Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nâng cao chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành y, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc

Thu Trang| 21/08/2022 14:30

(HNMO) - Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững” do Bộ Y tế tổ chức sáng 21-8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Do đó, cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ; đề xuất các chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc…

Toàn cảnh hội nghị tại điểm cầu Bộ Y tế.

Hội nghị được kết nối với điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trên cả nước. Cùng dự tại điểm cầu của Bộ Y tế có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, cùng đại diện các bộ, ngành trung ương và các đơn vị thuộc Bộ Y tế. 

Chế độ chính sách cho nhân viên y tế lạc hậu, chậm thay đổi

Báo cáo tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, cùng với toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, ngành Y tế đã vượt qua nhiều khó khăn, thử thách do đại dịch Covid-19 để thực hiện kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. 

Cũng theo Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan, Việt Nam là quốc gia có số liều vắc xin phòng Covid-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vắc xin cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vắc xin cao và tốc độ tiêm nhanh. Tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển như: Mỹ, Đức, Italia, Pháp...

Cùng với những kết quả đạt được, tại hội nghị, Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế của ngành. Cụ thể là, tình trạng thiếu thuốc, thiết bị, vật tư y tế xảy ra tại nhiều cơ sở khám, chữa bệnh. Hệ thống thể chế còn nhiều bất cập, quy định cho phép việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư còn nhiều hạn chế. Điều này đã bộc lộ rõ trong giai đoạn phòng, chống dịch vừa qua.

“Tình trạng quá tải vẫn chưa được giải quyết triệt để ở các bệnh viện tuyến cuối. Giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh, chưa tính đúng, đủ chi phí thực tế gây ảnh hưởng đến hạch toán thu chi của các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là trong bối cảnh các bệnh viện thực hiện theo cơ chế tự chủ... Cùng với đó là tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế tại các cơ sở y tế khu vực công lập”, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết thêm. 

Theo báo cáo của Bộ Y tế, từ đầu năm 2021 đến ngày 30-6-2022, có 9.467 viên chức y tế xin thôi việc hoặc bỏ việc, gồm 8.692 viên chức y tế thuộc quyền quản lý của sở y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và 775 viên chức y tế thuộc thẩm quyền quản lý của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ Y tế. Trong số này có 2.989 bác sĩ, 2.907 điều dưỡng, 561 kỹ thuật y và 3.010 viên chức y tế khác.

Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng, chế độ, chính sách đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực ngành Y tế chưa bảo đảm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của phần lớn cán bộ y tế, chưa tương xứng nếu so sánh với quá trình đào tạo, cũng như với các ngành, lĩnh vực khác. Đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua.

Cũng tại hội nghị, ông Nguyễn Tri Thức, Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy (thành phố Hồ Chí Minh) dẫn chứng, chế độ chính sách cho nhân viên y tế chưa phù hợp, lạc hậu, chậm thay đổi. Hiện phụ cấp trực, phụ cấp phẫu thuật thủ thuật được thực hiện theo Quyết định số 73/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định một số chế độ phụ cấp đặc thù đối với công chức, viên chức, người lao động trong các cơ sở y tế công lập và chế độ phụ cấp chống dịch. Sau hơn 10 năm, mức chi phụ cấp này không còn phù hợp. 

Cụ thể, mức phụ cấp trực 24/24 giờ là 115.000 đồng/người/phiên trực, hỗ trợ tiền ăn 15.000 đồng/người/phiên trực đối với bệnh viện hạng I, hạng đặc biệt. Mức phụ cấp phẫu thuật cho ca mổ loại đặc biệt là 280.000 đồng/ca, ca mổ loại 1 là 125.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính.

“Một ca mổ đặc biệt thông thường kéo dài từ 4 tới 6 giờ, thậm chí có ca trên 8 giờ như phẫu thuật tim liên quan đến động mạch chủ vẫn chỉ nhận được mức phụ cấp là 280.000 đồng/ca cho phẫu thuật viên chính thật sự không tương xứng với sức lao động của bác sĩ”, ông Nguyễn Tri Thức nói.

Do đó, các bệnh viện đề xuất, phải thay đổi tăng mức phụ cấp cho người lao động, tái tạo sức lao động, đặc biệt là lao động về lĩnh vực y tế, chăm sóc sức khỏe người dân. 

Đề xuất công nhận liệt sĩ với thầy thuốc tử vong khi chống dịch

Lãnh đạo Bộ Y tế nhận định, tình trạng cán bộ y tế khu vực công lập nghỉ việc, bỏ việc thời gian vừa qua về lâu dài sẽ tác động đến việc triển khai công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu của hệ thống y tế và bảo đảm công bằng của người dân khi khám, chữa bệnh.

Chính vì vậy, Quyền Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất, kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ quan tâm xem xét, chỉ đạo 10 vấn đề lớn của ngành Y tế, trong đó có 4 nội dung về nâng cao chế độ đãi ngộ, thu hút nguồn nhân lực y tế.

Thứ nhất, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ có chính sách quy định hỗ trợ tiền đóng học phí cho học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe, đặc biệt chuyên ngành khó tuyển, các ngành phục vụ cho hệ thống y tế dự phòng, y tế cơ sở như chính sách với sinh viên sư phạm.

Theo Bộ Y tế, hiện Nhà nước chưa có chính sách hỗ trợ thích hợp như chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt... để thu hút học viên, sinh viên giỏi vào học ngành Y, tạo điều kiện thuận lợi khi học xong được phục vụ đúng ngành, chuyên ngành đào tạo trong hệ thống y tế.

Thứ hai, Bộ Y tế kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định sửa đổi Nghị định 56 năm 2011 của Chính phủ, trong đó, tăng phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên 100%.

Thứ ba, Bộ Y tế đề xuất, Chính phủ sớm xem xét và ban hành Nghị quyết về giải pháp, chính sách hỗ trợ cho nhân viên y tế thôn bản; thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành Y tế. Chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ sau khi tuyển dụng được xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.

Lý do được Quyền Bộ trưởng Y tế đưa ra là do thời gian học tập, thực hành của nhóm chức danh này kéo dài hơn so với các ngành nghề khác trong hệ thống chính trị.

Thứ tư, Bộ Y tế đề xuất, công nhận liệt sĩ đối với các cán bộ, nhân viên y tế hy sinh do mắc Covid-19 trong khi trực tiếp thực hiện nhiệm vụ phòng, chống dịch. Đây không phải lần đầu cơ quan của Bộ Y tế đề xuất nội dung này. 

Đại diện Công đoàn Y tế Việt Nam cho biết, hơn 2 năm chống dịch Covid-19, đã có ít nhất 10 nhân viên y tế (bao gồm bác sĩ, dược sĩ, y sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh và kỹ thuật viên) tử vong trong quá trình tham gia thực hiện các nhiệm vụ phòng, chống dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng cho rằng, muốn giải quyết vấn đề giữ biên chế cho ngành Y nói chung cần tăng thu nhập cho cán bộ, nhiên viên y tế thông qua việc tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế. 

“Phải giải quyết được nút thắt trong việc tính đúng, tính đủ, có thể mức chưa được như các nước khác nhưng không thể như bây giờ. Chúng ta cũng phải tăng đầu tư ngân sách. Hiện nay, cứ 100 đồng tiền mua bảo hiểm y tế thì có 60 đồng của người dân và 40 đồng của ngân sách nhà nước, do đó, cần phải tăng mức này. Không thể nào đòi chữa bệnh như các nước tiên tiến nhất mà giá lại như nước nghèo nhất. Chúng ta hiện nay có 8,8 bác sĩ/vạn dân, trong khi con số này ở Australia là 36, Pháp là 34, Trung Quốc là 22…”, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo tại hội nghị.

Nâng cao chế độ đãi ngộ với ngành Y tế

Phát biểu kết luận và chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, thời gian qua, đội ngũ cán bộ, y, bác sĩ, nhân viên y tế đã trải qua rất nhiều khó khăn, nhiều cung bậc cảm xúc, tâm tư, tâm trạng rất khác nhau. Tất cả những cảm xúc đó được thấy trong các báo cáo, tham luận và phát biểu đầy tâm huyết, trách nhiệm, sát thực tế, phù hợp hoàn cảnh hiện nay của các đồng chí tại hội nghị hôm nay. Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân luôn thấu hiểu, chia sẻ và tin tưởng vào nỗ lực, quyết tâm vượt khó, trách nhiệm và có những giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc của ngành Y.

“Chúng ta không bao giờ quên được những ngày tháng cam go, vất vả, những hy sinh, mất mát trong cuộc chiến phòng, chống dịch Covid-19. Đảng, Nhà nước và nhân dân không bao giờ quên những vất vả, hy sinh và sự cống hiến thầm lặng, hết mình, không mệt mỏi của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế trong phòng, chống dịch, được cả xã hội trân trọng”, Thủ tướng bày tỏ.

Tuy nhiên, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng thẳng thắn nhìn nhận, ngành Y tế vẫn còn những hạn chế, khuyết điểm, bất cập. Cụ thể, hệ thống thể chế, chính sách, tài chính trong lĩnh vực y tế còn bất cập, nhiều quy định chưa rõ ràng, rườm rà về thủ tục hành chính, chưa bao quát được hết các khía cạnh (như trong việc mua sắm, đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế, đầu tư…). Tình trạng thiếu thuốc điều trị, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế ở một số bệnh viện, địa phương chưa được xử lý dứt điểm. Trong khi năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế thì tình trạng quá tải ở các bệnh viện tuyến cuối vẫn là vấn đề nhức nhối. Bên cạnh đó, thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn. Nhiều vụ việc vi phạm pháp luật, tiêu cực, nhất là trong mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế phục vụ phòng, chống dịch, lợi dụng dịch bệnh để trục lợi gây dư luận bức xúc trong xã hội…

Nhận thức rõ những khó khăn, thách thức song Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng chỉ ra nhiều cơ hội lớn để ngành Y tế phát triển. Đó là đội ngũ 500.000 cán bộ y tế của nước ta có kiến thức rộng, chuyên môn sâu, tay nghề tốt, có tinh thần đoàn kết, trách nhiệm cao, bản lĩnh vững vàng. Trình độ trong một số lĩnh vực y học của Việt Nam ngang tầm với trình độ của thế giới. 

Vẫn còn đâu đó có những bức xúc về y đức của thầy thuốc, về sự tắc trách, thiếu tinh thần trách nhiệm của cơ sở y tế nào đó, nhưng theo Thủ tướng, đó chỉ là số ít, cá biệt.

Các điểm cầu tham dự hội nghị trực tuyến “Nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững”.

Tại hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng nhấn mạnh đến nhiều nội dung mà ngành Y tế cần thực hiện trong thời gian tới. Đầu tiên là việc tiếp tục triển khai hiệu quả, đồng bộ chương trình phòng, chống dịch Covid-19, trong đó đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin an toàn, khoa học, hiệu quả. 

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, ngành Y tế khẩn trương rà soát, nghiên cứu, kịp thời hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách y tế cho cả trước mắt và lâu dài; bám sát thực tiễn, phát hiện nhanh các vấn đề phát sinh mà cơ chế, chính sách chưa đề cập hoặc đã có nhưng chưa theo kịp thực tiễn để đưa ra giải pháp xử lý phù hợp.

“Chúng ta cần quan tâm động viên, nâng cao chế độ đãi ngộ đối với đội ngũ cán bộ y tế; tiếp tục quán triệt, thể chế hóa kịp thời quan điểm “nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt”. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất các chế độ, chính sách tiền lương, phụ cấp cho cán bộ ngành Y tế, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc; các chính sách ưu đãi đặc thù ngành; các chính sách hỗ trợ học viên, sinh viên các ngành thuộc lĩnh vực sức khỏe; chính sách về công nhận liệt sĩ khi hy sinh và có biện pháp phù hợp, hiệu quả để bảo vệ nhân viên y tế trong khi làm nhiệm vụ”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thủ tướng cũng cho rằng, ngành Y cũng phải quan tâm phát triển hệ thống y tế, nhất là y tế cơ sở, y tế dự phòng kết hợp ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ. Khẩn trương rà soát các quy định về xã hội hóa, hợp tác công - tư, phát triển y tế tư nhân; tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án đầu tư xây dựng cơ sở 2 Bệnh viện Bạch Mai và cơ sở 2 Bệnh viện Hữu nghị Việt - Đức.

Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu, sớm hoàn thành phương án thực hiện chủ trương tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế; tiếp tục thực hiện lộ trình về tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế gắn với giảm chi tiền túi của người dân.

“Theo số liệu báo cáo, nhiều năm qua, chỉ số chi tiền túi cho y tế ở nước ta vẫn còn cao, trên 40%. Do đó, phải giảm tiền túi cho y tế của nước ta, cho người dân. Đóng bảo hiểm mà vẫn phải chi hơn 40% tiền túi thì phải xem lại vấn đề này”, Thủ tướng nói.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: Nâng cao chế độ đãi ngộ cho cán bộ ngành y, hạn chế tình trạng nghỉ việc, chuyển việc

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.