Kyaw. Ảnh: VGP/Quang Hiếu |
Thông báo với Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về kết quả tốt đẹp của cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Tổng thống Htin Kyaw tin tưởng Chính phủ hai nước sẽ có những hành động cụ thể triển khai những định hướng hợp tác giữa hai nước trên cả góc độ song phương và đa phương.
Chúc mừng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và chủ nhà Việt Nam đã tổ chức thành công chuỗi các hội nghị ngoại giao cấp cao ACMECS 7, CLMV 8 và WEF-Mekong, Tổng thống Htin Kyaw cho biết, Việt Nam hiện là nhà đầu tư thương mại lớn ở Myanmar với tổng giá trị đầu tư không ngừng được tăng lên.
Đánh giá quan hệ hợp tác song phương hai nước đang có nhiều phát triển tích cực trên các lĩnh vực tài chính ngân hàng, giao thông vận tải, Tổng thống Myanmar đề nghị hai bên cần mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác trên cơ sở cơ chế phối hợp các tiểu ban theo từng lĩnh vực để đem lại hiệu quả cao hơn trong thời gian tới.
“Chúng tôi hoan nghênh các nhà đầu tư Việt Nam đầu tư vào các lĩnh vực như thủy sản, trồng và chế biến cà phê, hồ tiêu, hạt điều ở Myanmar. Một số địa phương của Myanmar có điều kiện thời tiết giống như các địa phương của Việt Nam, rất thích hợp để trồng các loại cây này. Như ở miền Bắc Myanmar, thích hợp để trồng hồ tiêu, cà phê, còn ở miền Nam, Tây Nam thì thích hợp trồng điều. Chúng tôi biết Việt Nam là nhà xuất khẩu hàng đầu về các sản phẩm cà phê, hồ tiêu, điều”, Tổng thống Htin Kyaw nói. Bên cạnh đó, hai bên cũng cần đẩy mạnh hợp tác về du lịch, nâng cao hơn nữa lượng khác du lịch Việt Nam sang thăm Myamar nhất là việc mở thêm đường bay thẳng của các hãng hàng không Việt Nam kết nối hai nước.
“Myanmar khuyến khích doanh nghiệp Việt Nam sang đầu tư, kinh doanh tại Myanmar, nhất là trong bối cảnh Chính phủ Myanamar ban hành những chính sách mới về cải cách kinh tế, hội nhập quốc tế, tạo môi trường đầu tư thân thiện, thuận lợi cho các nhà đầu tư nước ngoài”, Tổng thống Htin Kyaw cho biết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.