Giao thông

Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ

Tuấn Lương 17/08/2023 - 06:28

Việc hoàn thiện mạng lưới đường bộ cao tốc cần nguồn lực rất lớn, vì vậy, thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư là rất cần thiết để giảm áp lực cho ngân sách.

duong-cao-toc-bac-nam-doa.jpg
Đường cao tốc Bắc - Nam đoạn Mai Sơn - quốc lộ 45. Ảnh: Minh Hoàng

Tuy nhiên, mức thu phí hợp lý với từng đoạn, tuyến đường cần nghiên cứu, đánh giá kỹ, bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội từng khu vực. Hơn thế, việc thu phí phải được giám sát chặt chẽ; công khai, minh bạch nguồn thu để tạo sự đồng thuận trong nhân dân.

Bù đắp nguồn vốn đầu tư từ ngân sách

Mới đây, Bộ Giao thông - Vận tải đã đề nghị Chính phủ xem xét, trình Quốc hội ban hành nghị quyết về thu phí sử dụng đường bộ cao tốc do Nhà nước đầu tư. Theo Bộ Giao thông - Vận tải, với quy mô hiện đại, năng lực thông hành lớn, tốc độ cao, đường bộ cao tốc góp phần rút ngắn thời gian đi lại giữa các vùng miền, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh của cả nước và các địa phương nơi có đường cao tốc đi qua.

So sánh việc lưu thông trên 3 tuyến đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình, thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương và thành phố Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây với lưu thông trên các tuyến quốc lộ song hành, mỗi phương tiện lưu thông trên cao tốc sẽ tiết kiệm khoảng 5.265 đồng/km, trong đó 25% tiết kiệm từ chi phí vận hành phương tiện và 75% là tiết kiệm thời gian lưu thông hàng hóa, hành khách trên đường.

Để thực hiện mục tiêu đến năm 2030 cả nước có 5.000km đường bộ cao tốc, nguồn vốn đầu tư ước tính lên tới 813.000 tỷ đồng, trong đó giai đoạn 2021-2025 cần khoảng 393.000 tỷ đồng để hoàn thành 2.043km và khởi công 925km đường cao tốc.

Thời gian qua, Quốc hội đã thống nhất chủ trương dành nguồn ngân sách nhà nước để đầu tư một số tuyến đường bộ cao tốc và yêu cầu nghiên cứu phương án thu hồi nguồn vốn đã đầu tư. Đối chiếu với các quy định pháp luật hiện hành, việc nghiên cứu xây dựng và trình Quốc hội ban hành nghị quyết cho phép thu phí trên đường cao tốc do Nhà nước đầu tư là hết sức cần thiết.

Các tuyến cao tốc nhà nước đầu tư được đề xuất lựa chọn thu phí bao gồm tuyến cao tốc thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, cùng với 8 đoạn tuyến cao tốc thuộc dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông, giai đoạn 2017-2020 (gồm Cao Bồ - Mai Sơn; Mai Sơn - quốc lộ 45; quốc lộ 45 - Nghi Sơn; Nghi Sơn - Diễn Châu; Cam Lộ - La Sơn; Vĩnh Hảo - Phan Thiết; Phan Thiết - Dầu Giây; cầu Mỹ Thuận 2).

Sẽ tính toán mức thu phí khoa học, minh bạch

Các chuyên gia giao thông cho rằng, việc thu phí là rất cần thiết để giảm áp lực cho ngân sách, đồng thời phù hợp với các thông lệ quốc tế, nhưng cần giảm phí bảo trì đường bộ để tránh tình trạng phí chồng phí tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp. Việc thu phí phải được số hóa và áp dụng các công nghệ hiện đại để tránh thất thoát nguồn thu; bảo đảm công bằng giữa các chủ thể lưu thông trên cao tốc và hạn chế sự mất cân bằng giữa các hình thức vận chuyển, phương tiện vận chuyển.

Đánh giá việc thu phí đường cao tốc do ngân sách đầu tư là cần thiết, song Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho rằng, Nhà nước nên đấu giá quyền thu phí công khai, minh bạch và giao cho nhà cung cấp dịch vụ thu phí hưởng bao nhiêu phần trăm để chi trả chi phí tổ chức thu, còn lại nộp vào ngân sách nhằm hoàn vốn cho công trình.

Bên cạnh đó, Nhà nước cũng cần xem xét thu phí ở tuyến nào và không thu tuyến nào, không nên thu trên tất cả các tuyến do Nhà nước đầu tư. Mức phí do Nhà nước quy định, nhưng phải dựa trên cơ sở tính toán chi phí đầu tư, lưu lượng phương tiện và hài hòa với mức thu phí của những tuyến đường có thể lựa chọn thay thế.

Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải Nguyễn Danh Huy, khi Nhà nước đầu tư các tuyến đường cao tốc mới, song song vẫn có các tuyến đường quốc lộ. Người dân hoàn toàn có quyền lựa chọn đi đường cao tốc trả phí hoặc quốc lộ không mất phí. Bộ Giao thông - Vận tải sẽ tính toán mức thu phí một cách khoa học, minh bạch, bảo đảm phù hợp với mức chi trả của người dân. Cùng với đó, Bộ sẽ tính toán lợi ích mang lại khi các phương tiện đi trên cao tốc nhanh hơn, tiết kiệm nhiên liệu hơn…

Mức thu phí 9 tuyến cao tốc này sẽ được xác định trên 3 nguyên tắc, gồm: Mức thu phù hợp với lợi ích và khả năng chi trả của người sử dụng đường cao tốc; mức thu được xây dựng trên cơ sở tổng số phí thu được sau khi bù đắp chi phí tổ chức thu phải bảo đảm còn dư để cân đối vào ngân sách nhà nước; mức thu được tính toán theo từng đoạn, tuyến đường bộ cao tốc cụ thể để bảo đảm phù hợp với điều kiện khai thác, kinh tế - xã hội từng khu vực.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Thu phí cao tốc do Nhà nước đầu tư: Cần cơ chế kiểm soát chặt chẽ

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.