(HNM) - Từ một địa điểm bí mật tại Virginia, các chuyên gia của Cơ quan Tình báo trung ương Mỹ (CIA) miệt mài theo dõi các bài viết trên những trang mạng xã hội được thu thập khắp thế giới, đôi khi lên đến 5 triệu bản mỗi ngày.
Đây là công việc thường xuyên của nhóm chuyên viên đặc biệt tại Trung tâm Mã nguồn mở của CIA khi họ thu thập toàn bộ thông tin trên Facebook, các tờ báo, kênh truyền hình, những đài phát thanh địa phương, internet chat… Bất kỳ nguồn tin nào ở ngoài nước Mỹ họ đều tiếp cận bằng chính ngôn ngữ bản địa. Các chuyên gia phân tích thu thập thông tin từ những chia sẻ trên các trang mạng xã hội đến những suy tư trên những blog cá nhân. Sau đó, tất cả được kiểm chứng bằng các phương tiện công nghệ hiện đại. Kỹ năng ngôn ngữ hoàn hảo và được ví như những "thủ thư Ninja", khả năng đột nhập và chiếm lĩnh thông tin của đội quân này tuyệt vời đến mức không một chính chủ nào phát hiện thấy sự tồn tại của họ.
Được thành lập sau vụ khủng bố 11-9 tại nước Mỹ và hiện là nơi làm việc của hàng trăm chuyên gia phân tích, một số thành viên của trung tâm đặc biệt này được triển khai tại các cơ quan ngoại giao của Mỹ ở nước ngoài; song phần lớn họ làm việc tại trụ sở chính hiện vẫn còn là một bí mật ở Virginia. Từ ưu tiên ban đầu là chống khủng bố và chống phổ biến hạt nhân, mối quan tâm của CIA đã chuyển sang lần theo hàng loạt các thông tin trên mạng internet ở mọi hang cùng ngõ hẻm trên hành tinh. Sự chuyển hướng vào mạng xã hội bắt đầu năm 2009 khi Twitter và Facebook được cho là đã đóng vai trò quan trọng trong cuộc "Cách mạng xanh" tại Iran năm 2009.
Từ nguồn dữ liệu được phân tích, nhiệm vụ của nhóm nghiên cứu là dựng nên một bức tranh cho các quan chức cao nhất của Nhà Trắng về một vấn đề đang được quan tâm vào thời điểm đó. Hằng ngày, các chuyên viên CIA đều gửi lên Tổng thống Barack Obama báo cáo tình báo ngắn gọn. Ví dụ, sau khi đặc nhiệm SEAL của Mỹ tiêu diệt trùm khủng bố Osama bin Laden, CIA đã theo dõi trang mạng Twitter để cung cấp cho Washington phản ứng của dư luận khu vực và thế giới về sự kiện này. Nhờ thế, họ cũng phát hiện ra rằng những bình luận bằng tiếng Urdu, ngôn ngữ của người Pakistan xuất hiện nhiều nhất. Cũng với việc tìm hiểu tin tức từ mạng xã hội mà sau khi Tổng thống B.Obama có bài phát biểu về các vấn đề Trung Đông vài tuần sau khi cái tên Osama bin Laden trở thành quá khứ, những phản hồi liên tiếp được đưa ra trong vòng 24 giờ phác họa một thực tế là phản ứng tiêu cực đã diễn ra ở Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập, Yemen, Algeria, Vùng Vịnh khi cho rằng người đứng đầu nước Mỹ thiên vị Israel trong khi một số người Do Thái lại nhận định bài phát biểu có quan điểm thân Arab. Vài ngày sau, tin tức báo chí đưa ra đánh giá tương tự.
Trước đó, CIA cũng đã có những dự báo về những quốc gia Trung Đông có khả năng bị ảnh hưởng bởi làn gió cải cách. Giám đốc Trung tâm Doug Naquin khẳng định, CIA đã nhận thấy trước những tín hiệu của biến cố chính trị tại Ai Cập. Chỉ có điều họ không biết chính xác thời điểm cuộc cải cách sẽ diễn ra. CIA cũng từng dự đoán rằng mạng xã hội tại những nơi như Ai Cập có thể trở thành một công cụ để mang tới sự đổi thay chính trị.
Mặc dù hoạt động của Trung tâm Mã nguồn mở đã tồn tại lâu nay nhưng thực chất chỉ được chính thức công khai sau vụ biệt kích Mỹ xóa sổ thủ lĩnh al-Qaeda Osama bin Laden hồi tháng 5 tại Abbotabad, Pakistan. Điều đó cho thấy rõ mặt khác của thời đại thông tin bùng nổ như hiện nay, nơi thực chất mọi chia sẻ cá nhân hoặc riêng tư chỉ mang tính tương đối và đều có thể được sử dụng cho những mục đích chính trị.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.