Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thu hút đầu tư nước ngoài: Tăng trưởng cả “lượng” và “chất”

Hồng Sơn| 17/11/2017 07:48

(HNM) - Thu hút vốn đầu tư nước ngoài của cả nước đến thời điểm này đã vượt kế hoạch cả năm 2017. Trong đó, tỷ lệ lớn

Dây chuyền lắp ráp máy in tại Công ty Canon Việt Nam (Khu công nghiệp Thăng Long, Hà Nội). Ảnh: Nhật Nam


Lượng vốn đầu tư nước ngoài đạt kỷ lục

Có thể chắc chắn kết quả thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2017 sẽ lập kỷ lục mới, bởi kế hoạch cả năm là khoảng 22 tỷ USD, nhưng đến thời điểm này lượng vốn đăng ký đã đạt hơn 28 tỷ USD. Theo dự báo của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tổng mức vốn đăng ký của năm 2017 có thể đạt khoảng 30 tỷ USD, trong khi lượng vốn giải ngân có thể lên tới 18 tỷ USD; khẳng định sự thành công trong mời gọi vốn quốc tế.

Đặc biệt, nếu xét về cơ cấu, vốn đầu tư vào các lĩnh vực chế biến, chế tạo chiếm tỷ trọng áp đảo trong tổng vốn đăng ký, cho thấy dòng vốn này đang “chảy” đúng hướng, trực tiếp tham gia mạnh mẽ và đóng góp tích cực vào quá trình chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng nâng cao tỷ lệ hàng hóa đã qua chế biến, từ đó nâng cao giá trị của sản phẩm. Xét rộng hơn, chính các nhà đầu tư nước ngoài đang góp phần tích cực vào việc hiện thực hóa mục tiêu từng bước công nghiệp hóa nền kinh tế Việt Nam. Thực tế, vài năm gần đây, các sản phẩm công nghệ cao của khu vực đầu tư nước ngoài, như máy tính, điện thoại đã đạt hàng chục tỷ USD kim ngạch xuất khẩu, đưa Việt Nam vào danh sách các nền kinh tế có độ mở lớn và tỷ trọng xuất khẩu/GDP khá cao trên thế giới. Tính chung, khu vực đầu tư nước ngoài cũng thường xuyên chiếm hơn 70% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước.

Tiếp theo, khoảng 20% tổng lượng vốn đầu tư nước ngoài hướng vào lĩnh vực bất động sản, trong đó một phần quan trọng là những dự án xây dựng khách sạn, tổ hợp dịch vụ du lịch tổng hợp. Đây chính là các cơ sở quan trọng của ngành Du lịch, cho phép thu về những khoản lãi ròng liên tục; từ đó nhà đầu tư thực hiện nghĩa vụ ngân sách và quan trọng hơn là hoạt động này tiếp tục đẩy nhanh tiến độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, theo hướng: Dịch vụ - Công nghiệp - Nông nghiệp.

Những thực tế trên là kết quả của sự chủ động xúc tiến đầu tư, nhắm đến những dự án sử dụng công nghệ từ mức trung bình khá trở lên của Việt Nam; trong đó, ưu tiên thu hút công nghệ cao và công nghệ nguồn, cũng như lựa chọn những nhà đầu tư hàng đầu, uy tín.

Hướng tới sự chuyển biến về chất lượng

Theo ông Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp đầu tư nước ngoài, thời gian tới hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài tiếp tục hướng tới những dự án có giá trị gia tăng cao, thân thiện với môi trường, chủ động tham gia chuỗi cung ứng quốc tế và từng bước theo đuổi mục đích hình thành, phát triển kinh tế "xanh" ở Việt Nam...

Để làm được điều đó, Việt Nam nên nghiên cứu kỹ các cơ hội, điều kiện và lợi thế để có biện pháp hữu hiệu khi thực thi một số hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã ký với đối tác quốc tế. Diễn biến mới nhất là sự kiện Tuần lễ Cấp cao APEC vừa diễn ra tại Đà Nẵng, dưới sự chủ trì của Việt Nam, đã thu được nhiều kết quả tốt đẹp. Khoảng 800 lãnh đạo các hãng, tập đoàn quốc tế, trong đó có nhiều tên tuổi lớn như Boeing, Facebook, Exxon Mobil, Warburg Pincus..., có mặt tại sự kiện này để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Nhiều thỏa thuận, kế hoạch hợp tác đã được ký kết và hứa hẹn một lượng vốn không nhỏ sẽ sớm được triển khai thông qua những dự án cụ thể tại Việt Nam. Nhìn chung, các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá cao tiềm năng, sự ổn định của môi trường chính trị, kinh tế, xã hội của Việt Nam, bên cạnh sức hút của một thị trường lớn, đang hội nhập quốc tế với tốc độ tăng trưởng cao hàng đầu thế giới.

Đáng lưu ý, các tập đoàn nói trên đều hùng mạnh về tài chính, kinh nghiệm và uy tín, đồng thời có công nghệ cao nên rất phù hợp với định hướng thu hút đầu tư của nước ta. Riêng giới đầu tư Mỹ đang nghiên cứu khả năng tham gia một số dự án có quy mô vừa hoặc lớn, thuộc lĩnh vực quan trọng, như hạ tầng giao thông đường bộ, cảng biển, sân bay, bất động sản, năng lượng...

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, với "làn sóng" Cách mạng công nghiệp lần thứ tư diễn ra sôi động, Việt Nam sẽ chủ động hơn trong hoạt động thu hút và sử dụng nguồn ngoại lực. Trong đó, xác định rõ mục tiêu tăng cường chất lượng thẩm định, giám sát quá trình triển khai dự án để nâng cao chất lượng hoạt động của khu vực này. Việt Nam sẽ phát huy tối đa quyền lựa chọn, chủ động tiếp nhận những dự án có trình độ công nghệ cao, hiện đại nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững, kết hợp bảo vệ môi trường.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thu hút đầu tư nước ngoài: Tăng trưởng cả “lượng” và “chất”

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.