(HNM) - Vài năm nay, chúng ta tự phong V-League là giải đấu hàng đầu Đông Nam Á nhưng không phân tích cụ thể "danh hiệu" ấy dựa trên tiêu chí nào. Vậy thực chất, V-League ở thứ bậc nào so với các giải VĐQG của Thái Lan, Indonesia, Singapore hay Malaysia?
Becamex Bình Dương (trái), một trong số ít đội bóng Việt Nam có thể thi đấu tốt tại sân chơi châu lục. |
Kể từ sau khi ĐTVN giành chức vô địch AFF Cup 2008 và nhất là khi CLB B.Bình Dương liên tiếp đánh bại nhiều CLB của Thái Lan, Singapore, Malaysia để vào bán kết AFC Cup 2009, một số chuyên gia trong nước đánh giá: V-League là số 1 ở Đông Nam Á. Nhận định này dựa trên chất lượng cầu thủ nội ở V-League không thua kém các đồng nghiệp trong khu vực và chất lượng ngoại binh thì vượt trội do nhiều đội bóng Việt Nam sẵn sàng trả lương rất cao, có cầu thủ nhận 15-17 nghìn USD/tháng.
Quả thực, xét về mức độ tiêu tiền thì không có giải đấu nào ở khu vực Đông Nam Á cạnh tranh nổi với V-League. Ở Thái Lan, đại gia như Muangthong United cũng chỉ có tổng ngân quỹ khoảng 4 triệu USD (khoảng 80 tỷ đồng), trong khi chỉ riêng khoản tiền chuyển nhượng ở CLB N.Sài Gòn trước mùa giải vừa qua đã vào khoảng 70 tỷ đồng (nếu tính tổng ngân quỹ thì phải trên 90 tỷ đồng). Mức chênh lệch giữa các đội ở Thai League cũng rất lớn, chẳng hạn ngân quỹ/năm của đội bóng Quân đội Thái chỉ 8 tỷ đồng, bằng 1/10 so với Muangthong. Còn ở ta, số tiền tối thiểu để một đội bóng tham dự V-League phải là 25 tỷ đồng và thực tế thì ngay cả những đội nhà nghèo như Thanh Hóa cũng đạt đến con số 40 tỷ đồng.
Nhờ thu hút được những khoản tiền khổng lồ nên các CLB V-League có điều kiện trả lương cao cho cầu thủ. Việc cầu thủ nội có mức lương 30-55 triệu đồng/tháng cộng với mức lót tay 1-4 tỷ đồng/năm giờ đã trở thành chuyện thường. Còn với ngoại binh thì con số này thật khủng khiếp, như trường hợp tiền đạo Nwafor của B.Bình Dương, từng được coi là "siêu đắt " với thu nhập khoảng 600.000 USD/năm. So sánh với những ngoại binh chỉ được nhận vài ba nghìn USD/tháng ở các giải đấu như S-League, I-League, T-League thì rõ ràng ngoại binh ở V-League "chất lượng" hơn… về thu nhập.
Trong thực tế, thu nhập là vậy, nhưng chất lượng trên sân lại là chuyện khác. Thực tế là, sau trường hợp của B.Bình Dương vẫn chưa có đội bóng nào của Việt Nam làm được điều tương tự ở sân chơi châu lục. Hà Nội T&T, được coi là số 1 Việt Nam hiện nay, khi đụng độ với các đối thủ khu vực như Muangthong United (Thái Lan) hay Tampines Rovers (Singapore) đều thua tan tác ở sân đối phương và chỉ kiếm được 1 điểm ở sân nhà. SHB.Đà Nẵng cũng từng để thua 0-3 trước Muangthong United ngay trên sân nhà ở mùa giải 2010. Còn Hà Nội ACB từng thua 0-6 trước Chonburi (Thái Lan) hay 0-7 trước Kedah (Malaysia) ở mùa giải 2009. Trận thua đậm nhất là khi Nam Định bị Krung Thai Bank hạ với tỷ số 9-1 trên đất Thái Lan. Chỉ có SLNA là gỡ lại chút thể diện cho V-League khi thắng 1, thua 1 trước đối thủ Sriwijaya (Indonesia).
Nếu xem xét chất lượng các giải đấu dựa trên gần 50 tiêu chí do AFC đánh giá để xếp hạng thì chắc chắn một điều là V-League không thể dẫu đầu Đông Nam Á. Bởi lẽ, các đại diện của V-League gần đây còn không được AFC cho dự vòng sơ loại AFC Champions League, điều mà các CLB Indonesia, Thái Lan và Singapore có được. Thậm chí, Indonesia luôn có đại diện ở vòng đấu chính thức để tranh tài với Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia…
Ngay như HLV Calisto trong lần dẫn dắt Muangthong trở lại Việt Nam cũng nhận xét, bóng đá Thái Lan hơn Việt Nam ở sự chuyên nghiệp, từ cơ sở vật chất cho đến bộ máy vận hành, cả ý thức làm việc của từng thành viên CLB. Thế nên, V-League vẫn còn phải phấn đấu nhiều hơn nữa để xứng đáng với danh… tự xưng "số 1 Đông Nam Á".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.