Chiều nay (21-10), tại trụ sở Chính phủ, tiếp Điều phối viên Liên hợp quốc (LHQ), ông Kamal Malhotra và Trưởng đại diện các tổ chức LHQ tại Việt Nam, Thủ tướng nêu rõ, Việt Nam luôn coi LHQ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là đối tác quan trọng hàng đầu.
Gửi lời chúc mừng Ngày thành lập LHQ (24-10), Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, đây là một dấu mốc quan trọng, đánh dấu 75 năm chặng đường hoạt động của LHQ trong vai trò là trung tâm điều phối chung hành động của các quốc gia nhằm giải quyết các vấn đề toàn cầu, vì hòa bình, an ninh, thịnh vượng và phát triển bền vững của các dân tộc.
Thủ tướng cho biết, gần đây, đã cùng lãnh đạo nhiều quốc gia thành viên gửi thông điệp tại Phiên cấp cao Đại hội đồng LHQ nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập; mong muốn cộng đồng quốc tế tăng cường hơn nữa đoàn kết, hợp tác quốc tế, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương với trung tâm là LHQ, tuân thủ Hiến chương, luật pháp quốc tế, triệt để tôn trọng độc lập, chủ quyền của các quốc gia cũng như đặt con người vào vị trí trung tâm của mọi nỗ lực phát triển.
“Việt Nam luôn coi LHQ là một trong những ưu tiên trong chính sách đối ngoại của Việt Nam, là đối tác quan trọng hàng đầu”, Thủ tướng nói. Các tổ chức phát triển và chuyên môn của LHQ là những người bạn quý báu, đã hỗ trợ Việt Nam rất nhiều từ những năm tháng khó khăn sau chiến tranh.
“Cho đến ngày nay, dù Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong phát triển kinh tế - xã hội, chúng tôi vẫn luôn ý thức sâu sắc về tầm quan trọng của mối quan hệ hợp tác nhiều mặt, hiệu quả giữa Việt Nam - LHQ”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng cho biết, Việt Nam đã sớm kiểm soát được dịch Covid-19 cùng với nỗ lực thực hiện mục tiêu kép, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội. Năm nay, Việt Nam có thể đạt tăng trưởng 2-3%, là nước tăng trưởng dương duy nhất ở ASEAN, quy mô kinh tế có thể đứng thứ tư ASEAN.
Thay mặt “gia đình LHQ” tại Việt Nam, ông Kamal Malhotra cảm ơn lời chúc mừng của Thủ tướng nhân dịp kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ. Ông gửi lời chia buồn sâu sắc tới Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân Việt Nam về những thiệt hại và mất mát to lớn về người và tài sản, về cơ sở hạ tầng thiết yếu do bão, lũ và sạt lở đất gây ra tại các tỉnh miền Trung, trong đó có cả những hy sinh to lớn của các cán bộ, chiến sĩ quân đội khi cứu hộ người dân.
LHQ đang hỗ trợ và cử các nhân viên tham gia các đoàn đánh giá nhanh tại hiện trường và sau đó sẽ thực hiện các hoạt động đáp ứng hỗ trợ với góc độ “một LHQ thống nhất”, ông Kamal Malhotra nói. Ông bày tỏ cảm ơn Việt Nam đã ủng hộ rất mạnh mẽ và có những đóng góp quý báu cho LHQ và chủ nghĩa đa phương, đặc biệt trong bối cảnh toàn cầu với rất nhiều thách thức hiện nay.
Đánh giá cao đóng góp của Việt Nam vào nỗ lực chống biến đổi khí hậu, ông cho biết, LHQ tại Việt Nam cũng đang đóng vai trò chủ đạo trong việc hỗ trợ tổ chức sự kiện Phụ nữ hòa bình và an ninh toàn cầu do Việt Nam đăng cai tổ chức vào đầu tháng 12. Chương trình và phương thức để thực hiện các hoạt động này hiện đang gấp rút hoàn thiện. Với tư cách là Chủ tịch ASEAN, Việt Nam đã và đang đóng góp vai trò lãnh đạo quan trọng, bao gồm cả các hoạt động ứng phó với Covid-19.
Chúc mừng đến Chính phủ và nhân dân Việt Nam vì đã ngăn chặn thành công Covid-19, ông Kamal Malhotra nêu rõ, LHQ là đối tác chặt chẽ của Việt Nam về ứng phó liên quan đến các vấn đề sức khỏe, đặc biệt thông qua WHO, Văn phòng Điều phối viên thường trú và các cơ quan khác của LHQ.
“Chúng tôi cũng đang hỗ trợ Việt Nam rất tích cực thông qua kế hoạch ứng phó Covid-19 về kinh tế - xã hội và chúng tôi sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các cơ quan của Chính phủ trong lĩnh vực này”, ông Kamal Malhotra nói.
Nhân dịp này, ông đã gửi Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hai báo cáo gần đây của LHQ, đó là báo cáo toàn cầu của Tổng Thư ký LHQ về Covid-19 và bảo hiểm y tế toàn dân, và một báo cáo khác dành riêng cho Việt Nam là báo cáo đánh giá tác động kinh tế - xã hội của Covid-19. Trong các báo cáo này có những khuyến nghị rất cụ thể để có thể đạt được các mục tiêu phát triển bền vững, “không để ai bị bỏ lại phía sau” mà “chúng tôi rất hy vọng các ngài sẽ thấy là hữu ích”, ông Kamal Malhotra nói.
Ông mong muốn sớm ký kết khung hợp tác phát triển bền vững mới của LHQ giai đoạn 2022-2026 với Việt Nam trong năm 2021.
Ghi nhận ý kiến của ông Kamal Malhotra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chúc mừng việc Chương trình lương thực thế giới (WFP) được trao tặng giải thưởng Nobel Hòa bình. Đây là sự ghi nhận xứng đáng của cộng đồng quốc tế đối với những đóng góp tích cực của LHQ nói chung và WFP nói riêng, và cũng là sự khẳng định về tầm quan trọng của hợp tác đa phương hiện nay. Việt Nam rất coi trọng lĩnh vực nông nghiệp cũng như sản xuất, xuất khẩu lương thực, đây là chỗ dựa vững chắc, giúp ổn định đời sống nhân dân, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19.
Việt Nam đang tích cực chuẩn bị cho Đại hội lần thứ XIII của Đảng, đang lấy ý kiến của toàn dân về các văn kiện của Đại hội, “trong quá trình này, chúng tôi luôn trân trọng các ý kiến đề xuất, tư vấn, kinh nghiệm quốc tế của các cơ quan LHQ”, Thủ tướng nói. Sau 75 năm hoạt động, LHQ cũng đứng trước yêu cầu cần đẩy mạnh cải tổ hệ thống phát triển với kỳ vọng xây dựng một thế hệ mới các tổ chức LHQ tại cấp quốc gia, khu vực và toàn cầu. Việt Nam luôn ủng hộ và sẵn sàng đóng góp vào những nỗ lực này của LHQ.
“Đối với LHQ, chúng tôi có thể dùng cụm từ: Trân trọng, thân thiện, hữu nghị và thái độ xây dựng”, Thủ tướng nói, đồng thời đề nghị các tổ chức LHQ chủ động thông tin dự báo về những xu hướng mới, các khủng hoảng có thể xảy ra ở khu vực, quốc tế và tác động đối với Việt Nam.
Đánh giá cao nỗ lực của LHQ tại Việt Nam trong việc kịp thời có nhiều báo cáo đánh giá tác động của Covid-19 đối với kinh tế - xã hội Việt Nam, Thủ tướng cho biết, đã nhận được báo cáo về những tài liệu tư vấn chính sách của LHQ trên nhiều lĩnh vực quan trọng… Đây sẽ tiếp tục là nguồn tham khảo hữu ích của Chính phủ Việt Nam trong xây dựng, triển khai chiến lược phát triển kinh tế - xã hội đất nước.
Thủ tướng mong muốn các tổ chức LHQ tăng cường tư vấn chính sách hỗ trợ Chính phủ Việt Nam điều hành hiệu quả kinh tế - xã hội, đặc biệt là đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng trên cơ sở phát huy tiến bộ khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, sử dụng hiệu quả các nguồn lực; tăng cường xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng và phát triển đô thị; phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn kết chặt chẽ với nhu cầu thị trường; đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng xanh hóa và tuần hoàn, tăng khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu, giảm phát thải nhà kính, cải thiện tình trạng ô nhiễm môi trường, bảo vệ đa dạng sinh học, an ninh nguồn nước và thúc đẩy phát triển bền vững kinh tế biển.
Hiện đang ở năm cuối triển khai Kế hoạch Chiến lược chung LHQ (One Strategic Plan) giai đoạn 2017-2021. Thủ tướng đề nghị các tổ chức LHQ sớm đánh giá hiệu quả các hoạt động đã triển khai và sớm xây dựng Kế hoạch chiến lược chung cho giai đoạn tiếp theo.
Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục thúc đẩy các hoạt động hợp tác với LHQ, tạo điều kiện cho các tổ chức phát triển LHQ tại Việt Nam triển khai hiệu quả, kịp thời các chương trình, dự án hợp tác, cũng như phối hợp trong việc thực hiện hiệu quả cải tổ hệ thống phát triển LHQ, Thủ tướng nêu rõ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.