Một ngày nào đó, các cặp đồng tính nam sẽ có con với nhau mà không phải xin trứng của phụ nữ bằng kỹ thuật thụ tinh cho tế bào. Nhờ đó, chứng vô sinh cũng được điều trị.
Phương pháp thụ tinh tế bào có thể giúp điều trị vô sinh. Ảnh: SKĐS |
Quan niệm cho rằng một đứa trẻ được sinh ra luôn cần có cả trứng và tinh trùng, nghĩa là đầy đủ cả cha và mẹ có thể bị lật đổ sau khi các nhà sinh học Đại học Bath của Anh công bố kết quả thử nghiệm với chuột.
Từ thử nghiệm, nhóm nghiên cứu chỉ ra rằng việc thụ thai từ một tế bào đơn tính, không nhất thiết phải thụ thai với sự góp mặt của cả trứng và tinh trùng là hoàn toàn khả thi.
Hàng chục con chuột con khỏe mạnh đã được tạo ra với tỷ lệ thành công đến 24% (cao hơn rất nhiều so với hình thức sinh sản vô tính hiện nay) nhờ bơm tinh trùng vào phôi thai đơn tính. Nói cách khác, chúng ra đời theo phương thức sinh sản vô tính.
Những con chuột sinh ra bằng phương pháp thụ tinh tế bào da. Ảnh: ĐH Bath |
Nghiên cứu viên cấp cao thuộc Tony Perry nhóm nghiên cứu nêu trên cho rằng kết quả thử nghiệm về nguyên tắc đã mở ra viễn cảnh trước đây được coi là không tưởng, ấy là việc tinh trùng có thể thụ tinh cho tế bào da hoặc tế bào lấy từ các tổ chức khác trên cơ thể, thậm chí, có thể để hai người đàn ông trở thành cha mẹ của đứa bé mà không cần có sự tham gia của phụ nữ.
Trong một phát biểu được tờ Thời báo Tài chính (Anh) trích dẫn, ông Perry nhận định kết quả nghiên cứu đã thách thức quan niệm cho rằng động vật có vú muốn duy trì nòi giống phải thụ tinh cho trứng và ngày mà loài người tìm ra phương pháp điều trị chứng vô sinh đã không còn xa nữa.
Tuy nhiên, nhà khoa học này cũng nói thêm rằng, những thử nghiệm ban đầu trên chuột chỉ chứng minh cơ chế thụ thai từ tế bào da và tinh trùng có thể xảy ra trên lý thuyết. Do đó, để áp dụng thành công vào thực tế, nhóm nghiên cứu cần thêm nhiều thử nghiệm khác nữa.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.