Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tướng Chính phủ nêu 6 vấn đề để thực thi hiệu quả EVFTA

Vĩnh Hà| 06/08/2020 10:20

(HNMO) - Sáng 6-8, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì hội nghị trực tuyến Triển khai kế hoạch thực thi Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA).

Quang cảnh hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ.

Tham dự tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, các hiệp hội ngành nghề, Đại sứ 7 nước Liên minh châu Âu (EU), đại diện phái đoàn EU tại Việt Nam. Lãnh đạo 63 tỉnh, thành phố tham dự tại các điểm cầu.

Tại điểm cầu thành phố Hà Nội có Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành liên quan.

Cùng hành động thực thi hiệu quả EVFTA

Hội nghị nhằm mục tiêu trao đổi, thảo luận các biện pháp thực thi EVFTA một cách đồng bộ và hiệu quả trong bối cảnh diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19. Hội nghị cũng là dịp triển khai đồng bộ tới các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp cả nước kế hoạch thực thi EVFTA.

Phát biểu khai mạc hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, EVFTA là hiệp định toàn diện, độ mở lớn và cân bằng lợi ích cho cả hai bên. Riêng với Việt Nam, nghiên cứu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong điều kiện bình thường, EVFTA góp phần giúp GDP tăng bình quân 3,25% giai đoạn 5 năm đầu thực hiện, 3% cho 5 năm tiếp theo và lên đến 7,72% cho 5 năm sau đó.

Trong một nghiên cứu khác của Ngân hàng Thế giới, nếu thực hiện đồng thời cả EVFTA và CPTPP (Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương), GDP của Việt Nam có thể tăng tới 32% trong giai đoạn 2021-2030. Không chỉ thế, EVFTA còn giúp tăng thêm gần 150.000 việc làm mỗi năm. Hiệp định thế hệ mới này được kỳ vọng hỗ trợ Việt Nam và EU đẩy mạnh các nỗ lực khôi phục kinh tế bị ảnh hưởng nặng nề do đại dịch Covid-19 vẫn đang diễn biến phức tạp.

Tuy có nhiều cơ hội mở ra, song Thủ tướng cũng chỉ rõ: “Một trong những tồn tại lớn nhất là nhận thức của các doanh nghiệp về EVFTA còn hạn chế và việc tận dụng cơ hội còn khiêm tốn. Nhiều cơ quan còn chậm xây dựng văn bản pháp luật liên quan, hướng dẫn thực thi còn thiếu thống nhất gây khó cho doanh nghiệp. Đồng thời, chúng ta còn nhiều hạn chế về hạ tầng cơ sở, nguồn nhân lực chất lượng…”.

Thủ tướng đề nghị, các bộ, ngành, địa phương và cộng đồng doanh nghiệp tập trung thảo luận về một số vấn đề: Thứ nhất, tại sao hoạt động hội nhập kinh tế quốc tế nói chung, của EVFTA nói riêng chưa hiệu quả. Thứ hai, tại sao việc tận dụng cơ hội từ EVFTA chưa được như mong đợi. Thứ ba, làm thế nào để đào tạo nguồn nhân lực chất lượng có kinh nghiệm. Thứ tư, phải làm gì để nâng cao chất lượng hạ tầng. Thứ năm, phải làm gì để tất cả người dân, doanh nghiệp, cơ quan quản lý quan tâm cùng hành động. Thứ sáu, EVFTA có hiệu lực, nhiều sản phẩm của Việt Nam phải cạnh tranh trên thị trường nội địa, không thể đóng cửa hay lập hàng rào bảo hộ, chúng ta sẽ thực hiện đúng cam kết, quản lý tốt thị trường, tạo môi trường kinh doanh lành mạnh; vậy Chính phủ và doanh nghiệp cần làm gì?

Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, từ kinh nghiệm thực thi CPTPP trong hơn một năm qua, kế hoạch thực hiện EVFTA của Chính phủ, các bộ, ngành và địa phương càng được ban hành sớm với những hoạt động cụ thể, đúng trọng tâm, trọng điểm thì hiệp định sẽ thực sự đi vào cuộc sống càng nhanh và hiệu quả.

Điểm lại 5 nhóm công việc lớn cần làm trong kế hoạch thực thi EVFTA của Chính phủ, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết, thời gian qua, thực hiện ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương đã và đang tích cực đôn đốc, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương để triển khai ngay và hiệu quả các nhóm công việc này. Bộ Công Thương cũng đưa ra kiến nghị các giải pháp cụ thể, tập trung vào các nội dung: Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến về hội nhập kinh tế quốc tế nói chung và EVFTA nói riêng; đẩy mạnh cải cách hành chính; nâng cao năng lực cạnh tranh; nâng cao nhận thức của người nông dân và doanh nghiệp sản xuất…

Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà cho biết, trên cơ sở kế hoạch của Chính phủ và các nội dung công việc của Bộ Tài chính, kế hoạch thực hiện của Bộ xác định các nhiệm vụ chủ yếu bao gồm: Công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin; công tác xây dựng pháp luật, thể chế; nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, an sinh xã hội và phát triển bền vững.

Công tác xây dựng pháp luật, thể chế trong lĩnh vực tài chính để thực thi EVFTA tập trung vào những nội dung sau: Trình Chính phủ ban hành Nghị định về Biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, Biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt của Việt Nam để thực hiện EVFTA giai đoạn 2020-2022; hoàn thiện pháp luật thể chế trong lĩnh vực Hải quan để thực thi cam kết EVFTA; hoàn thiện pháp luật, thể chế trong lĩnh vực bảo hiểm...

Để triển khai hiệu quả EVFTA, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, Bộ đã xây dựng chương trình hành động, tập trung vào 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp.

Trong đó, các dự án của nhà đầu tư EU sẽ được thu hút có chọn lọc, chất lượng, tập trung vào các lĩnh vực mà EU có tiềm năng và thế mạnh như: Công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ cao, năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

Cũng trong khuôn khổ hội nghị, đại diện các bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và xã hội, Phòng Công nghiệp và Thương mại Việt Nam, cùng đại diện các hiệp hội ngành hàng đã đưa ra nhiều ý kiến, kiến nghị nhằm triển khai hiệu quả EVFTA.

Hà Nội triển khai 5 nội dung để EVFTA đạt hiệu quả cao

Phát biểu tại hội nghị trực tuyến, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hiện nay, 23/27 quốc gia EU đang đầu tư tại thành phố Hà Nội, với tổng vốn đầu tư đạt 4,16 tỷ USD, chiếm 10% tổng số các nhà đầu tư nước ngoài vào Hà Nội. Các lĩnh vực đầu tư chủ yếu của các nhà đầu tư châu Âu là công nghiệp phụ trợ, sản xuất hàng hóa công nghệ cao.

Hằng năm, xuất khẩu vào EU chiếm tỷ trọng từ 12 đến 15% tổng số hàng xuất khẩu của Hà Nội, phần lớn là giày dép, rau củ quả chất lượng cao, hàng điện tử... 7 tháng năm 2020, xuất khẩu của Hà Nội vào EU đạt 998 triệu USD. Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung cho biết, Hà Nội đang tập trung triển khai 5 nội dung lớn để việc thực thi EVFTA đạt hiệu quả cao.

Thứ nhất, chuẩn bị dự thảo kế hoạch về triển khai toàn diện xúc tiến đầu tư và hợp tác giữa Hà Nội với các nước EU, nhất là những địa phương của các nước có quan hệ lâu dài, truyền thống với Hà Nội.

Thứ hai, đặt trọng tâm vào tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tiếp tục thu hút nguồn đầu tư từ EU vào Hà Nội, trong đó tập trung xúc tiến đầu tư với các dự án chuyển giao công nghệ cao trong các lĩnh vực y tế, dược, sản xuất công nghiệp phụ trợ, sản xuất chế biến nâng cao giá trị sản phẩm nông sản, hải sản của Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Thứ ba, đẩy mạnh chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ của thành phố để thúc đẩy các chương trình chuyển giao, mua bán công nghệ, ứng dụng công nghệ 4.0, số hóa nền kinh tế, nâng cao chất lượng các sản phẩm, dịch vụ. EU là thị trường thứ tư về khách du lịch đến Hà Nội. Dù hiện có sự suy giảm do dịch Covid-19 nhưng đây là đối tượng khách hàng có mức chi tiêu cao, nên vẫn là khách hàng trọng điểm trong xúc tiến đầu tư của Hà Nội.

Thứ tư, xây dựng kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, phát triển hạ tầng dịch vụ như logistics, thương mại điện tử.

Thứ năm, tăng cường xúc tiến đầu tư để gia tăng tỷ trọng xuất khẩu hàng hóa của doanh nghiệp nhỏ và vừa của Hà Nội vào EU.

Cũng từ góc độ địa phương, đại diện thành phố Hồ Chí Minh cho biết, hầu hết nông sản xuất khẩu đi EU qua cửa khẩu thành phố Hồ Chí Minh là nông sản từ các tỉnh và ngược lại nhập khẩu máy móc, thiết bị từ EU để trang bị cho các tỉnh. Điều này cho thấy thành phố Hồ Chí Minh giữ vai trò cửa ngõ xuất - nhập khẩu với thị trường EU của cả khu vực phía Nam. Vì vậy, chiến lược của thành phố Hồ Chí Minh là phát triển dịch vụ hỗ trợ, phát triển hạ tầng logistics để cùng các tỉnh đưa hàng hóa vào EU nhanh hơn, với chi phí thấp hơn.

Quyết tâm cao, thay đổi tư duy, hành động mạnh mẽ

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhắc lại những lợi ích mà mọi thành phần kinh tế, doanh nghiệp, người dân và cả nền kinh tế nhận được khi đi trên “con đường cao tốc” EVFTA. Tuy nhiên, Thủ tướng nêu rõ để có thể đi trên con đường cao tốc hiện đại đó vẫn còn nhiều việc phải làm.

Nhìn lại quá trình Việt Nam tham gia vào các hiệp định thương mại, Thủ tướng chỉ rõ Việt Nam đã ký kết 13 hiệp định thương mại tự do. “Cơ hội đã có, đường cao tốc đã mở, để vượt lên thách thức, nhất là thách thức suy giảm kinh tế hiện nay, thực hiện khát vọng giàu mạnh, chúng ta phải có quyết tâm cao hơn nữa, thay đổi tư duy và có hành động mạnh mẽ, quyết liệt, sáng tạo hơn nữa. Chúng ta cùng hướng tới mục tiêu nâng tầm trình độ phát triển của doanh nghiệp và cả nền kinh tế khi các doanh nghiệp Việt Nam được chơi và tiến tới được đua với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn, có trình độ phát triển cao của EU”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: K.M

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành, địa phương cần tích cực, chủ động trong việc triển khai kế hoạch thực thi EVFTA. Chính phủ đã có kế hoạch hành động với 5 nhóm nhiệm vụ cùng 41 nhiệm vụ cụ thể với các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.

Các địa phương, bộ, ngành căn cứ vào kế hoạch chung của Chính phủ, để đưa ra chương trình hành động cụ thể của ngành mình, địa phương mình. Tuy yêu cầu cần có nhiều cách làm hiệu quả nhưng Thủ tướng lưu ý phải tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp. Giao nhiệm vụ thực thi EVFTA rất quan trọng nhưng theo Thủ tướng đưa EVFTA triển khai vào cuộc sống còn quan trọng hơn nhiều, đặc biệt phải thường xuyên rà soát, đánh giá kết quả thực hiện để làm tốt hơn nữa.

Thủ tướng yêu cầu các bộ trưởng, chủ tịch UBND của 63 tỉnh, thành cả nước trực tiếp chỉ đạo, ưu tiên triển khai EVFTA một cách hiệu quả. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng cùng đồng hành và kiểm tra quá trình triển khai EVFTA.

Giao Bộ Công Thương là “nhạc trưởng”, điều phối chung việc thực thi EVFTA, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý cần tránh dàn trải, phân tán nguồn lực, bảo đảm sự thống nhất trong quá trình áp dụng và triển khai hiệu quả các cam kết trong EVFTA. Trong triển khai, hành động, các bộ, ngành địa phương cần tăng cường phối hợp, đặt lợi ích quốc gia lên cao nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Chính phủ nêu 6 vấn đề để thực thi hiệu quả EVFTA

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.