Trong suốt chặng đường qua, ngành xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành Xây dựng.
Tối 10-1-2020, tại Hà Nội, Tổng công ty Xi măng Việt Nam (Vicem) tổ chức kỷ niệm 120 năm Ngày ra đời ngành Xi măng Việt Nam và 90 năm Ngày truyền thống công nhân xi măng.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã tới dự và trao tặng Cờ thi đua Chính phủ cho Tổng công ty Xi măng Việt Nam.
Chủ tịch Hội đồng thành viên, Tổng Giám đốc Vicem Bùi Hồng Minh chia sẻ, công nghệ sản xuất xi măng đến Việt Nam từ năm 1899 - sau khoảng 29 năm phát minh thành tựu hình thành nên cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ hai.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng là nhà máy xi măng đầu tiên ở Việt Nam và Đông Dương được người Pháp khởi công xây dựng vào ngày 25-12-1899.
Cách đây 120 năm, trên ngã ba sông Cấm và kênh đào Hạ Lý xưa, nhà máy xi măng đầu tiên của Việt Nam chính thức ra đời.
Nhà máy Xi măng Hải Phòng nay là Công ty cổ phần Xi măng Vicem Hải Phòng luôn là đơn vị đi đầu, là nơi giữ vững được ngọn lửa truyền thống của ngành Xi măng Việt Nam.
Hành trình 120 năm của xi măng Hải Phòng là những trang sử hào hùng, oanh liệt, nhưng thấm đẫm máu xương của lớp lớp thế hệ công nhân xi măng đã hy sinh để bảo vệ nhà máy; là những thành tựu to lớn, vượt khó để “sản xuất thật nhiều xi măng cho Tổ quốc” như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lần về thăm nhà máy.
Trong suốt chặng đường qua, ngành Xi măng Việt Nam ghi nhận bước phát triển vượt bậc, đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước cũng như ngành Xây dựng. Trong số đó, tiên phong đi đầu là Vicem - thương hiệu xi măng lớn nhất Việt Nam, hiện chiếm khoảng 37% thị phần trong nước.
Từ Liên hiệp Các xí nghiệp xi măng (nay là Tổng công ty Xi măng Việt Nam - Vicem) được thành lập ngày 1-10-1979 với công suất ban đầu chỉ hơn 700.000 tấn/năm, đến nay, trải qua nhiều giai đoạn phát triển, Vicem đã trở thành tổng công ty lớn với 7 thương hiệu mạnh cùng 16 dây chuyền sản xuất hiện đại tiên tiến, đạt tổng công suất trên 33 triệu tấn/năm. Vicem hiện là nhà sản xuất xi măng lớn nhất Đông Nam Á.
Kể từ năm 1993 đến nay, ngành xi măng đã có bước phát triển vượt bậc với nhiều hình thức đầu tư, như nhà máy thuộc hệ thống Vicem; nhà máy xi măng do các bộ, ngành, doanh nghiệp tư nhân đầu tư; nhà máy xi măng liên doanh với nước ngoài.
Thế kiềng 3 chân đã hình thành mà chủ đạo dẫn dắt thị trường là Vicem cùng với sự tham gia của khối liên doanh và khối các tập đoàn tư nhân, nhà máy xi măng địa phương.
Từ nước thiếu xi măng trầm trọng trước năm 1993, đến nay tổng công suất thiết kế đã tăng gấp nhiều lần, khoảng 100 triệu tấn/năm, đưa Việt Nam trở thành nước đứng đầu khối ASEAN về sản lượng và đứng thứ 5 thế giới về sản xuất và tiêu thụ xi măng.
Trong suốt chiều dài lịch sử hình thành và phát triển, ngành Xi măng đã đóng góp quan trọng vào sự phát triển của đất nước. Công nghệ sản xuất xi măng có nhiều bước tiến vượt bậc.
Từ các nhà máy có công nghệ lò đứng, đến nay hầu hết các nhà máy xi măng ở Việt Nam sử dụng công nghệ lò quay hiện đại. Sản xuất chuyển từ phương pháp ướt đến phương pháp khô. Xi măng cũng là ngành được đánh giá có nhiều sáng tạo, phát triển công nghệ tiên tiến, hiện đại và ứng dụng nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.
Vicem xác định, việc tăng trưởng sản lượng doanh thu đóng góp vào tăng trưởng của ngành Xây dựng nói riêng cũng như tăng trưởng kinh tế nói chung dựa trên 2 trụ cột là phát huy tối đa nội lực và tận dụng năng lực sản xuất xã hội.
Vicem tiếp tục áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ, kết hợp với cải tiến chiều sâu, xử lý các “nút thắt” trong dây chuyền công nghệ để tối ưu hóa sản xuất, cải thiện năng suất thiết bị, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Theo Chủ tịch Hội đồng thành viên Vicem Bùi Hồng Minh, trải qua 120 năm phát triển, ngành Xi măng Việt Nam đã có quy mô trên 100 triệu tấn, xuất khẩu 30 triệu tấn/năm.
Dù vậy, sau một giai đoạn phát triển nóng, ngành Xi măng đã bộc lộ nhiều vấn đề bất cập. Lượng cung xi măng lớn hơn cầu 30 triệu tấn, đặt ngành sản xuất này phải tái cấu trúc.
Năm 2019, Vicem đạt doanh thu hơn 36.000 tỷ đồng, lợi nhuận đạt 3.300 tỷ đồng. Sau hơn 1 năm tái cơ cấu, ngành Xi măng đã phát triển theo chiều sâu, giảm đầu tư phát triển theo chiều ngang.
Chặng đường lịch sử đã qua, Vicem đã và đang vươn tầm mạnh mẽ, tiếp tục khẳng định vị trí số 1 trong nền công nghiệp xi măng Việt Nam.
Tại buổi lễ, ghi nhận những bước phát triển của Vicem, Bộ trưởng Bộ Xây dựng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh, Vicem đã thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Chính phủ trong nhiệm vụ dẫn dắt, điều tiết, bình ổn thị trường trong nước.
"Để đáp ứng yêu cầu công cuộc đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa, Vicem cần tiếp tục đầu tư phát triển năng lực sản xuất theo quy hoạch và yêu cầu của thị trường; phân bổ các cơ sở sản xuất phù hợp, làm tốt thị trường; đẩy mạnh đổi mới sáng tạo, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, quản lý...; triệt để tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, nhiên liệu và bảo vệ môi trường...; tạo sự gắn bó giữa các đơn vị thành viên để tạo sức mạnh tổng thể của ngành", Bộ trưởng Phạm Hồng Hà nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.