Xây dựng

Thủ đô Hà Nội cần có những công trình mang tầm vóc toàn cầu

Tiến Thành 21/06/2024 - 10:06

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 28-5 vừa qua cho rằng, Hà Nội cần có những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn nổi tiếng mang tầm vóc khu vực và toàn cầu.

tavanha.jpg
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam). Ảnh: media.quochoi.vn

Đại biểu Đoàn Quảng Nam bày tỏ sự đồng tình, tán thành cao với dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại kỳ họp thứ bảy.

“Bằng tất cả niềm tin và hy vọng, tôi nghĩ rằng Luật Thủ đô (sửa đổi) lần này với những cơ chế đặc thù, chính sách đặc biệt sẽ tạo động lực để Hà Nội bứt phá vượt lên trở thành một Thủ đô trong tầm cỡ khu vực và thế giới”, đại biểu khẳng định.

Bên cạnh đó, đại biểu bày tỏ quan tâm đến quy định về biện pháp bảo đảm và thực hiện các quy hoạch trong dự thảo Luật. Đại biểu khẳng định, Hà Nội để lại ấn tượng với du khách trên thế giới bằng nhiều công trình kiến trúc truyền thống và cổ điển. Tuy nhiên, Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung thiếu vắng công trình kiến trúc đương đại, hiện đại nào mang tầm vóc quốc tế.

Do đó, đại biểu Tạ Văn Hạ cho rằng để trở thành điểm đến và thu hút nhiều du khách, cần có những điểm nhấn thúc đẩy Hà Nội vượt lên chính mình cũng như vượt lên thành một Thủ đô mang tầm vóc khu vực và thế giới.

“Dự thảo Luật lần này tôi mong muốn và đề nghị phải quy định cụ thể, rõ ràng để có chiến lược quy hoạch, ưu tiên đầu tư, quỹ đất, vốn, chính sách..., thậm chí thu hút được các kiến trúc sư tầm cỡ quốc tế giúp cho Hà Nội có những quy hoạch, những công trình mang điểm nhấn, dấu ấn nổi tiếng của khu vực và toàn cầu”, đại biểu nói.

Đại biểu Tạ Văn Hạ cũng bày tỏ quan tâm đến vấn đề cho phép các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp, các tổ chức khoa học công nghệ trên địa bàn thành phố được thành lập hoặc tham gia thành lập doanh nghiệp; viên chức tại các cơ sở giáo dục được quản lý, điều hành các doanh nghiệp. Đại biểu cho rằng đây là vấn đề lớn, không chỉ riêng của các đơn vị nằm trên địa bàn Hà Nội, mà là vấn đề của tất cả các cơ sở đào tạo và các tổ chức khoa học công nghệ của cả nước, mang tính chất chung của cả nước.

“Quy định này chịu tác động của rất nhiều luật, đồng thời còn chịu tác động bởi chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và các chỉ tiêu phấn đấu về giảm các đơn vị sự nghiệp công lập. Mục tiêu của nội dung này nhằm thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của một số tổ chức này thôi”, đại biểu Tạ Văn Hạ nói.

Đại biểu Đoàn Quảng Nam cho rằng có rất nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu nói trên như đưa lên sàn giao những kết quả nghiên cứu khoa học, kết nối các nhà đầu tư đến với những sản phẩm nghiên cứu, còn các nhà khoa học chỉ tập trung vào nghiên cứu để cho ra các sản phẩm, không cần thiết phải để các nhà khoa học, thầy giáo ở các trường, cơ sở đào tạo đi thực hiện thương mại hóa sản phẩm của mình.

“Tôi ủng hộ quy định này nhưng cho rằng tất cả những vấn đề cần được nghiên cứu kỹ, nhất là những vấn đề hiện nay mang tính chất bao quát rộng, phạm vi rộng như quy định nêu trên, đồng thời cần phải thí điểm để đánh giá kỹ tác động cụ thể”, đại biểu nói.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Thủ đô Hà Nội cần có những công trình mang tầm vóc toàn cầu

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.