(HNMO) - Sáng 22-3, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đối thoại với thanh niên với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0". Chương trình được tổ chức, kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố và cơ quan Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.
Dự tại điểm cầu Văn phòng Chính phủ (Hà Nội) có đại diện lãnh đạo các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và các cơ quan liên quan ở Trung ương; lãnh đạo các ban của Đảng, Ủy ban của Quốc hội, các tổ chức chính trị - xã hội cùng 400 đại biểu thanh niên, đại diện cho hơn 23 triệu thanh niên cả nước.
Kiến nghị những vấn đề sát sườn
Buổi đối thoại diễn ra trong không khí cởi mở khi các bạn trẻ trực tiếp đặt câu hỏi liên quan đến giáo dục - đào tạo vì mục tiêu xây dựng, phát triển nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên 4.0; rèn luyện thể chất, nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho thanh niên; kiến tạo môi trường để thanh niên lập nghiệp, khởi nghiệp, sáng tạo… và được Thủ tướng chỉ đạo đại diện các bộ, ban, ngành trả lời.
Phát biểu đầu tiên, anh Phạm Nhật Thành, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Đầu tư BIFROST nêu, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, với nền tảng là công nghệ số và tích hợp các công nghệ thông minh như AI để tối ưu hóa quy trình và phương thức sản xuất, đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít những thách thức đối với lực lượng lao động trẻ của Việt Nam.
Anh Phạm Nhật Thành kiến nghị Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo có các quyết sách để xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một vấn đề được sinh viên Vũ Như Quỳnh, Chủ tịch Hội Sinh viên Trường Đại học Thương mại (Hà Nội) đề cập, đó là các giải pháp phát triển năng lực sáng tạo, tư duy ứng dụng của sinh viên còn hạn chế. Thời gian tới, hệ thống giáo dục đại học của Việt Nam sẽ được đổi mới ra sao để sinh viên Việt Nam sánh ngang tầm về năng lực và trí tuệ với sinh viên trên thế giới, đặc biệt là các nước phát triển.
Bí thư Đoàn cơ sở Công ty Phân bón dầu khí Cà Mau Nguyễn Văn Tú nêu vấn đề phát triển khoa học công nghệ và kiến nghị Chính phủ có những giải pháp để hỗ trợ lao động trẻ được đào tạo lại nghề và trang bị các kỹ năng cần thiết.
Ngoài ra, các đại biểu thanh niên nêu những giải pháp quyết liệt để bảo đảm an toàn thông tin trên không gian mạng; kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có chính sách hỗ trợ cho tổ chức, cá nhân để xây dựng nhà ở cho thanh niên công nhân và lao động trẻ ở các địa phương, đồng thời có chính sách hỗ trợ về lãi suất hoặc không lãi suất để thanh niên công nhân có thể mua được nhà ở xã hội.
Các đại biểu cũng đặt câu hỏi về các giải pháp để hiện thực hóa chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ trẻ làm việc tại các cơ quan nhà nước; kiến nghị cần tạo nhiều phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, xây dựng nguồn nhân lực chất lượng cao; cơ sở hạ tầng và các mô hình tư vấn, chăm sóc sức khỏe thanh niên trong và ngoài trường học, tại các khu, cụm công nghiệp, khu chế xuất chưa hoặc không đáp ứng được yêu cầu chăm lo tốt nhất về sức khỏe, nâng cao thể chất cho thanh niên...
Luôn dành cho tuổi trẻ sự quan tâm đặc biệt
Chia sẻ cảm xúc đã làm công tác Đoàn 28 năm, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung cho rằng, chưa bao giờ lực lượng thanh niên mạnh như hiện nay. Song dù dân số trẻ, lao động trẻ, năng lực cạnh tranh quốc gia lại chưa mạnh, năng suất lao động chưa cao, lao động phi chính thức còn nhiều, kỹ năng lao động, kỹ năng sống còn nhiều vấn đề. Tỷ lệ lao động qua đào tạo chỉ 26,1% có chứng chỉ, ở mức thấp so với các nước. Dẫn tới có sự phân hóa trong xã hội rất lớn khi nước ta có 20 triệu thanh niên và dân số trẻ, nhưng cũng đứng trước nguy cơ của dân số già. Do đó, thanh niên Việt Nam phải đối diện với bốn chuyển đổi, nếu không thay đổi sẽ tụt hậu. Đó là việc chuyển đổi công nghệ làm thay đổi quản trị quốc gia, sẽ làm thay đổi lối sống giới trẻ; chuyển đổi không gian giúp thúc đẩy đô thị hóa, làm thay đổi cơ cấu việc làm, điều kiện sống và cung cách làm việc; chuyển đổi xanh làm thay đổi mô hình kinh tế; và chuyển đổi mô hình xã hội từ dân số trẻ sang dân số già.
“Ta cần nắm bắt cơ hội dân số vàng nếu không sẽ tụt hậu. Chuyển đổi xã hội sẽ làm gia tăng tầng lớp trung lưu có vai trò dẫn dắt nhưng tạo ra sự phân hóa xã hội, đặc biệt là tầng lớp thanh niên”, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nhìn nhận. Do đó, với các chủ trương về phát triển nhân lực, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho hay, mới đây, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, trọng tâm ưu tiên là đột phá nhân lực chất lượng cao với hệ thống trường đại học, trường nghề chất lượng cao.
Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Huỳnh Thành Đạt thông tin thêm, mỗi nhiệm kỳ, Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh đều ký kết chương trình phối hợp, hợp tác với cơ quan này về hỗ trợ cho hoạt động thanh niên, trong đó có lĩnh vực khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Bên cạnh đó, Quỹ Phát triển khoa học công nghệ quốc gia được Chính phủ bố trí kinh phí rất tốt và tạo cơ chế vận hành tiệm cận với các thông lệ quốc tế. Hiện nay, có 2 chương trình phục vụ cho các nhà nghiên cứu trẻ dưới 35 tuổi là Chương trình hỗ trợ nghiên cứu khoa học cơ bản và Chương trình hỗ trợ nâng cao năng lực khoa học công nghệ của cán bộ khoa học trẻ. Bộ Khoa học và Công nghệ còn được giao một nhiệm vụ quan trọng và nhiều thử thách là dự thảo Đề án Chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ trí thức đến năm 2030, hiện đã cơ bản hoàn thành, đang trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt. Đề án đề xuất chia ra 8 nhóm tri thức, trong đó có nhóm tri thức trẻ trong độ tuổi thanh niên, như các sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đam mê nghiên cứu khoa học.
Giải đáp câu hỏi về vấn đề nhà ở, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, thời gian tới, sẽ khẩn trương sửa đổi và trình Quốc hội sửa đổi Luật Nhà ở, thảo luận vào kỳ họp thứ năm, dự kiến thông qua vào tháng 10-2023 và có hiệu lực từ ngày 1-7-2024.
Chính phủ sẽ trình Quốc hội Nghị quyết thí điểm đầu tư nhà ở xã hội để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về thể chế, trong đó có vấn đề dành quỹ đất phát triển nhà ở xã hội và nhà ở công nhân, vấn đề ưu đãi, tính tiền sử dụng đất, giao đất...
Về vấn đề làm sạch môi trường mạng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời, phải xử lý “rác”. Trước hết phải xử lý người xả “rác”. Hiện đã có các nghị định xử lý hành chính các vi phạm này, cao hơn là xử lý hình sự. Tuy nhiên, cũng có “rác” bị lan truyền không chủ ý do người lan truyền không biết đó là thông tin sai sự thật. Do đó, theo Bộ trưởng, phải giáo dục, tuyên truyền bằng các quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cẩm nang phòng, chống tin giả, sai sự thật trên không gian mạng…
Bên cạnh đó là vấn đề “dọn rác”. Bộ trưởng cho biết, bộ, ngành, địa phương quản lý cái gì trong đời thực thì trên không gian mạng quản lý đúng cái đó. Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ hỗ trợ. “Không gian mạng lành mạnh khi tỷ lệ tin xấu, độc thấp. Nếu đưa được nhiều tin tốt đẹp trong cuộc sống lên không gian mạng thì tỷ lệ xấu sẽ giảm đi. Đây là việc của tất cả chúng ta, trong đó có thanh niên, vốn là “công dân số” từ lúc sinh ra”, Bộ trưởng nói.
Với câu hỏi làm thế nào để hiện thực hóa chỉ tiêu tuyển chọn cán bộ trẻ làm việc tại các cơ quan nhà nước, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giải pháp thời gian tới là tập trung thực hiện nghiêm công tác cán bộ trẻ, bảo đảm tỷ lệ tham gia cấp ủy các cấp là 10% và đến năm 2030 đạt 15%. Hoàn thiện sớm chiến lược thu hút và trọng dụng nhân tài, xây dựng các nghị định có liên quan, có cơ sở pháp lý để thực hiện toàn diện chiến lược thanh niên.
Bộ trưởng cũng bày tỏ mong muốn thanh niên rèn luyện bản lĩnh, ý chí, lập thân, lập nghiệp, phấn đấu, trưởng thành hơn nữa, xứng đáng là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước.
Để đáp ứng tốt hơn yêu cầu ngày càng cao đối với việc chăm sóc sức khỏe cho thanh niên nói chung, trong đó có thanh niên trong các khu công nghiệp, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan thông tin, sắp tới sẽ triển khai mô hình y tế cơ sở, tính toán và dựa trên số lượng dân số trên địa bàn. Đối với các khu công nghiệp tập trung đông người, sẽ có nhiều chính sách về phát triển thiết chế y tế để làm tốt công tác tư vấn và chăm sóc sức khỏe cho thanh niên. Bên cạnh đó, rất nhiều mô hình về truyền thông nâng cao sức khỏe cho thanh niên cũng đã được triển khai trong thời gian vừa qua và Bộ Y tế cũng tiếp cận theo các kênh thông tin đại chúng và các phương tiện truyền thông mới như Youtube, Facebook… để truyền đạt các kỹ năng về nâng cao sức khỏe cho thanh, thiếu niên trên toàn quốc.
Tạo môi trường cho thanh niên phát huy tài năng xây dựng đất nước
Lắng nghe các ý kiến phát biểu của thế hệ trẻ, giải đáp của các bộ, ngành, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đánh giá rất cao cuộc gặp gỡ hôm nay. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Thanh niên là rường cột nước nhà. Đảng và Nhà nước ta luôn dành cho thanh niên sự quan tâm đặc biệt, mong muốn xây dựng thế hệ thanh niên Việt Nam phát triển toàn diện, có bản lĩnh, trí tuệ, hoài bão lớn, trở thành lực lượng hùng hậu kế tục sự nghiệp vẻ vang của Đảng và dân tộc”.
Theo Thủ tướng, không khí cuộc đối thoại rất dân chủ, cởi mở. Các ý kiến đã đóng góp cho Chính phủ về một số định hướng chính sách quan trọng, gợi mở cho công tác chỉ đạo, điều hành trong một số lĩnh vực mà thanh niên quan tâm. Các vị bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp trả lời thể hiện sự quan tâm với thanh niên để tìm ra nhiệm vụ, giải pháp phù hợp nhất, khuyến khích sự đóng góp của thanh niên với đất nước.
Nói về mong muốn với thanh niên, Thủ tướng Chính phủ cũng nhắc lại, Chủ tịch Hồ Chí Minh, các lãnh đạo của đất nước qua các thời kỳ và Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng luôn gửi gắm, tin tưởng vào thanh niên, vào sự cống hiến của thế hệ trẻ cho quê hương, đất nước và sự nghiệp cách mạng, đồng thời bày tỏ mong muốn thanh niên luôn tiên phong trong rèn luyện, học tập, nâng cao ý chí, bản lĩnh. Tiên phong trong lao động, sản xuất, kinh doanh, đổi mới sáng tạo trong thời đại 4.0. Tiên phong trong sự nghiệp bảo vệ vững chắc độc lập dân tộc, chủ quyền biển, đảo của đất nước trong mọi hoàn cảnh. Tiên phong trong hội nhập quốc tế, để thấy thanh niên không thua kém bất cứ nước nào về trí tuệ, bản lĩnh. Tiên phong trong phòng, chống tiêu cực, tham nhũng, đấu tranh chống các thế lực phản động, bảo vệ thành quả cách mạng...
Thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn thanh niên phải có lý tưởng; có khát vọng sống vươn lên mọi lúc, mọi nơi; có bản lĩnh vững vàng trong mọi hoàn cảnh; sáng tạo mạnh mẽ trong thời đại 4.0, trách nhiệm với chính mình, gia đình, xã hội; cống hiến hết mình vì đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng.
Chia sẻ thêm về vấn đề nhà ở, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh nhu cầu “an cư lạc nghiệp”, khẳng định nhà ở rất quan trọng với mỗi người; với thanh niên, từ lúc ra trường, điều lo lắng nhất vẫn là chỗ ở, ổn định việc làm. Đây cũng là vấn đề được Đảng, Nhà nước rất quan tâm. Thời gian tới, chúng ta sẽ tiếp tục thực hiện Nghị quyết 27 của Trung ương về chính sách tiền lương.
Bên cạnh đó, các cơ quan đang tiếp tục nghiên cứu, đề xuất, hoàn thiện các chính sách nhà ở, trong đó có nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, nhà cho người thu nhập thấp, nhà cho các đối tượng chính sách, người có công. Trong đó, nghiên cứu các hình thức mua, thuê, thuê mua, tháo gỡ các vướng mắc về pháp lý, có chính sách phù hợp để tạo quỹ đất, có lãi suất phù hợp… để hỗ trợ cả “đầu vào” (tức những doanh nghiệp đầu tư, phát triển, xây dựng nhà) và “đầu ra” (người mua, thuê, thuê mua nhà) để phát huy nguồn lực Nhà nước, nguồn lực xã hội, phù hợp với mặt bằng thu nhập người lao động, nhất là những người vừa ra trường, các bạn trẻ; tinh thần là giải quyết từng bước nhưng căn cơ vấn đề này.
Về chính sách ưu tiên cho giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, Thủ tướng thông tin, đất nước ta đang phát triển, có nền kinh tế đang chuyển đổi, có nhiều thứ cần phải làm, nhưng nguồn lực còn khiêm tốn. Do đó, nền giáo dục phải đặt trong hoàn cảnh đất nước, phải luôn luôn sát với tình hình thực tế, trong điều kiện khó khăn nhưng vẫn nâng cao được tiềm lực của các cơ sở đào tạo, năng lực đào tạo, việc biên soạn các chương trình đào tạo để đáp ứng yêu cầu thế giới, phù hợp hoàn cảnh đất nước. Vì vậy, rất cần sự nỗ lực của bản thân mỗi người trong học tập, rèn luyện, đáp ứng yêu cầu phát triển phù hợp với hoàn cảnh đất nước là điều quan trọng nhất với học sinh, sinh viên.
Người đứng đầu Chính phủ chỉ ra hiện nay, học sinh, sinh viên còn thiếu kỹ năng sống và kỹ năng mềm. Vì vậy, một trong những vấn đề cần cải tiến là làm sao cho bạn trẻ có kỹ năng sống, thích ứng với mọi điều kiện hoàn cảnh. Khi có nghề thì có kỹ năng nghề cao, tạo ra sự cạnh tranh. Do đó, tới đây, phải tạo ra được phong trào gắn với lợi ích của thanh niên, gắn với lợi ích của quốc gia. “Phong trào sống được là phải thế. Phong trào mà không hài hòa được lợi ích giữa cá nhân và quốc gia thì khó thực hiện thành công”, Thủ tướng Phạm Minh Chính nói.
Với các đề nghị khác mà thanh niên đưa ra, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ cam kết sẽ đồng hành, bảo hộ tối đa sáng kiến khởi nghiệp. Chính phủ ưu tiên đầu tư hạ tầng công nghệ, thông tin viễn thông, tạo nền tảng cần thiết. Chính phủ cũng sẽ phối hợp tốt hơn với Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam... tạo môi trường tốt hơn cho thanh niên Việt Nam phát huy tài năng xây dựng đất nước.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.