(HNM) - Những tháng qua, nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam vẫn tiếp đà tăng trưởng, với tổng nguồn vốn đầu tư cấp mới, đăng ký tăng thêm và góp vốn mua cổ phần đạt gần 11 tỷ USD.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đánh giá kết quả đạt được minh chứng cho niềm tin của giới đầu tư quốc tế vào môi trường kinh doanh Việt Nam đang trên đà cải thiện rõ rệt. Quan điểm này cũng làm sâu sắc hơn với sự khẳng định kiến tạo môi trường đầu tư và kinh doanh bình đẳng, xóa bỏ mọi rào cản, không phân biệt thành phần kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc.
Đáng lưu ý, riêng phần vốn cho các dự án đã đi vào hoạt động đăng ký tăng thêm đạt 4,36 tỷ USD, tăng 241% so với cùng kỳ. Đơn cử, dự án Samsung Display (Hàn Quốc) đã đăng ký tăng thêm 2,5 tỷ USD vốn vào cơ sở tại Bắc Ninh cho thấy sự quyết tâm mở rộng kinh doanh, nhắm đến mục tiêu chiến lược lâu dài ở Việt Nam. Bên cạnh đó, đã có 1.687 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua vốn góp, cổ phần tại Việt Nam, thông qua lượng vốn 1,35 tỷ USD, tăng 106% so với cùng kỳ.
Thực tế trên thể hiện sự “bùng nổ” của làn sóng tăng vốn đầu tư sau một thời gian có mặt ở thị trường Việt Nam của các nhà đầu tư nước ngoài. Nói cách khác, nhiều nhà đầu tư "ngoại" đã kịp đánh giá, trải nghiệm để rút ra nhận xét đầy đủ, khách quan nhất về tiềm năng của Việt Nam, với vai trò là một thị trường hơn 90 triệu người tiêu dùng cũng như là một cứ điểm cho mục tiêu tái cơ cấu hoạt động sản xuất, thiết lập bàn đạp xuất khẩu ra thị trường toàn cầu.
Thông tin mới nhất cho thấy, Hãng sản xuất ô tô Mazda và Hyundai đang hợp tác chặt chẽ với đối tác Việt Nam, chủ yếu thông qua hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao công nghệ để nâng cao giá trị nội địa trong lắp ráp, sản xuất linh kiện ô tô. Dự tính, xe lắp ráp tại Việt Nam còn có thể xuất sang các nước ASEAN trong 2 - 3 năm tới.
Đáng chú ý, doanh nghiệp thuộc một số quốc gia giàu tiềm năng về vốn và công nghệ như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc... tiếp tục khẳng định nhu cầu gia tăng đầu tư và hiện diện lâu dài ở Việt Nam. Hiện, có tới hơn 60% số doanh nghiệp Nhật Bản cho biết sẵn sàng mở rộng quy mô hoạt động trong thời gian tới. Trong khi đó, doanh nghiệp của Canada và Anh lại đang hứng thú với việc nghiên cứu tham gia vào một vài dự án thuộc lĩnh vực hàng không ở Việt Nam.
Cũng trong 4 tháng qua, kết quả giải ngân vốn đầu tư nước ngoài đạt 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ. Nhờ duy trì tốt tốc độ sản xuất, nhất là sản xuất phục vụ xuất khẩu nên khối doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tiếp tục dẫn hướng cho hoạt động xuất khẩu cả nước, và hiện chiếm tỷ trọng hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu. Các chuyên gia đánh giá khá cao về thực tế này, bởi nó thể hiện ý đồ tận dụng thời gian, chủ động tăng tốc độ xây dựng và đưa dự án đi vào hoạt động của giới đầu tư.
Nhằm tranh thủ thu hút vốn đầu tư nước ngoài, tăng cường hỗ trợ để khu vực này duy trì phong độ, đóng góp nhiều hơn vào nền kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang triển khai công tác xúc tiến đầu tư; tập trung nhắm tới các tập đoàn đa quốc gia, có thế mạnh về công nghệ.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.