Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thử nghiệm dùng chung mạng 5G - Hiệu quả ''kép''

Việt Nga| 05/06/2021 07:08

(HNM) - Dù chưa chính thức kinh doanh dịch vụ 5G, song 3 nhà mạng Viettel, VNPT, MobiFone đã cùng bắt tay thử nghiệm dùng chung mạng 5G. Đây là bước thỏa thuận quan trọng mang đến hiệu quả "kép", nhất là tiết kiệm nguồn lực để có thể triển khai thương mại 5G trên toàn quốc trong những năm tới.

Các nhà mạng thử nghiệm dùng chung mạng 5G sẽ tiết kiệm chi phí xây dựng ban đầu và nâng cao hiệu quả đầu tư.

Cuối tháng 5 vừa qua, 3 doanh nghiệp: Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông quân đội (Viettel), Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tổng công ty Viễn thông MobiFone đã ký thỏa thuận trực tuyến triển khai thử nghiệm dùng chung mạng 5G theo hai giải pháp: Chuyển vùng di động (roaming) và chia sẻ mạng truy nhập vô tuyến đa mạng (Moran).

Phân tích về 2 giải pháp thử nghiệm trên, Phó Cục trưởng Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) Lê Văn Tuấn cho biết, thử nghiệm roaming là giải pháp một nhà mạng xây dựng hạ tầng và cho phép các nhà mạng khác chuyển vùng cùng cung cấp dịch vụ 5G. Giải pháp này không chỉ giúp người dân nhanh chóng tiếp cận được dịch vụ 5G, mà còn giúp chính nhà mạng tiết kiệm chi phí xây dựng ban đầu, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, đặc biệt là ở khu vực vùng sâu, vùng xa. Với thử nghiệm chia sẻ mạng truy nhập vô tuyến đa mạng thì 2 nhà mạng sẽ có thể dùng chung thiết bị nên tiết kiệm được chi phí đầu tư, mua thiết bị ban đầu, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng thiết bị.

Như vậy, nếu các thỏa thuận chia sẻ, sử dụng hạ tầng viễn thông từ trước đến nay giữa các doanh nghiệp tập trung vào hạ tầng thụ động như nhà trạm, cột ăng ten, thì đây là lần đầu tiên tại Việt Nam triển khai thử nghiệm việc chia sẻ hạ tầng viễn thông ở lớp cao hơn như hạ tầng tích cực, thiết bị mạng truy nhập vô tuyến 5G…

Về tính hiệu quả của việc nhà mạng thử nghiệm dùng chung 5G, ông Lê Văn Tuấn cho biết, hiện nay mới trong giai đoạn thử nghiệm thương mại và dịch vụ nên chưa có số lượng ước tính về số trạm BTS phải đầu tư. Tuy nhiên, các nhà mạng trên thế giới đã nhận định chia sẻ hạ tầng gồm cả chia sẻ hạ tầng thụ động (cột ăng ten, nhà trạm) và hạ tầng tích cực (ran, mạng lõi…), giúp tiết kiệm chi phí cho nhà mạng từ 20% đến 40%. Hơn nữa việc sử dụng chung 5G (như moran), ước tính với các địa bàn, vị trí trạm 5G dùng chung sẽ giảm một nửa chi phí đầu tư.

Ông Nguyễn Nam Long, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn VNPT cho biết, việc thử nghiệm dùng chung mạng 5G sẽ giúp tiết kiệm chi phí đầu tư thiết bị vô tuyến cho nhà mạng. Thêm nữa, dùng chung hạ tầng 5G còn giúp tiết kiệm chi phí vận hành (giảm tiêu thụ điện năng, khai thác, bảo trì bảo dưỡng thiết bị), góp phần bảo đảm cảnh quan môi trường.

Cùng quan điểm, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Viettel Tào Đức Thắng cho biết, cần thời gian để đánh giá cụ thể về hiệu quả từ sự hợp tác dùng chung mạng 5G. Hơn nữa, ở lần hợp tác này liên quan đến phần điều khiển nhiều hơn, thay vì thiết bị viễn thông thụ động như trước, nên chưa thể nhận định cụ thể. Trước mắt cả 3 nhà mạng sẽ cùng phải thực hiện một số vấn đề hợp tác về kỹ thuật, công nghệ, sau đó mới triển khai các phương án kinh doanh…

Cũng theo Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Văn Tuấn, việc thử nghiệm này sẽ góp phần đánh giá tổng thể các nội dung cần thiết cả về kỹ thuật và cơ chế phối hợp liên mạng để triển khai mạng 5G. Ngoài việc góp phần thúc đẩy triển khai mạng 5G rộng khắp trong thời gian tới thì xét trên bình diện khu vực và quốc tế, đây là một trong các thỏa thuận đầu tiên về thử nghiệm dùng chung hạ tầng mạng 5G, từ đó khẳng định quyết tâm của ngành Thông tin và Truyền thông trong việc đưa Việt Nam đồng hành với các nước đi đầu về 5G.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thử nghiệm dùng chung mạng 5G - Hiệu quả ''kép''

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.