Theo dõi Báo Hànộimới trên

Thủ đô sẽ trở thành trung tâm hàng đầu về công nghệ thông tin

Lê Hương - Lê Hoàng Anh| 28/04/2013 06:12

(HNM) - Thành phố Hà Nội vừa ban hành Quy hoạch phát triển công nghệ thông tin (CNTT) đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với ưu tiên số một cho việc ứng dụng CNTT, phấn đấu đi đầu cả nước về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin trên cơ sở hạ tầng đô thị "thông minh".

Với bản quy hoạch này, cùng với những lộ trình cụ thể, trong tương lai gần, Hà Nội sẽ trở thành một trong những thành phố phát triển về chính quyền điện tử, trung tâm về công nghiệp CNTT. Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với ông Tô Văn Động - Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội về nội dung của quy hoạch quan trọng này.

Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội Tô Văn Động.


Công cụ đắc lực phục vụ cải cách hành chính

- Thưa ông, trước tiên, xin chúc mừng Sở TT&TT Hà Nội đã có những đóng góp quan trọng, giúp cho bản quy hoạch sớm được phê duyệt và hơn nữa đã định hình được con đường phát triển của CNTT tại Thủ đô trong hơn một thập niên tới. Trước khi có bản quy hoạch này, Hà Nội cũng đã từng ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai ứng dụng CNTT, nhất là trong lĩnh vực cải cách hành chính (CCHC). Vậy nhìn lại, chúng ta đã làm được những gì thưa ông?

- Với vị thế là một trung tâm khoa học - công nghệ hàng đầu cả nước, Hà Nội có điều kiện thuận lợi để phát triển CNTT, nhưng đồng thời đây là yêu cầu cấp thiết của Thủ đô trong giai đoạn phát triển mới. Nhiều nhiệm kỳ qua, Đảng bộ TP đã ban hành chương trình đẩy mạnh phát triển CNTT. Ngay trong nhiệm kỳ 2010-2015, Thành ủy đã ban hành Chương trình số 08-Ctr/TU ngày 18-10-2011 về đẩy mạnh CCHC, nâng cao trách nhiệm và chất lượng của đội ngũ cán bộ công chức, viên chức giai đoạn 2011-2015. UBND TP cũng có Kế hoạch CCHC nhà nước giai đoạn 2011-2015, trong đó xác định “Đẩy nhanh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành, giải quyết thủ tục hành chính và xây dựng chính quyền điện tử” nhằm xây dựng chính sách đồng bộ về ứng dụng CNTT trong các cơ quan hành chính từ thành phố đến quận, huyện, thị xã và xã, phường, thị trấn. Thứ hai là phát triển và hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật thông tin, bảo đảm cho các hoạt động ứng dụng CNTT trong các cơ quan, đơn vị trên môi trường mạng được an toàn, hiệu quả. Xây dựng và hoàn thiện hệ thống thông tin, các cơ sở dữ liệu lớn, trước hết tập trung xây dựng cơ sở dữ liệu về dân cư, quy hoạch, tài nguyên, môi trường... Đặc biệt, Hà Nội coi CNTT là công cụ phục vụ đắc lực cho công tác CCHC. Công dân, doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng CNTT để công khai hóa thông tin, nâng cao hiệu quả hoạt động bộ máy nhà nước, cung cấp các dịch vụ công trực tuyến. Nét đột phá nhất của việc ứng dụng CNTT chính là hiện đại hóa hành chính công hướng tới phục vụ công dân, doanh nghiệp.

- Một điều chắc chắn là Hà Nội đã phải đầu tư nhiều nguồn lực. Cho đến nay chúng ta có thể đong đếm được hiệu quả của các chương trình đẩy mạnh ứng dụng CNTT không thưa ông?

- Sau rất nhiều nỗ lực, đến nay hạ tầng CNTT của Thủ đô đã được thiết lập về cơ bản, bảo đảm đi trước một bước, tạo điều kiện cho việc phát triển các hệ thống thông tin, ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan nhà nước. Tỷ lệ cán bộ, công chức được trang bị máy tính chiếm đến 92% và 100% các sở, ban, ngành, quận, huyện, thị xã đã thiết lập mạng máy tính nội bộ; tỷ lệ máy tính kết nối mạng internet đạt 100%; Trung tâm Dữ liệu thành phố được thiết kế đạt tiêu chuẩn quốc tế cấp độ 3; hạ tầng mạng diện rộng (WAN) của thành phố đã triển khai... Đó là những vấn đề không phải địa phương nào trong toàn quốc cũng đạt được.

- Thưa ông, cụ thể việc ứng dụng CNTT tại các sở, ngành cũng như các cấp chính quyền cơ sở được thực hiện ra sao?

- Hiện tại có 20/24 sở, ban, ngành, 29/29 UBND quận, huyện, thị xã có trang thông tin điện tử, 52 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3 và 1 dịch vụ công trực tuyến mức 4 đã hoàn thành, cung cấp trực tuyến và đã tiếp nhận, xử lý hồ sơ giao dịch qua mạng. Có 5/24 sở, ngành và 12/29 UBND quận, huyện, thị xã hỗ trợ tra cứu trạng thái giải quyết thủ tục hành chính trên trang thông tin điện tử.

- Ứng dụng CNTT đã được triển khai tại các bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” trên địa bàn thành phố?

- Ứng dụng CNTT tại các bộ phận “một cửa”, “một cửa liên thông” được trang bị theo hướng hiện đại, đồng bộ và đã phát huy hiệu quả. Các sở, ban, ngành và UBND quận, huyện, thị xã đã triển khai ứng dụng CNTT tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính với các thiết bị phục vụ công dân tra cứu như: Ki ốt tra cứu, màn hình cảm ứng, thiết bị đọc mã vạch; Có 18/21 sở, ban, ngành và 100% UBND quận, huyện, thị xã sử dụng phần mềm “một cửa điện tử”; 11 quận, huyện đã triển khai phần mềm “một cửa” xuống tất cả các xã, phường trực thuộc...

Tạo ra phương thức, phong cách làm việc mới

- Ông có nghĩ rằng, với những điểm ưu việt, khác với bất cứ phương thức hỗ trợ nào, CNTT vừa là công cụ nhưng đồng thời cũng tạo áp lực đối với công tác CCHC?

- Đúng như vậy. Điều này thể hiện rất rõ trong quá trình triển khai của nhiều cơ quan, đơn vị. CNTT là công cụ vì ứng dụng của nó đã tạo ra một phương thức làm việc mới đối với mỗi cán bộ, công chức và các cơ quan hành chính nhà nước. Qua đó, CNTT là công cụ hỗ trợ đắc lực cho công tác CCHC, giải quyết các hoạt động tác nghiệp trong nội bộ cơ quan cũng như việc phục vụ các tổ chức, công dân. Tuy nhiên ứng dụng CNTT đòi hỏi cán bộ, công chức phải thay đổi cách làm việc cũ để bắt nhịp với phương thức làm việc mới, từ điều hành thủ công truyền thống sang điều hành qua mạng máy tính.

- Chắc chắn người dân rất mong muốn ứng dụng CNTT vào giải quyết các thủ tục hành chính vì như vậy vừa tiết kiệm được thời gian, vừa công khai, minh bạch các quy trình, thủ tục, tránh bị cán bộ phiền hà, nhũng nhiễu. Tuy nhiên trong thực tế chúng ta chưa tận dụng tốt hiệu quả của ứng dụng CNTT, vì thế vẫn còn nhiều kêu ca, phàn nàn trong giải quyết các thủ tục hành chính?

- Khi triển khai, ứng dụng tốt CNTT, mọi trì trệ, ách tắc của bộ máy hành chính sẽ bộc lộ qua môi trường điện tử hóa. Nếu dịch vụ công được cung cấp trực tuyến, ở đó sẽ không có ranh giới giữa các cơ quan hành chính với công dân, tổ chức, mọi thông tin sẽ được công khai, minh bạch. Thành phố chúng ta đang nỗ lực vì điều đó. Đây cũng là một trong những giải pháp để nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI).

- Năm 2012 chỉ số PCI của Hà Nội giảm 15 bậc (đứng thứ 51/63 tỉnh, thành phố). Vậy phải chăng tốc độ phát triển CNTT của Hà Nội thua kém rất nhiều địa phương trong cả nước?

- Vấn đề này tôi đã đề cập ở trên. Sắp tới cơ quan chức năng sẽ có công bố chỉ số về ứng dụng CNTT của các địa phương trong cả nước, chắc chắn Hà Nội sẽ thăng hạng nếu so sánh với thời gian trước.

TP Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 bảo đảm 25-30% tổng số giao dịch của các ngành kinh tế được thực hiện thông qua hệ thống giao dịch và thương mại điện tử; quy hoạch xây dựng 5 khu công nghiệp phần mềm và nội dung số; 2 phân khu công nghiệp phần cứng. Tổng doanh thu từ phần mềm và dịch vụ phần mềm đến năm 2015 đạt khoảng 1,1 tỷ USD/năm và đến năm 2020 đạt 3 tỷ USD/năm.
Xây dựng thành phố “thông minh”

- So sánh với các chương trình, kế hoạch đã được ban hành, theo đánh giá của ông, bản Quy hoạch phát triển CNTT của thành phố Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 có điểm gì khác biệt?

- Với mục tiêu phát triển CNTT phục vụ yêu cầu của phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh CNH, HĐH Thủ đô, bảo đảm an ninh quốc phòng, minh bạch hóa, công khai hóa các thủ tục hành chính hướng tới nền hành chính phục vụ, bản quy hoạch được xây dựng sau khi đánh giá thực trạng, phân tích nguyên nhân và đề ra được giải pháp tối ưu. Hơn hết, bản quy hoạch đã định hướng cụ thể lộ trình phát triển CNTT ở Thủ đô cùng những công việc cần làm một cách bài bản.

- Ông có thể cho biết một số mục tiêu cụ thể của quy hoạch này?

- Hà Nội phấn đấu đến năm 2020 phát triển CNTT đi đầu cả nước, hướng tới xây dựng xã hội thông tin. 100% sở, ban, ngành, UBND cấp quận, huyện, xã, phường được kết nối mạng diện rộng của Chính phủ, thành phố và internet băng thông rộng. Đặc biệt, Hà Nội sẽ xây dựng và phát triển thành phố điện tử với công dân điện tử, chính quyền điện tử, doanh nghiệp điện tử và giao dịch, thương mại điện tử. Thủ đô sẽ trở thành trung tâm công nghiệp CNTT của cả nước, công nghiệp CNTT sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực, trong đó công nghiệp phần mềm, nội dung số và dịch vụ sẽ là kinh tế mũi nhọn. Đương nhiên đi kèm với đó, thành phố sẽ phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về CNTT. Mục tiêu đến năm 2030, Hà Nội tiếp tục đi đầu cả nước về phát triển kinh tế tri thức và xã hội thông tin trên cơ sở hạ tầng đô thị “thông minh”; trở thành thành phố phát triển về chính quyền điện tử, trung tâm mạnh về công nghiệp CNTT của khu vực.

- Như vậy, có thể hiểu tâm điểm của bản quy hoạch là hướng tới xây dựng một thành phố Hà Nội “thông minh”. So với tình hình thực tại, những dự báo trong tương lai, chúng ta cần phải bảo đảm những yếu tố nào để thực thi mục tiêu đó, thưa ông?

- Để hướng tới xây dựng thành phố “thông minh” cần phải xác định rõ các yếu tố cấu thành. Thứ nhất là hạ tầng thông tin. Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) đã chỉ rõ định hướng về phát triển hạ tầng thông tin cần phải “Đẩy mạnh ứng dụng CNTT vào quản lý, khai thác, vận hành hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội và toàn bộ nền kinh tế. Coi thúc đẩy phát triển và ứng dụng CNTT là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong lộ trình CNH, HĐH trong từng ngành, từng lĩnh vực”. Hà Nội sẽ nỗ lực thực hiện mục tiêu này. Thứ hai là ứng dụng CNTT. Hà Nội xác định CNTT là nền tảng của kinh tế tri thức, là công cụ và động lực để phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng. CNTT sẽ được ứng dụng rộng rãi trong mọi hoạt động của xã hội. Trong đó, thành phố chú trọng ứng dụng tạo nên hạ tầng đô thị “thông minh” (giao thông thông minh, lưới điện thông minh, chiếu sáng thông minh, giám sát nguồn nước thông minh), tạo ra sự đổi thay toàn diện về hệ thống hạ tầng đô thị của Thủ đô. Thứ ba là nguồn nhân lực. Để ứng dụng có hiệu quả CNTT, Hà Nội phải có được nguồn nhân lực CNTT chất lượng cao và đặc biệt phải phổ cập CNTT đến mọi tầng lớp nhân dân.

- Để đạt được các mục tiêu quy hoạch đã đặt ra sẽ cần đến những giải pháp hết sức cụ thể và giàu tính khả thi, ông có đồng tình như vậy?

- Thành phố đã xác định 5 nhóm giải pháp về huy động vốn đầu tư; phát triển nguồn nhân lực; giải pháp về khoa học, công nghệ, môi trường; cơ chế, chính sách và tăng cường liên kết, hợp tác. Hiện nay, trên thế giới đã có nhiều nước thành công khi triển khai thành phố thông minh như thành phố New York, Amsterdam, Dubai, Stockholm, Dublin, Singapore, Seoul… Tuy nhiên, Hà Nội sẽ nghiên cứu, học tập những mô hình và kinh nghiệm của một số thành phố có mô hình tương đồng với chúng ta.

- Bên cạnh đó, chúng ta phải cần đến một nguồn lực vật chất rất lớn?

- Để hình thành thành phố thông minh đòi hỏi sự tham gia của toàn xã hội, từ Nhà nước, các cơ quan hành chính, doanh nghiệp và người dân. Trong đó, vai trò của Nhà nước là đầu tư ứng dụng CNTT cho những nội dung và lĩnh vực quan trọng; định hướng, hỗ trợ và tạo các hành lang pháp lý, cơ chế khuyến khích thúc đẩy ứng dụng CNTT. Dự kiến, nguồn vốn để triển khai bản quy hoạch này khoảng gần 60.000 tỷ đồng, trong đó khoảng 8.000 tỷ đồng từ vốn ngân sách, số còn lại là xã hội hóa. Nguồn vốn từ ngân sách sẽ được tập trung cho lĩnh vực quan trọng, những nội dung công việc mà Nhà nước phải làm như hạ tầng và ứng dụng CNTT trong cơ quan nhà nước, triển khai cơ chế hỗ trợ, hợp tác quốc tế… Ngoài ra, thông qua việc thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước, thành phố sẽ huy động sự tham gia của các doanh nghiệp, với các hình thức hợp tác công - tư (PPP), thuê ngoài dịch vụ…

- Là cơ quan tham mưu cho thành phố xây dựng quy hoạch, ông nhận định như thế nào về thuận lợi cũng như thách thức trong quá trình triển khai?

- Về thuận lợi, tôi cho rằng điều căn bản nhất là chúng ta có quyết tâm chính trị, đồng thời Thủ đô là nơi hội tụ lực lượng chất xám lớn nhất của cả nước. Tuy nhiên, chúng ta sẽ gặp phải những khó khăn, thách thức do việc triển khai các dự án ứng dụng CNTT phức tạp, liên quan đến nhiều cấp, nhiều ngành, tính rủi ro cao, công nghệ thường xuyên thay đổi. Do đó khi triển khai, nếu không có kiến trúc tổng thể và lộ trình hợp lý sẽ rất khó phát huy được hiệu quả và bảo đảm tính đồng bộ. Bên cạnh đó còn đòi hỏi phải gắn kết được sự tham gia của các cấp, ngành, doanh nghiệp và cộng đồng xã hội, nâng cao khả năng sử dụng CNTT của mọi tầng lớp nhân dân và trên hết phải thu hút, khuyến khích được các nhà đầu tư, doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi. Chúc cho bản quy hoạch được triển khai thuận lợi, xây dựng Thủ đô của chúng ta sớm trở thành một thành phố “thông minh”.
(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô sẽ trở thành trung tâm hàng đầu về công nghệ thông tin

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.