Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ tục chồng chéo, doanh nghiệp, nông dân chịu thiệt

Phong Thu| 18/11/2014 06:17

(HNM) - Hiện vẫn còn không ít thủ tục hành chính rườm rà, chồng chéo, không phù hợp khiến người dân, doanh nghiệp chịu nhiều thiệt hại.

Trong khi nhiều DN vẫn phàn nàn TTHC lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng, thuế, hải quan... còn rườm rà thì gần đây lại có thêm những ý kiến cho rằng, TTHC lĩnh vực nông nghiệp đang đặt ra những quy định "trên trời", ảnh hưởng trực tiếp đến người nông dân. Tại "Diễn đàn doanh nghiệp nông nghiệp 2014" mới được Bộ NN&PTNT tổ chức, nhiều ý kiến phản ánh các quy định quá nhiêu khê. Điển hình, trong Quyết định số 47/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT quy định khi vận chuyển từ 200kg mật ong ra khỏi huyện thì phải qua kiểm dịch. Trong khi đó, máy móc, thiết bị kiểm dịch có hạn và DN thường phải mất nhiều thời gian chờ đợi. Chưa kể, giấy kiểm dịch ở tỉnh nào chỉ có giá trị trong tỉnh đó, khi sang tỉnh khác, DN sẽ lại phải trải qua quy trình kiểm dịch mới. Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Ong Việt Nam Nguyễn Thị Hằng, trung bình mỗi năm có 45.000 tấn mật ong vận chuyển ra khỏi địa bàn các huyện để đem đi xuất khẩu và tính trung bình, cứ 200kg mật ong lại phải kiểm dịch thì sẽ phải có tới 225.000 giấy kiểm dịch cho 45.000 tấn mật ong. Như vậy, cùng với việc phải tuân thủ những quy định về chất lượng sản phẩm rất chặt chẽ của thị trường nước ngoài, DN còn phải thực hiện rất nhiều khâu với nhiều giấy tờ trong nước.

Để xuất khẩu 45.000 tấn mật ong mỗi năm, cần tới... 225.000 giấy kiểm dịch.


DN và người nông dân còn phải thực hiện cả những điều vô lý do việc thực hiện không đúng quy định của cơ quan chức năng. Tiêu biểu một huyện ở tỉnh Lào Cai cấp giấy phép vận chuyển trứng ra khỏi địa bàn để tiêu thụ chỉ có giá trị trong… 1 ngày. Trong khi đó, Quyết định số 86/2005/QĐ-BNN của Bộ NN&PTNT ban hành quy định mẫu hồ sơ kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật, kiểm tra vệ sinh thú y đã quy định: "Thời hạn giá trị sử dụng của giấy chứng nhận kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật vận chuyển trong nước được tính theo thời gian vận chuyển động vật, sản phẩm động vật từ nơi xuất phát đến nơi cuối cùng".

Chưa hết, một số TTHC ở Việt Nam còn "khắt khe" gấp nhiều lần các nước trên thế giới. Tiêu biểu, trong ngành thức ăn gia súc, trên thế giới việc đăng ký chất lượng chỉ yêu cầu 4 tiêu chuẩn nhưng ở Việt Nam yêu cầu tới 15 tiêu chuẩn. Ngay trong cách hiểu và thực hiện quy định cũng còn rất máy móc. Chẳng hạn, về hàm lượng các chất trong các sản phẩm động vật, thế giới quy định hàm lượng tối đa đối với chất không khuyến khích và hàm lượng tối thiểu đối với chất khuyến khích. Tuy nhiên, ở nước ta đã có trường hợp, công ty đăng ký hàm lượng đạm (chất khuyến khích) là 15%, nhưng khi cơ quan thanh tra, kiểm tra phát hiện thấy hàm lượng đạm là 16% thì ra quyết định phạt. Bên cạnh đó, còn có quy định về xử lý môi trường khó có DN nào đáp ứng được chứ chưa nói đến người dân, đó là yêu cầu nước thải từ trại nuôi lợn ra môi trường phải đạt tiêu chuẩn loại A (uống được) và loại B (tắm được)… Trên thực tế, việc xây dựng mô hình xử lý nước thải khá phức tạp và ngay cả những cán bộ đi kiểm tra cũng không hướng dẫn được cho người chăn nuôi cách xử lý cho đạt "chuẩn". Thực tế còn cho thấy, không ít TTHC lĩnh vực thú y còn phức tạp, chồng chéo, DN vận chuyển hàng hóa phải trải qua nhiều khâu kiểm soát, vừa mất thời gian vừa nâng giá thành sản phẩm.

Điều đáng nói là những bất cập này tồn tại sau khi các bộ, ngành, địa phương đã hoàn tất việc thực hiện Đề án 30 về "Đơn giản hóa TTHC trên các lĩnh vực quản lý nhà nước giai đoạn 2007-2010". Theo các chuyên gia Cục Kiểm soát TTHC (Bộ Tư pháp), trước đây những thủ tục này đã được rà soát đơn lẻ, nhưng rà soát đơn lẻ thì chỉ thấy được tồn tại trong… thủ tục chứ không phát hiện được những bất cập của cả một nhóm vấn đề.

Cũng theo thông tin từ Cục Kiểm soát TTHC, hiện cục đã xây dựng để trình Thủ tướng Chính phủ kế hoạch đơn giản hóa TTHC và cắt giảm gánh nặng hành chính trọng tâm năm 2015. Trong 20 nhóm TTHC và các quy định liên quan được rà soát có những nhóm thủ tục thuộc lĩnh vực nông nghiệp; đặc biệt, nhóm TTHC, quy định liên quan về "Xuất khẩu động vật, sản phẩm động vật trên cạn từ khi nuôi/sử dụng đến phân phối, xuất khẩu" sẽ do Bộ NN&PTNT chủ trì, tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phương án đơn giản hóa; đồng thời, phối hợp với nhiều cơ quan khác như: Bộ Tài chính, Bộ GT-VT, Bộ Tư pháp, Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC, TƯ Hội Nông dân Việt Nam và một số địa phương để tổ chức thực hiện.

Hy vọng rằng, với phương án mà Cục Kiểm soát TTHC đưa ra, những thủ tục rườm rà, chồng chéo sẽ không còn tồn tại. Tuy nhiên, để các TTHC sau khi đơn giản hóa đi vào cuộc sống, rất cần sự phối hợp có trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân thì các DN và người nông dân mới thực sự được hưởng lợi từ công cuộc cải cách hành chính.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ tục chồng chéo, doanh nghiệp, nông dân chịu thiệt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.