(HNM) - Mô tô, xe gắn máy cũ nát không chỉ phát thải ô nhiễm nhiều, mà còn tiềm ẩn nguy cơ tai nạn cao. Tuy nhiên, việc kiểm soát khí thải, thu gom phương tiện giao thông cũ nát đang gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ sở pháp lý và là vấn đề tác động đến toàn dân. Do đó, cần "hàng rào kỹ thuật" đủ mạnh để giải quyết vấn đề này. Đó là nội dung được nhiều đại biểu đề cập tại hội thảo “An toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường với phương tiện giao thông đường bộ” do Ủy ban An toàn giao thông quốc gia phối hợp với Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức ngày 29-11, tại Hà Nội.
Khó thu hồi xe máy cũ
Thông tin tại hội thảo cho thấy, riêng thành phố Hà Nội hiện có hơn 6 triệu xe máy và gần 486.000 xe ô tô các loại, chưa kể xe ngoại tỉnh thường xuyên đi lại trên địa bàn. Mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông, gia tăng ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyễn Quang Huy (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) cho biết, theo Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg (ngày 22-5-2015) của Thủ tướng Chính phủ quy định về thu hồi, xử lý sản phẩm thải bỏ, từ ngày 1-1-2018, mô tô, xe gắn máy và ô tô các loại hết niên hạn sử dụng sẽ bị thu hồi. Tuy nhiên, tại Nghị định số 95/2009/NĐ-CP (ngày 30-10-2009) của Chính phủ chỉ quy định về niên hạn sử dụng của ô tô chở hàng (không quá 25 năm) và ô tô chở người (không quá 20 năm). Riêng với ô tô con và mô tô, xe gắn máy đến nay vẫn chưa có quy định về niên hạn sử dụng dẫn đến không có cơ sở để xử lý, thu hồi phương tiện.
Bên cạnh đó, việc kiểm tra khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề xã hội lớn, phức tạp, vì liên quan đến đa số người dân, đặc biệt là người lao động có thu nhập thấp phải sử dụng xe máy cũ, xe có chất lượng thấp. Trong khi đó, một bộ phận người dân chưa nhận thức rõ mức độ ảnh hưởng, tác hại của khí thải khi sử dụng mô tô, xe gắn máy cũ không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật.
Cũng tại Quyết định số 16/2015/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, đối với ô tô, mô tô, xe gắn máy thuộc diện phải thu hồi, thì các nhà sản xuất, cung ứng sản phẩm ra thị trường phải xây dựng hệ thống thu hồi, xử lý sản phẩm bị thải loại. Trách nhiệm của người tiêu dùng là sau khi đã sử dụng, không dùng nữa phải đưa sản phẩm đến đơn vị thu hồi, xử lý.
Theo ông Nguyễn Xuân Minh (Hiệp hội Các nhà sản xuất xe máy Việt Nam), tất cả nhà sản xuất đều đã thiết lập địa điểm thu hồi sản phẩm thải bỏ và thông báo trên website của nhà sản xuất. Tuy nhiên, đến nay cơ quan chức năng không thu hồi được chiếc xe nào, vì không người tiêu dùng nào mang đến để xử lý. Việc quản lý, thu hồi xe cũ nát gặp nhiều khó khăn do chưa có cơ chế khuyến khích người dân bỏ xe cũ và thay thế bằng các phương tiện khác an toàn hơn.
Cần sớm “luật hóa”
Đề cập tới vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tiến, Phó Vụ trưởng Vụ Môi trường (Bộ Giao thông Vận tải) thừa nhận, việc kiểm soát khí thải mô tô, xe gắn máy là vấn đề nhạy cảm, tác động đến toàn dân, cơ sở pháp lý để thực hiện còn chưa đủ mạnh... Vì thế, trong chương trình nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Giao thông đường bộ, Bộ Giao thông - Vận tải đang đưa nội dung này vào để “luật hóa”, làm cơ sở triển khai.
Trước đó, Bộ cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ lộ trình kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy. "Về mặt quản lý, chúng ta xây dựng “hàng rào kỹ thuật”, tiêu chuẩn khí thải của phương tiện để thắt chặt dần tiêu chuẩn khí thải bên cạnh việc phát triển phương tiện công cộng và tuyên truyền cho người dân thấy được việc đi lại bằng xe máy không đủ điều kiện về an toàn kỹ thuật vừa kém an toàn, vừa ảnh hưởng đến sức khỏe bởi bị ảnh hưởng của khí thải và bụi hạt mịn... Từ đó, khuyến khích người dân chuyển đổi loại hình di chuyển. Đó là giải pháp căn cơ, khoa học" - ông Nguyễn Hữu Tiến nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Quang Huy (Sở Giao thông Vận tải Hà Nội) khẳng định, việc đưa ra các rào cản kỹ thuật về tiêu chuẩn khí thải sẽ góp phần giảm thiểu và dần loại bỏ mô tô, xe gắn máy cũ nát tham gia giao thông, qua đó giảm ùn tắc và ô nhiễm môi trường. Từ tham khảo kinh nghiệm của nhiều nước, Hà Nội đang nghiên cứu các cơ chế, chính sách quản lý, thu hồi mô tô, xe gắn máy thông qua việc kiểm soát khí thải các phương tiện đang tham gia giao thông trên địa bàn, không phân biệt biển số đăng ký, địa phương. Việc kiểm soát được thực hiện theo tiêu chuẩn kỹ thuật và tiêu chuẩn khí thải ở các mức độ: Thu phí môi trường thông qua dán tem với các mức Xanh, Vàng, Đỏ; kiên quyết thu hồi, loại bỏ các phương tiện không đủ điều kiện an toàn kỹ thuật, có mức phát thải môi trường vượt quá mức cho phép mà không có biện pháp khắc phục.
Cùng với đó, Hà Nội cũng đề xuất Chính phủ không quy định niên hạn sử dụng đối với mô tô, xe gắn máy nhằm phù hợp với kinh nghiệm của thế giới và phù hợp với các giải pháp của Đề án “Tăng cường quản lý phương tiện giao thông và ô nhiễm môi trường trên địa bàn thành phố giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030” do thành phố đang xây dựng (phân vùng hạn chế; dừng hoạt động đối với xe máy trên địa bàn các quận vào năm 2030; thu phí phương tiện ra vào khu vực trung tâm thành phố...).
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.