(HNM) - Theo hành trình "Gặp mặt và tuyên dương thủ khoa xuất sắc tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn thành phố Hà Nội năm 2010", chúng tôi được chứng kiến buổi giao lưu "Thắp sáng niềm tin" do Thành đoàn Hà Nội và Trại tạm giam số 1 - Công an thành phố Hà Nội phối hợp tổ chức.
Cuộc gặp gỡ giữa các thủ khoa và phạm nhân của trại diễn ra đầy xúc động. Những giọt nước mắt rơi trên khuôn mặt của cả thủ khoa lẫn phạm nhân và thậm chí cả những chiến sĩ công an...
Thủ khoa và phạm nhân cùng hát giao lưu. |
Những tấm chân tình
Tôi thấy nhiều phạm nhân cố nén để lệ đừng rơi trên má. Có người tự bật cười to như để tránh sự để ý của mọi người. Thời khắc đó diễn ra khi tiểu phẩm "Lỗi lầm" vừa khép lại với những sẻ chia và nhắn nhủ. Tiểu phẩm (do nghệ sĩ hài Tự Long và Xuân Bắc diễn) kể về một sinh viên từng đỗ thủ khoa đầu vào, nhưng vì không vượt qua những cám dỗ đời thường nên đã phạm tội và phải lâm vào vòng lao lý.
Tiểu phẩm kết thúc và rồi tất cả bất ngờ trước câu chuyện của thủ khoa khiếm thị Đào Thu Hương (Đại học Sư phạm Hà Nội). Hương kể lại ấn tượng sâu sắc của cô về nhân vật trong truyện ngắn "Đời thừa" của nhà văn Nam Cao từ thời học phổ thông. Những suy nghĩ, những trăn trở về hình ảnh người trí thức trẻ bị cơm, áo, gạo, tiền đẩy vào con đường bế tắc, không thể phát huy tài năng luôn ám ảnh Hương. Bản thân bị thiệt thòi vì khiếm thị, nhưng Hương luôn suy nghĩ làm thế nào để sống có ích và hòa nhập với cộng đồng một cách tốt nhất. Hương chia sẻ: "Chúng ta nên có góc nhìn khác về phạm nhân: Không nhìn họ với sự lầm lỗi, mà nhìn ở góc độ họ có nhiều tài năng, tiềm năng. Năm 2008, tôi bất ngờ nhận được lá thư của phạm nhân tên là Tân khi người ấy đọc được bài báo viết về cô sinh viên khiếm thị - là tôi. Tôi đã hồi âm lại cho anh và qua nhiều lần trao đổi thư từ, tôi nhận thấy ở Tân có một tài năng. Anh viết văn hay và vẽ đẹp. Người thân của tôi miêu tả lại là bức tranh anh vẽ gửi tặng tôi rất đẹp. Anh còn làm thơ tặng tôi nữa. Tôi nhận ra anh không chỉ có tài mà còn có tâm hồn đáng quý và giàu kinh nghiệm sống và tôi rất trân trọng điều đó. Đầu năm 2010, tôi bỗng nhận được điện thoại Tân thông báo đã được ra trại và tôi là người đầu tiên anh báo tin. Rồi đúng ngày 30 Tết âm lịch, anh và mẹ anh gọi điện cho tôi. Mẹ anh nghẹn lời: "Bác cảm ơn con rất nhiều vì con đã cho Tân nhìn được ánh sáng để đứng dậy". Tôi thấy hạnh phúc vô cùng, tuy không nhìn được nhưng tôi hiểu mình đã trao nguồn ánh sáng cho một người lầm lỗi"...
Khán phòng lặng đi. Câu chuyện của cô gái khiếm thị Đào Thu Hương đã khiến mọi người xúc động. Xúc động bởi chính tình cảm trong sáng và chân thành của cô đã đánh thức lương tâm, giúp một người lầm lỗi hướng tới cái chân, cái thiện.
Từ một góc nhìn khác, câu chuyện của thủ khoa Nguyễn Bích Đào (Đại học Phương Đông) bộc bạch trong buổi giao lưu cũng khiến không ít người trào nước mắt. Đào có một người anh do phạm pháp hình sự phải vào tù lúc Đào mới 13 tuổi. Cả gia đình suy sụp. Những lần cùng mẹ vào trại thăm anh, trong lòng cô nung nấu ý nghĩ mình sẽ làm khác anh để bố mẹ đỡ khổ, để khi ra trại anh sẽ tự hào về mình. Chính điều đó đã giúp cô thêm ý chí vượt khó để học giỏi. Và cũng chính nỗ lực của cô đã làm thay đổi suy nghĩ và hành vi của người anh. Mãn hạn tù, anh của Đào đã đi làm, kiếm tiền thay bố mẹ nuôi em gái học đại học. Khi đỗ thủ khoa, người đầu tiên Đào báo tin là người anh từng lầm lỗi của mình. "Khi biết tôi được giao lưu với các phạm nhân ở trại giam, anh ấy bảo tôi rằng, em hãy coi họ như anh trai của mình - người mà những năm trước em vào thăm nhé và gửi lời nhắn rằng: Các anh, các chị cũng chính là những người anh, người chị của bọn em. Đã mắc sai lầm thì hãy cố gắng vươn lên, đừng vì nó mà tự hủy hoại mình".
Thủ khoa động viên phạm nhân cải tạo tốt. |
Nước mắt ứa ra, Đào nghẹn ngào nói với những người quản giáo của trại và nói với mọi người, rằng hãy dành cho họ một tấm chân tình để họ lạc quan vươn lên như người anh trai của cô; để khi cánh cửa trại giam khép lại sau lưng, họ được người thân, cộng đồng chào đón. Đó là điểm tựa tinh thần giúp người lầm lỗi đứng dậy để sống có ích cho cuộc đời… Gửi tấm bưu thiếp cho phạm nhân Nguyễn Việt Phương, Nguyễn Bích Đào nói trong tiếng nấc: "Chúc anh mạnh khỏe, lạc quan, cải tạo tốt để sớm về với gia đình"…
Chuyện của một cựu thủ khoa - phạm nhân
Cốt truyện trong tiểu phẩm "Lỗi lầm" không có gì mới, nhưng nó là bài học sâu sắc đối với Nguyễn Việt Phương - thủ khoa đầu vào, đầu ra của Học viện Tài chính khóa 36 (cách đây 10 năm) hiện đang là phạm nhân cải tạo tại trại. Giờ đây, ngồi giao lưu trong cùng một căn phòng, chỉ cách nhau vài ba mét, nhưng giữa các bạn áo xanh - những thủ khoa xuất sắc - với Phương khác nhau trời vực. Cái giá phải trả thật đắt và đó là điều khiến Phương không thể không khóc.
Quê huyện Tứ Kỳ, Hải Dương nhưng gia đình Phương sống ở Cầu Giấy, Hà Nội. Bố mẹ đều là cán bộ công chức, bản thân cũng làm cán bộ Tập đoàn Bưu chính - Viễn thông Việt Nam, nhưng chỉ vì ham chứng khoán, vỡ nợ nên Phương bị kết án tù 5 năm. Phương kể: "Lúc mới bị bắt, tôi không thể hình dung là mình sống như thế nào, tất cả mọi thứ nghe rất tồi tệ, mà nghĩ đi tù thì không thể tốt đẹp. Vào trại rồi, thấy cán bộ rất quan tâm, nhiều người coi tôi như con, chăm sóc cả vật chất và tinh thần nên một thời gian sau tôi cũng an tâm... Trước đây gia đình tôi rất đầy đủ, vỡ nợ chứng khoán mấy tỷ cũng đã trả được nhiều. Vào đây rồi mới thấy việc mình làm là sai lầm, nguy hiểm, gây hại cho mọi người và cộng đồng thế nào. Tôi đã hiểu rõ lỗi lầm của mình và thấy tinh thần thêm vững vàng để nhận đúng giá trị cuộc sống.
Sinh năm 1980, còn rất trẻ và khỏe mạnh, Phương cho biết bản thân đang quyết tâm rèn luyện cả về tinh thần và ý chí để làm lại cuộc đời. Phương nói: "Nhìn các bạn thủ khoa, tôi nhớ lại hình ảnh của mình 10 năm về trước. Buồn nhiều lắm vì không thể trở về điểm xuất phát. Với tôi bây giờ là cố gắng cải tạo tốt để được ra tù trước thời hạn; trở về tôi sẽ làm lại từ đầu". Học chuyên ngành kinh tế, nên Phương rất hiểu sự thay đổi từng ngày, từng giờ. Vì thế điều mà khiến Phương trăn trở và quyết tâm cải tạo, đó là sợ ở lâu trong này sẽ bị "tụt hậu". "Để rút ngắn khoảng cách tụt hậu, không còn cách nào khác là cải tạo tốt. Với người thân của mình, tôi chỉ có một câu rằng, cảm ơn bố mẹ đã lo lắng cho con. Con sẽ cải tạo tốt để trở thành người lương thiện, để bố mẹ thanh thản trong những năm tháng cuối đời. Tôi rất thương bố, ông là người thành đạt trong xã hội, nhưng cuối đời lại chịu đau khổ vì một đứa con bất hiếu như tôi. Dù biết rằng không thể đền đáp hết và đủ, nhưng khi ra trại tôi sẽ cố gắng hết sức vì bố mẹ mình. Tôi có vợ và 1 con gái, nhưng đau đớn là lúc cần sự chia sẻ, động viên, cảm thông nhất của vợ thì cô ấy viết đơn xin ly dị sau khi tôi bị bắt 5 ngày. Lúc đó tôi nghĩ không còn gì để mất và níu kéo nữa. Điều tôi day dứt nhất đó là con gái. Hôm tòa xử, tôi được nhìn thấy nó, nó chạy ra ôm tôi và bảo con nhớ bố lắm, con vẫn uống sữa bố mua (vì mọi người nói dối nó là tôi đi công tác xa). Tôi chưa kịp nói câu nào thì gia đình sợ nó nhìn thấy tay tôi bị còng nên đã vội bế ra chỗ khác. Hình ảnh đó càng thôi thúc tôi cải tạo tốt để sớm ra tù - Phương kể cho chúng tôi nghe trong nước mắt...
Trải nghiệm quý giá
Hai giờ đồng hồ diễn ra chương trình giao lưu "Thắp sáng niềm tin" giữa các thủ khoa với các trại viên đầy sự cảm thông và chia sẻ sâu sắc. Các bạn thủ khoa mang đến luồng sinh khí mới, động viên, tiếp thêm sức mạnh để các trại viên yên tâm cải tạo, sớm được hòa nhập với cộng đồng. Và chính họ - những thủ khoa, những người đang ở đỉnh cao của vinh quang cũng thêm trải nghiệm thực tế rất ý nghĩa. Dù bạn là ai, đang ở vị trí nào trong xã hội, nhưng nếu không cảnh giác trước những cạm bẫy thì có thể chỉ một sai lầm nhỏ cũng khiến phải trả giá và đánh mất tất cả. Hơn ai hết, chính những thủ khoa, những tài năng và "tiềm năng" của đất nước, càng hiểu rõ hơn họ phải trau dồi cả đức và tài, phát huy trí tuệ và kiến thức của bản thân, góp phần xây dựng đất nước và trở thành người công dân có ích cho xã hội. Đó chính là thông điệp của buổi giao lưu.
Giám thị Trại tạm giam số 1 Bùi Ngọc Bình xúc động: Chúng tôi cảm ơn ý tưởng tổ chức chương trình giao lưu đặc biệt này. Các bạn trẻ đến đây đã tiếp thêm sức mạnh, ý chí cho các trại viên. Những lời nhắn nhủ chân tình của các bạn trẻ đã thắp lên niềm tin giúp trại viên vượt qua lỗi lầm, rút ngắn thời gian cải tạo, sớm trở về đoàn tụ với gia đình, người thân. Chúng tôi mong sau khi mãn hạn tù, mỗi trại viên sẽ trở thành những tuyên truyền viên tích cực để góp phần phòng ngừa tội phạm.
Chỉ diễn ra trong một thời gian ngắn nhưng chương trình "Thắp sáng niềm tin" giữa trại viên và sinh viên thủ khoa đã để lại cho mỗi người nhiều suy ngẫm...
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.